Tây Ninh cơ bản hoàn thành chi trả hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ

Thứ năm - 17/03/2022 09:00 127 0
Chiều ngày 16/3, đồng chí Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến đến các huyện, thị xã, thành phố nhằm đánh giá kết quả thực hiện các chế độ chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; việc sử dụng kinh phí thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.


Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Trương Thị Phương Thảo cho biết, việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ cho đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn, thời gian qua được triển khai nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. UBND tỉnh đã phê duyệt hồ sơ cho các đối tượng với tổng số hơn 450.000 người với số tiền trên 830 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ chi trả đạt 90%.


Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Trương Thị Phương Thảo báo cáo tình hình thực hiện các chính sách

Trong đó, tính đến ngày 15/3/2022, chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, UBND tỉnh đã phê duyệt được hơn 96.000 người với số tiền trên 357 tỷ đồng; hỗ trợ cho hơn 11.000 lao động ngừng việc với số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Hỗ trợ cho trên 91.100 trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế với số tiền trên 98 tỷ đồng, trong đó, ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt chính sách cho hơn 72.000 người với số tiền 82 tỷ đồng. Tuy nhiên, các địa phương thực hiện chi trả cho các đối tượng này còn chậm, mới đạt gần 70% so với số đã phê duyệt. Với chính sách hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, đã phê duyệt cho hơn 8.100 hộ với số tiền trên 24 tỷ đồng (trong đó ủy quyền cho cấp huyện phê duyệt hơn 6.100 hộ với số tiền hơn 18 tỷ đồng). Việc chi trả cho các hộ kinh doanh cũng mới thực hiện được hơn 72%.

Với chính sách hỗ trợ người lao động không có hợp đồng lao động và các đối tượng đặc thù khác, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho trên 260.000 người với số tiền gần 400 tỷ đồng (trong đó ủy quyền cho cấp huyện phê duyệt hơn 110.000 người với số tiền trên 170 tỷ đồng). Các địa phương thực hiện chi trả gần 100%.

Việc triển khai thực hiện chính sách theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, đến cuối năm 2021 đã hoàn thành, giảm đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho gần 2.000 đơn vị, trên 400.000 lao động với tổng số tiền giảm đóng hơn 20,5 tỷ đồng; chi hỗ trợ cho trên 210.000 lao động với số tiền gần 500 tỷ đồng.

Các chính sách thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, các Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND và Quyết định số 17/2021/QĐ-UBND đến cuối năm 2021 đã hoàn tất công tác tiếp nhận hồ sơ, chỉ riêng vài chính sách còn tiếp nhận đến cuối tháng 1 năm 2022. Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, thời gian tiếp nhận hồ sơ đến ngày 30/6/2022.

Theo thống kê của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thông tin về tình hình tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong hai năm 2020 và 2021, đơn vị này đã tiếp nhận gần 60 tỷ đồng, công tác chi được thực hiện đúng quy định.

Lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, tỉnh đã dành nguồn lực rất lớn để chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và chi trả các chế độ, chính sách liên quan với tổng kinh phí chi trong năm 2020, 2021 và 2 tháng đầu năm 2022 là hơn 1.441 tỷ đồng, đảm bảo công tác phòng chống dịch.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng phát biểu kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng đánh giá cao sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương các cấp, nhất là cấp cơ sở trong suốt thời gian qua đã thực hiện rất tốt các nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương, của tỉnh trong phòng chống dịch bệnh và đã đạt được các kết quả phấn khởi, tích cực. Tỉnh đã kiểm soát được dịch bệnh, đưa cuộc sống của người dân, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường mới.

Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đối với người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; không để cho người dân bị thiếu đói, đã giải quyết được những khó khăn của người dân, doanh nghiệp để tiếp thêm động lực vượt qua dịch bệnh.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, thời gian qua, tỉnh đã huy động được các nguồn lực của Trung ương, nguồn lực của các cấp địa phương, nguồn xã hội hóa, sử dụng nguồn BHXH, thống kê sơ bộ, tổng kinh phí đã chi hơn 2.000 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch, cơ bản hoàn thành chi trả hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

Lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng, việc triển khai các chính sách hỗ trợ vẫn còn chậm; một số chính sách tỷ lệ đạt còn thấp, có chính sách chưa phát sinh hồ sơ…

Sau khi phân tích nguyên nhân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các địa phương nhanh chóng kết thúc việc thực hiện các chính sách theo nghị quyết của trung ương và các quyết định của tỉnh trong tháng 3/2022.

Sở Tài chính có hướng dẫn công tác thanh quyết toán với các địa phương, sở, ngành; làm rõ nguồn kinh phí để bổ sung đầy đủ, kịp thời về cho các huyện thực hiện chi trả cho các đối tượng.

Cũng trong tháng 3/2022, các địa phương khẩn trương chi trả đối với các hồ sơ đã được tỉnh phê duyệt, không để tồn đọng. Đối với các nguồn lực xã hội hóa, các huyện tiếp tục tổng hợp, theo dõi, quản lý sử dụng đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch, cần thiết trao đổi với ngành cấp trên để được hướng dẫn chi, sử dụng đúng quy định.

Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện công tác kiểm tra quá trình chi cho các đối tượng người lao động ở các doanh nghiệp trong thời gian qua để nắm tình hình, báo cáo UBND tỉnh.

XV


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây