Lãnh đạo hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước trao đổi về chủ trương hợp tác kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025

Thứ sáu - 04/03/2022 08:00 148 0
Chiều ngày 03/3, tại tỉnh Tây Ninh, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và tỉnh Bình Phước có buổi làm việc, thống nhất chủ trương tổ chức Hội nghị sơ kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2021 và Kế hoạch hợp tác kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025 giữa hai tỉnh.


Quang cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc, về phía Đoàn công tác của tỉnh Bình Phước có đồng chí Nguyễn Mạnh Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Trần Tuệ Hiền - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.

Về phía tỉnh Tây Ninh, tham dự có các đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.


Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Ngọc Phương thông qua những kết quảhợp tác của hai tỉnh trong giai đoạn 2016-2021

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Ngọc Phương trình bày các dự thảo Báo cáo kết quả hợp tác giai đoạn 2016-2021; Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2022 - 2026 và Kế hoạch tổ chức Hội nghị ký kết hợp tác.

Trong giai đoạn 2016-2021, lãnh đạo hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước quan tâm chỉ đạo đã triển khai Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương. Các sở, ngành của hai địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các nội dung của Bản thỏa thuận hợp tác, đồng thời đã chủ động trao đổi thông tin, kinh nghiệm về quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách, qua đó đã tạo nên động lực và niềm tin cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của hai địa phương đến đầu tư tại tỉnh Bình Phước và Tây Ninh.

Qua 5 năm triển khai Chương trình đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ trong mối quan hệ của hai địa phương thể hiện rõ nét, trên các lĩnh vực. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội, phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, tạo động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của vùng.

Tuy nhiên, việc phối hợp giữa một số sở, ban, ngành của hai địa phương chưa được thường xuyên, liên tục; một số nội dung hợp tác được triển khai thực hiện thiếu chiều sâu, chi tiết nên chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

Qua phân tích những tiềm năng, lợi thế của hai tỉnh, lãnh đạo hai địa phương cùng thảo luận thống nhất cùng thực hiện hợp tác trên các lĩnh vực trong giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại; tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại và đầu tư; tiếp tục phối hợp tham mưu, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền các nội dung liên quan đến Bộ, ngành Trung ương, như: dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, QL14C, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4...


Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội nghị

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho biết, tỉnh đang chú trọng 3 đột phá về hạ tầng giao thông (nhất là kết nối với các tỉnh trong vùng, rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh), tạo thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội; phát triển nguồn nhân lực và đột phá về cải cách hành chính. Tỉnh rất cần sự hợp tác giữa các tỉnh lân cận, nhất là Tây Ninh.

Về tăng cường hợp tác giữa hai tỉnh trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước đề xuất sớm triển khai kết nối giao thông giữa hai tỉnh; hợp tác, thúc đẩy kết nối liên vùng, muốn hai tỉnh phối hợp thúc đẩy tiến độ dự án cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa; Quốc lộ QL14C trong quy hoạch vùng; hợp tác về xây dựng quy hoạch; phát triển du lịch - đây là lĩnh vực Tây Ninh đang thực hiện rất tốt, cần kiến tạo ra các tuyến du lịch liên tỉnh. Ngoài ra, sẽ hợp tác trên lĩnh vực xúc tiến đầu tư thương mại - du lịch; công tác lãnh đạo quản lý, xây dựng đảng; phối hợp trong quản lý đường biên, cột mốc, đảm bảo trật tự an toàn xã hội...


Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc đề xuất hai tỉnh hợp tác theo nhóm vấn đề

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc đề xuất nên phối hợp theo nhóm vấn đề, trên cơ sở nhận diện tiềm năng, lợi thế, cơ hội mà hai tỉnh đang có để phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tiên là hai tỉnh cần thống nhất nhóm cơ chế để phối hợp với các tỉnh, thành khác để khuyến khích, mở ra cơ hội, động lực phát triển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; thứ hai là khai thác tiềm năng, lợi thế của hai bên để thúc đẩy kinh tế - xã hội. Thứ ba là cơ chế hợp tác phối hợp để đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh biên giới, bởi Bình Phước, Tây Ninh có đường biên giới dài nhất nhì khu vực; kế nữa là nhóm vấn đề khai thác phải đảm bảo môi trường; hỗ trợ nhau xúc tiến, quảng bá đầu tư, quảng bá hình ảnh con người, quê hương hai tỉnh; tiếp đó là nhóm giao lưu trao đổi kinh nghiệm, trong quá trình quản lý nhà nước, thu hút đầu tư; giao lưu trong hệ thống chính trị và giao lưu nhân dân, giao lưu doanh nghiệp. Hai tỉnh cũng cần thống nhất cơ chế triển khai, hiện thực hóa chương trình hợp tác, dễ dàng triển khai.

Đề xuất này đã được hai bên đồng thuận, thống nhất cao.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm thống nhất, dự kiến trong tháng 3 này, Hội nghị sơ kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2021 và ký kết Kế hoạch hợp tác kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025 giữa hai tỉnh sẽ diễn ra tại tỉnh Tây Ninh, kết hợp với một số hoạt động quảng bá xúc tiến, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của cả hai bên.


Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm phát biểu tại hội nghị

Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm nhấn mạnh, Tây Ninh mong muốn được trao đổi, chia sẻ thông tin về định hướng quy hoạch của cả hai tỉnh, để thống nhất về định hướng mục tiêu, ý tưởng có tính chất liên kết vùng; cùng nghiên cứu đề xuất vào quy hoạch vùng Đông Nam bộ. Tây Ninh ủng hộ ý tưởng của tỉnh Bình Phước cùng thúc đẩy Bộ Giao thông Vận tải triển khai nhanh tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa; ủng hộ ý tưởng của Bình Phước kiến nghị với Trung ương sớm chuyển giai đoạn để tạo tuyến đường từ Bình Phước đến sân bay Long Thành, tạo điều kiện kết nối tuyến đường từ Tây Ninh đi qua Bình Dương đến sân bay Long Thành, thống nhất thúc đẩy các điểm kết nối hiện nay theo hướng đồng bộ hóa các tuyến đường; kiến nghị Chính phủ hiện thực hóa tuyến QL14C. Bên cạnh đó, hai bên sẽ đẩy mạnh kết nối xúc tiến về du lịch; hiện thực hóa ký kết hợp tác liên kết vùng Đông Nam bộ. Hai tỉnh cũng cần liên kết chặt chẽ thực hiện hoạt động đối ngoại với Campuchia nhằm đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, văn hóa, thể thao…

Sau buổi làm việc, lãnh đạo hai tỉnh cùng khảo sát một số công trình, dự án về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Nhã Khôi


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây