Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022

Thứ năm - 10/03/2022 21:00 133 0
Sáng ngày 10/3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022.

Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.


Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Tại điểm cầu Sở Y tế tỉnh Tây Ninh, tham dự có đồng chí Đàm Văn Cường - Phó Giám đốc Sở Y tế và các phòng, chi cục nghiệp vụ.


Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Sở Y tế tỉnh Tây Ninh

Thời gian qua, việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được Bộ Y tế và các bộ, ngành tăng cường kiểm soát. Tuy nhiên, vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn rất phức tạp, tình trạng quảng cáo sai sự thật, lợi dụng danh nghĩa, uy tín của cán bộ y tế, cơ sở y tế để quảng cáo vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã tương đối đầy đủ và chặt chẽ. Hành lang pháp lý về xử lý vi phạm trong lĩnh vực này đã được quy định cụ thể, có tính rắn đe cao.

Theo quy định, sau khi được cơ quan chuyên môn thẩm định nội dung thì cơ quan, tổ chức phát hành quảng cáo mới được thực hiện quảng cáo và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được thẩm định.

Thực tế, cơ bản, các cơ quan, tổ chức quảng cáo thực hiện tốt quy định này, tuy nhiên cần nhìn nhận rằng, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra. Trong đó, quảng cáo trên môi trường mạng vi phạm rất phổ biến. Những vi phạm chủ yếu trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe thường xuyên xảy ra là quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng, gây hiểu lầm thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh; quảng cáo thực phẩm, quảng cáo sử dụng danh nghĩa, hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng, cơ quan báo chí, đài truyền hình uy tín để quảng cáo thực phẩm như thần dược; quảng cáo khi chưa được xác nhận nội dung của cơ quan có thẩm quyền, quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận…

Qua rà soát và kiểm tra, trong năm 2020-2021, Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện, xử lý 197 trường hợp vi phạm quy định về quảng cáo các sản phẩm bảo vệ sức khỏe với tổng số tiền phạt gần 4 tỷ đồng, đồng thời đăng tải công khai các sản phẩm này trên các phương tiện thông tin truyền thông để cảnh báo đến người tiêu dùng; buộc tháo gỡ các nội dung quảng cáo sai quy định.

Các địa phương, đơn vị phân tích làm rõ thêm những hành vi vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, đề xuất các biện pháp khắc phục. Theo Thành phố Hồ Chí Minh, khó khăn nhất là xác định chủ thể quảng cáo, nhất là quảng cáo trên môi trường mạng, quảng cáo rao vặt. Thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra, xử phạt 24 cơ sở, tiền phạt hơn 1,6 tỷ đồng, đưa kết quả xử phạt công khai lên trang web để răn đe. Cũng theo thành phố Hồ Chí Minh, cần có quy định ràng buộc rõ ràng trong luật về chủ thể của sản phẩm có nội dung được quảng cáo để tăng trách nhiệm. Tỉnh Hòa Bình đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng thực phẩm chức năng, đồng thời tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý.


Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, để hạn chế tối đa các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người dân, đồng thời tạo sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng đề nghị cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quảng cáo, nhất là quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay.  

Theo Thứ tưởng, công tác quản lý quảng cáo không phải thuộc trách nhiệm của riêng bộ ngành nào mà đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin với nhau. Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm quốc gia, Thứ trưởng đề nghị sự phối hợp giữa các bộ ngành trong thực hiện công tác này. Trong đó, Bộ Công thương hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho Sở Công thương các địa phương tăng cường quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, quản lý các công ty bán hàng đa cấp là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có các biện pháp giám sát các hoạt động bán hàng đa cấp nhất là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty để tránh việc quảng cáo tuyên truyền miệng sai sự thật; có chế tài xử phạt các sàn giao dịch điện tử có hành vi vi phạm.

Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan chuyên môn; có biện pháp mạnh với Facebook, Google, Youtube yêu cầu họ thực hiện nghiêm túc pháp luật Việt Nam; rà soát quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động, đảm bảo khi phát hiện sai phạm về quảng cáo cần xử lý nghiêm, tạm đóng tên miền hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm.

Bộ Văn hóa,Tthể thao và Du lịch tuyên truyền quy định pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nội dung không đúng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chức năng kiểm duyệt.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan báo, đài địa phương chỉ quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi đã được thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận; chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Các cơ quan truyền thông cần nêu cao ý thức tự giác chấp hành các quy đinh, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chỉ mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi có nhu cầu, tuyệt đối không mua sản phẩm qua tuyên truyền miệng, nhằm bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cho chính mình và người thân.

Hoàng Giang


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây