Các đại biểu tham dự buổi lễ
Đây là công trình có ý nghĩa kết nối giao thông quan trọng, rút ngắn khoảng cách, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa, giúp học sinh thuận tiện đến trường, thỏa lòng mong mỏi của người dân trong vùng. Hai xã cánh tây của Trảng Bàng sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Đây cũng là cây cầu thứ 7 bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, kết nối trung tâm các huyện với các xã biên giới của tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo tham dự buổi lễ
Đến dự lễ có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Đài Thy - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, lãnh đạo thị xã Trảng Bàng, lãnh đạo và người dân các xã Phước Chỉ, Phước Bình, phường An Hòa.
Theo Sở Giao thông Vận tải, cầu An Phước là cây cầu có quy mô lớn, có tổng chiều dài 453m, với 11 nhịp, bề rộng mặt cầu là 12m, bao gồm phần xe chạy 11m. Có nhịp thông thuyền là 80m, được thi công với công nghệ hiện đại, đúc hẫng cân bằng. Tổng mức đầu tư là hơn 399 tỷ đồng, giá trị trúng thầu xây lắp là hơn 276 tỷ đồng. Nhà thầu trúng thầu thi công xây lắp là Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4 - Công ty Cổ phần 479 Hòa Bình - Công ty Cổ phần Hải Đăng. Công trình được khởi công vào tháng 7 năm 2019 đến nay đã hoàn thành.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng nhấn mạnh đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh để phát triển kinh tế xã hội
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng nhấn mạnh, một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển nhanh, bền vững, là đột phá về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Đây chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 2020-2025.
Các đại biểu thực hiện nghi thức thông xe cầu An Phước
Những chuyến xe đầu tiên sau lễ thông xe cầu An Phước
Dự án cầu An Phước gồm cầu bê tông cốt thép dài 453m, rộng 12m và đường dẫn vào cầu dài hơn 5,7km, mặt đường bê tông nhựa rộng 7m. Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh, là dự án giao thông huyết mạch của khu vực. Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khả năng huy động vật tư, nhân sự và phương tiện gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần quyết tâm cao của các đơn vị thi công, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền và được sự ủng hộ của người dân, công trình đã hoàn thành trong sự vui mừng, phấn khởi của người dân trong khu vực.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư nhiều dự án, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thị xã Trảng Bàng (đường liên tuyến N8-787B-789, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, dự án đường Hồ Chí Minh, cảng Hưng Thuận...). Do đó, lãnh đạo UBND tỉnh mong muốn người dân Trảng Bàng tiếp tục đồng hành, ủng hộ chủ trương của nhà nước trong công tác giải phóng mặt bằng để các dự án sớm hoàn thành, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của thị xã Trảng Bàng, sớm trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Giao thông Vân tải Nguyễn Tấn Tài (thứ hai từ phải qua) tặng quà cho đại diện tập thể lãnh đạo và nhân viên bến phà Lái Mai
Khi cầu An Phước chính thức đi vào hoạt động, đồng nghĩa với việc phà Lái Mai đã hoàn thành sứ mệnh đưa đón người dân qua lại hai bờ sông Vàm Cỏ. Nhân dịp này, tập thể lãnh đạo và nhân viên bến phà Lái Mai được nhận lời tri ân của lãnh đạo tỉnh.
Đại diện các xã, phường thị xã Trảng Bàng nhận kinh phí xây tặng nhà tình nghĩa
Tại buổi lễ, nhằm chia sẻ niềm vui với địa phương, các nhà thầu thi công công trình đã tặng kinh phí hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho xã Phước Bình, Phước Chỉ và phường An Hòa. Mỗi căn trị giá 70 triệu đồng.
Gia Thọ