Nghị định số 107/2014/NĐ-CP được ban hành tạo thuận lợi cho người dân chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. |
Theo Nghị định mới ban hành, hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải được tách ra thành 2 khung phạt. Cụ thể, mức phạt từ 5-7 triệu đồng được giữ nguyên đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên 60% đến 100% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn, trên 50% đến 100% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên và xe xi téc chở chất lỏng, kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc. Ở khung phạt đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải trên 100% thì sẽ bị phạt tiền từ 7-8 triệu đồng, cao hơn mức phạt hiện đang áp dụng tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 từ 5-7 triệu đồng.
Đối với hành vi điều khiểm xe vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường cũng được tách thành 2 khung phạt là phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) cho phép tham gia giao thông của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 50% đến 100%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng. Khung phạt thứ hai từ 7-8 triệu đồng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) cho phép tham gia giao thông của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 100%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.
Ngoài bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 3 tháng.
Sau 8 tháng triển khai thực hiện các nội dung của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của việc thực hiện pháp luật trật tự an toàn giao thông đường bộ và đường sắt, thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các giải pháp thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện nhằm nâng cao an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đã cho thấy một số quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính liên quan đến xử lý vi phạm quá tải trọng chưa thực sự thuận lợi để áp dụng trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tăng cường trách nhiệm trong quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của chủ phương tiện, Nghị định số 107/2014/NĐ-CP được ban hành để bổ sung, điều chỉnh nhằm bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành, bảo đảm áp dụng hợp lý hơn và tạo thuận lợi cho người dân khi chấp hành các quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Nghị định số 107 cũng bổ sung một số nội dung của Nghị định số 171 như: Bổ sung quy định “dây đai an toàn” đưa vào xử phạt để bảo đảm an toàn giao thông cho phù hợp thực tế hiện nay; bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi “tháo bớt ghế” trên xe chở khách, vì trong quá trình kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, nhiều phương tiện chở khách đã tự ý tháo ghế để chở hàng hoặc để xếp được nhiều ghế phụ để chở khách, gây mất an toàn giao thông; sửa đổi quy định không xử phạt hành vi chở quá tải trọng đến dưới 10% theo đúng Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 8/7/2014 của Chính phủ; điều chỉnh mức độ áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước Giấy phép lái xe 1 tháng đối với một số hành vi chở quá tải trọng mà không vượt quá 50% tải trọng cho phép; điều chỉnh từ tước Giấy phép lái xe 2 tháng xuống còn 1 tháng đối với một số hành vi vi phạm chưa tới mức quá nghiêm trọng. Các điều chỉnh này vẫn phạt tiền để bảo đảm tính răn đe của pháp luật đối với người vi phạm, đồng thời tạo điều kiện để người vi phạm sửa chữa và giảm bớt khó khăn đối với người lái xe; giảm mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện, tăng mức xử phạt đối với chủ phương tiện giao xe cho người làm công, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về chở quá tải trọng, qua đó để tăng cường trách nhiệm của chủ phương, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đối với công tác quản lý hoạt động vận tải của đơn vị mình trong quá trình khai thác, kinh doanh vận tải, bảo đảm sự chấp hành nghiêm về kiểm soát tải trọng phương tiện.
T.Giang