Người dân và học sinh tham gia làm đẹp làng quê. |
Xã Phước Trạch có 2.063 hộ dân, với hơn 7.900 nhân khẩu, chia thành 3 ấp phân bố trên diện tích tự nhiên 1.127 ha. Đây là xã trọng điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2014 của tỉnh. Đến nay Phước Trạch đã hoàn thành 19/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có những tiêu chí khó thực hiện nhưng vẫn đạt được, cũng nhờ nhân dân tích cực hưởng ứng đóng góp.
Những ai xa làng quê Phước Trạch chừng vài năm, nay có dịp trở lại sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi. Đi đâu cũng thấy những con đường được láng nhựa, hoặc bê tông xi măng phẳng phiu, sạch sẽ, rộng rãi, xe cộ lưu thông thuận tiện thay cho những con đường đầy nắng bụi mưa bùn trước đây. Có được bộ mặt nông thôn tươi mới ấy, ngoài sự đầu tư của Nhà nước còn có sự đóng góp rất đáng kể của người dân địa phương.
Trong 4 năm qua, trên địa bàn xã đã có 44 con đường được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng với chiều dài hơn 21km, tổng kinh phí hơn 39,6 tỷ đồng. Trong đó có 21 con đường chiều dài gần 2.500 mét, chi phí hơn 1 tỷ đồng hoàn toàn do dân ủng hộ. Để mở rộng các con đường, có hơn 100 hộ hiến tổng cộng gần 5.000 mét vuông đất, phá bỏ vật kiến trúc tổng trị giá hơn 300 triệu đồng.
Hệ thống trường học từ mẫu giáo đến trung học cơ sở trên địa bàn xã Phước Trạch đã được ngành chức năng đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Đến nay 100% trường học (gồm 1 trường mẫu giáo, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS) có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Trung tâm Văn hoá- Thể thao- Học tập cộng đồng của xã đã được Nhà nước đầu tư xây dựng mới. Nhà văn hoá ấp Xóm Mía và ấp Bàu Vừng cũng vừa được xây mới trong năm 2014.
Những năm qua, lãnh đạo xã Phước Trạch luôn xem việc xây dựng nhà ở cho người nghèo là một trong những tiêu chí quan trọng, vì người dân có “an cư” mới “lạc nghiệp”. Chính quyền địa phương luôn tích cực vận động các tổ chức và cá nhân đóng góp, ủng hộ nhà ở cho người nghèo.
Qua 4 năm thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, xã Phước Trạch đã xây 278 căn nhà đại đoàn kết. Hiện nay ở xã không còn nhà tạm, nhà dột nát và có đến 95% nhà ở của người dân trong xã đạt tiêu chuẩn “3 cứng” (mái nhà cứng, khung- tường cứng và nền cứng). Đối với tiêu chí thu nhập bình quân đầu người trong năm- một tiêu chí thuộc loại quan trọng hàng đầu và khó nhất trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo địa phương đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chương trình, dự án nhằm phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập, mức sống của người dân.
Xã đã phối hợp với ngành chức năng vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng các mô hình làm ăn có hiệu quả, như mô hình liên kết “4 nhà” thâm canh lúa theo hướng VietGAP với quy mô 300 ha hoặc mô hình hợp tác sản xuất lúa giống cộng đồng với quy mô ổn định 10 ha.
Các mô hình này đã giúp cho nông dân tăng thu nhập. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân sản xuất cũng được các ngành chức năng tập trung đầu tư thực hiện thông qua các dự án nuôi heo, gà, vịt theo hướng an toàn sinh học; nuôi thâm canh cá tra; nuôi ba ba trong ao; nuôi lươn sạch; trồng nấm...
Năm 2011, toàn xã có 72 cơ sở kinh doanh, dịch vụ còn con số hiện nay là 111 cơ sở (tăng 39 cơ sở). Quy mô các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng được mở rộng, từ đó giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ. Thời gian qua, địa phương cũng đã giới thiệu, tạo điều kiện cho hơn 500 lao động nông thôn đi làm công nhân ở các khu, cụm công nghiệp lân cận...
Đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã Phước Trạch đã đạt 30 triệu đồng/người/năm, đáp ứng tiêu chí về thu nhập theo quy định. Bảo đảm vệ sinh môi trường cũng là điều không dễ, nhưng bằng sự quyết tâm thực hiện, Phước Trạch cũng đã đạt được tiêu chí này.
Hiện nay, 100% hộ dân ở xã Phước Trạch sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% hộ có nhà tắm, nhà vệ sinh, bể nước đạt yêu cầu. Các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường. Cảnh quan đường làng, ngõ xóm được các hộ gia đình chung tay giữ gìn xanh- sạch - đẹp. Các tiêu chí khác cũng được địa phương ra sức thực hiện và hoàn thành đúng theo kế hoạch.
Bài học kinh nghiệm có thể rút ra được trong quá trình xây dựng nông thôn ở xã trọng điểm Phước Trạch là trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân đều nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác xây dựng nông thôn mới.
Đây là chương trình lớn mang tính tổng hợp đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Còn phải thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá, huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư; phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Muốn vậy cần phải bảo đảm tính dân chủ, công khai minh bạch và phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những lệch lạc, đem lại niềm tin nơi quần chúng nhân dân.
Theo BTNO