Chuyện an toàn giao thông trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ sáu - 28/11/2014 00:00 64 0
Trong những năm qua, tỉnh có nhiều chính sách ưu tiên với đồng bào dân tộc, kể cả việc học, thi và cấp giấy phép lái xe mô tô. Nhiều địa phương làm tốt được đồng bào hưởng ứng, mang lại hiệu quả rõ rệt như đồng bào dân tộc Chăm ở ấp Tân Trung A.

 

 

Số nhân khẩu của 22 dân tộc thiểu số ở Tây Ninh chiếm chiếm 1,63% dân số toàn tỉnh. Do đặc thù tập quán lâu đời, nên cuộc sống của phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước qua việc thực hiện những dự án, chính sách hỗ trợ, ưu đãi, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên có cuộc sống khá ổn định; có hộ khá, giàu.

Nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số đã dành dụm, mua sắm phương tiện đi lại cá nhân (mô tô, ô tô... ) để “làm chân” đi lại, làm ăn. Tuy nhiên, đối với việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông của người dân tộc thiểu số tham gia giao thông, thì vẫn còn nhiều chuyện phải bàn…

Trưởng sóc Bàu Ếch Mây Sin luôn nêu gương tốt về chấp hành Luật Giao thông.

Nhiều xe không giấy, người không phép...

Do công việc làm mướn không ổn định và thường phải đi xa nhà, nên như nhiều người khác, nhiều đồng bào người dân tộc thiểu số cũng phải tự sắm cho mình một chiếc xe máy. Cũng có gia đình cố gắng sắm mỗi người một chiếc, dù chỉ là xe “cà tàng”; giá mỗi chiếc chỉ khoảng một vài triệu đồng. Bà con đi đến chỗ làm, thường dựng đại xe ở đầu bờ, ven đường không sợ mất trộm, mà lỡ có bị mất trộm cũng ít thiệt hại.

Vì mua loại “xe bèo” như thế, nên có rất nhiều chiếc xe máy của đồng bào dân tộc thiểu số không rõ nguồn gốc, không có bất kỳ loại giấy tờ hợp pháp nào. Một anh chàng dân tộc Khmer ở Khe Đon (ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh) dùng tiền hỗ trợ nuôi heo trong dự án xoá đói giảm nghèo để mua chiếc xe máy không giấy tờ làm phương tiện đi lại, có lần bị CSGT kiểm tra giấy tờ, anh nói tỉnh bơ: “Xe xoá đói giảm nghèo đó, cán bộ đừng tịch thu nhen”, anh cảnh sát chỉ còn biết nhắc nhở… cho qua.

Một điều đáng quan tâm nữa là tình trạng người dân tộc thiểu số điều khiển xe máy lưu thông trên đường không có giấy phép lái xe khá phổ biến. Tại sóc Bàu Ếch, thuộc ấp Trường An, xã Trường Tây có 63 hộ dân tộc người Khmer sinh sống, hầu hết, đều được xây tặng nhà theo chương trình hỗ trợ của Nhà nước (Chương trình 134), được hỗ trợ nuôi bò sinh sản, được cấp thẻ BHYT.

Sau này cuộc sống bớt khó khăn, mỗi gia đình đều cố gắng dành dụm mua 1 chiếc xe máy làm phương tiện đi làm kiếm sống, thế nhưng tất cả không ai có giấy phép lái xe, kể cả ông trưởng sóc.

Giải quyết thực trạng này, ngành chức năng đã rất cố gắng để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con dân tộc thiểu số. Hơn 200 hộ dân tộc Khmer ở khu vực Khe Đon đã 2 lần được cơ quan Công an đưa cán bộ đến tận nơi mở lớp hướng dẫn học và thi, để cấp giấy phép lái xe cho đồng bào.

Tuy nhiên, do đồng bào bận đi làm ăn đầu tắt mặt tối, nên… cho đến nay ở Khe Đon cũng chỉ có khoảng 30% số người sử dụng xe máy có giấy phép lái xe mô tô 2 bánh. Trong khi đó, chỉ cách Khe Đon vài cây số, tại ấp Tân Trung A, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, 128 hộ dân tộc Chăm đã tham gia học tập và đều được cấp giấy phép lái xe mô tô loại có xy-lanh trên 50cc.

Nhưng ít vi phạm giao thông

Dù không ai có giấy phép lái xe, nhưng mọi người dân tại sóc Bàu Ếch đều có ý thức chấp hành các quy định về trật tự ATGT. Ông Mây Sin- Trưởng sóc Bàu Ếch cho biết: “Mọi người trong sóc luôn được nhắc nhở phải chấp hành nghiêm các quy định khi tham gia giao thông, nhất là không được uống rượu bia say xỉn, mà lỡ có say thì dứt khoát không cầm lái điều khiển xe máy, không chạy quá tốc độ, không chở ba và hễ ngồi lên xe thì phải đội mũ bảo hiểm”.

Nhờ có sự nhắc nhở thường xuyên của người có uy tín trong cộng đồng, nên nhiều năm qua đồng bào dân tộc thiểu số ở Bàu Ếch không vi phạm hay gây tai nạn giao thông. Chỉ duy nhất có người đã 62 tuổi, đi đám giỗ về, say rượu được các anh cảnh sát giao thông đưa cả người và xe về giao cho gia đình. Mọi người dân trong sóc Bàu Ếch đều coi việc say xỉn rượu bia là “không tốt”, mọi người đều tránh, không để mắc phải.

Trong cộng đồng dân tộc Chăm ở phường 1, TP Tây Ninh, giáo cả đạo Hồi Islam, già làng Chàm Du Số cho biết: “Năm 2006, hai mẹ con người dân tộc Chăm tại ấp Tân Trung A đi xe máy, do sơ ý bị xe ô tô đụng phải làm cả hai chết tại chỗ; người dân trong cả cộng đồng hết sức xót thương.

Từ chuyện đau lòng ấy, hằng tuần vào ngày thứ 6 khi mọi tín đồ Hồi giáo đến Thánh đường hành lễ, Giáo cả đều dành thời gian nhắc nhở mọi người phải chấp hành nghiêm luật lệ giao thông, đi đường phải hết sức cẩn thận”. Nhờ có sự nhắc nhở thường xuyên ấy mà từ năm 2006 đến nay, người dân tộc Chăm sinh sống tại ấp Tân Trung A không ai vi phạm, hay gây ra tai nạn giao thông.

Cần hỗ trợ nhiều hơn cho đồng bào

Như đã nêu trên, thực tế cho thấy công tác tuyên truyền, giáo dục; việc nhắc nhở, cảnh giác thường xuyên là hết sức quan trọng trong việc bảo đảm trật tự ATGT. Trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng sóc… rất có tác dụng.

Người đứng đầu nói, mọi thành viên trong cộng đồng phải nghe và phải làm theo, đây chính là mấu chốt của vấn đề người dân tộc thiểu số ít vi phạm trật tự ATGT. Tuy nhiên, vấn đề khắc phục tình trạng “xe không giấy, người không phép” thì không thể không đặt ra và yêu cầu chính quyền, ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để giúp đỡ đồng bào.

Trong những năm qua, tỉnh có nhiều chính sách ưu tiên với đồng bào dân tộc, kể cả việc học, thi và cấp giấy phép lái xe mô tô. Nhiều địa phương làm tốt được đồng bào hưởng ứng, mang lại hiệu quả rõ rệt như đồng bào dân tộc Chăm ở ấp Tân Trung A.

Trưởng sóc Bàu Ếch, ông Mây Sin cung cấp: “Mới đây cán bộ ngành chức năng có đến cho đồng bào đăng ký học để được cấp giấy phép lái xe, nhưng bảo mỗi người phải đóng 630.000 đồng. Số tiền này quá nhiều, bà con trong sóc không có tiền để đóng, thành thử…”.

Nên chăng, chính quyền địa phương cần xem xét việc này để có giải pháp thích hợp. Tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, bà Trần Mỹ Trang, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trong số 92 hộ người Tà Mun sinh sống tại xã Suối Đá, 88 hộ có xe máy, một số hộ có tới 3 chiếc; thế nhưng chỉ có 18 người đi học, thi lấy giấy phép lái xe. Địa phương đã kiến nghị cấp trên về mở lớp học dành riêng cho đồng bào tại nơi cư trú, đồng thời vận động đồng bào tích cực tham gia học tập để ai cũng được cấp giấy phép lái xe”.

 Theo BTNO

 

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây