Đảm bảo an toàn giao thông ở vùng nông thôn

Thứ hai - 01/12/2014 00:00 145 0
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, diện mạo khu vực nông thôn trên toàn tỉnh đã thay đổi rõ nét. Hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, cải thiện đáng kể. Hàng trăm km đường liên xã, liên ấp đã được rải nhựa, bê tông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả tỉnh.

 

 

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm an toàn giao thông trên các tuyến đường nông thôn như: không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, sử dụng rượu, bia,… hiện nay vẫn diễn ra khá phổ biến. Tai nạn giao thông  có chiều hướng gia tăng và tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự ATGT. Nhiều vụ TNGT xảy ra đã làm chết người, thiệt hại lớn về tài sản, gây tâm lý lo lắng trong nhân dân.

Thời gian qua, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ đảm bảo TTATGT, nhất là vùng nông thôn, ở các địa phương đã có nhiều cách làm hay, mang lại hiệu quả như: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT dưới mọi hình thức.

Công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng được tăng cường. Trong tháng 10.2014, lực lượng Công an xã, phường, thị trấn tổ chức tuần tra trên các tuyến đường giao thông nông thôn, liên xã, liên ấp được 425 ca với 2.125 lượt CBCS tham gia; lập biên bản 67 trường hợp; xử phạt 52 trường hợp với số tiền 28,8 triệu đồng.

Mặc dù công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, tai nạn giao thông trên địa bàn nông thôn vẫn tăng cao. Để bảo đảm trật tự ATGT, giảm thiểu tai nạn ở khu vực nông thôn, công an các xã, thị trấn cần phối hợp với các đoàn thể ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Trong đó, tuyên truyền để người dân tự giác chấp hành quy tắc giao thông, tuân thủ các quy định về tốc độ, đã uống rượu bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông, chú ý quan sát khi qua đường, chấp hành quy định an toàn khi đi đò qua sông. Công tác tuyên truyền phải làm sao để người dân chuyển biến từ trong nhận thức, cần thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức, đến tận các xã, ấp, khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT các huyện cần phối hợp công an xã, ấp theo dõi, nắm các đối tượng trên địa bàn, nhất là lực lượng thanh, thiếu niên điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện có hành vi phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách đánh võng, không đội mũ bảo hiểm... để giáo dục, quản lý. Công an các huyện cần huy động lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với công an các xã, thị trấn tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, nhất là các tuyến đường có nhiều người và phương tiện tham gia giao thông, các tuyến đường thường xảy ra TNGT.

Đồng thời, phân công cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông phụ trách xã để nắm tình hình, hướng dẫn nghiệp vụ, hỗ trợ công an xã tham gia giữ gìn trật tự ATGT. Phối hợp với các ngành chức năng tiến hành khảo sát, xác định các “điểm đen” về TNGT để có giải pháp kịp thời.

Các địa phương tiếp tục vận động nhân dân, cộng đồng xã hội đóng góp bằng tiền, vật tư, ngày công lao động... để đầu tư xây dựng kiên cố đường GTNT theo tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới, bảo đảm hành lang ATGT đường bộ. Huy động tham gia của nhân dân để duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường GTNT trên địa bàn; phát cây cối che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự ATGT của chính quyền cơ sở. Ban ATGT các huyện vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT; không xây dựng, cơi nới và làm dịch vụ lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang ATGT đường bộ; không họp chợ, buôn bán, trao đổi hàng hóa trên các tuyến đường gây cản trở giao thông, tiềm ẩn gây TNGT.

Bên cạnh đó, cần nhân rộng và phát huy vai trò mô hình, câu lạc bộ, lực lượng tự quản tại cơ sở về ATGT hoạt động có hiệu quả của các tổ chức đoàn thể, để việc tuyên truyền sát thực, dễ hiểu, dễ thực hiện. 

Ngoài ra, cần chú trọng công tác tổ chức giao thông nông thôn như: Lắp đặt các biển báo, tín hiệu giao thông ở những điểm quan trọng; vận động nhân dân trong xã hội hóa để lắp đèn chiếu sáng, phát quang, giải tỏa những điểm bị che khuất tầm nhìn.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để có quy định tốc độ tối đa trên các tuyến đường nông thôn; quản lý chặt chẽ các loại phương tiện như công nông, máy kéo tự chế... không đủ điều kiện lưu hành.

Vẫn biết để đảm bảo ATGT khu vực nông thôn là vấn đề không thể giải quyết trong một sớm, một chiều mà phải có lộ trình cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, đồng thời cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của các cấp, các ngành và toàn dân.

MN

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây