Tây Ninh là tỉnh tiếp giáp với các tỉnh có phong trào cộng sản hoạt động mạnh như Gia Định, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, ảnh hưởng của Đảng bắt đầu lan rộng đến Tây Ninh.
Đồng chí Võ Văn Lợi từ Bà Điểm (Hóc Môn), lên Giồng Nần (huyện Châu Thành), vừa sinh sống vừa tuyên truyền giác ngộ quần chúng chống thực dân Pháp. Sau gần một năm hoạt động bí mật, năm 1930 đồng chí Lợi được Chi bộ Đảng ở Bà Điểm kết nạp vào Đảng, rồi nhận nhiệm vụ về Tây Ninh tiếp tục hoạt động và xây dựng phong trào cách mạng. Đồng chí Lợi giác ngộ được 04 quần chúng tốt là anh Trương Văn Chẩn, Trương Văn Phú, Nguyễn Văn Viết, Trần Văn Luông làm nòng cốt cho phong trào. Kế hoạch của đồng chí Lợi là thông qua tuyên truyền vận động quần chúng, đến cuối năm 1930 sẽ tiến hành tổ chức Nông hội đỏ ở một số nơi, đồng thời lựa chọn những người ưu tú đề nghị Chi bộ ở Bà Điểm kết nạp vào Đảng, sau đó hình thành cơ sở Đảng tại đây. Nhưng kế hoạch này không thực hiện được vì đồng chí Võ Văn Lợi bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Địch tăng cường khủng bố gắt gao, các quần chúng tích cực hoạt động cách mạng phải đổi vùng hoạt động sang đất Campuchia vào các làng người Việt như Trà Ky, Ba Ti, Truông Cồng... vừa cày thuê gặt mướn để sống, vừa móc nối với tổ chức Đảng ở Ba Ti. Một thời gian sau, các quần chúng tích cực được Chi bộ ở Ba Ti kết nạp vào Đảng và trở về hình thành cơ sở Đảng tiếp tục hoạt động ở Giồng Nần, Long Giang, Long Khánh thuộc huyện Châu Thành (xã Long Giang, xã Long Khánh nay thuộc huyện Bến Cầu).
Di tích Giồng Nần tại xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành - cơ sở Đảng đầu tiên của Tây Ninh.
Tại Giồng Nần, các đồng chí vận động quần chúng nhân dân vào các hội vần công cấy gặt, các hội ái hữu tương tế, đồng thời chọn một số người để thành lập tổ chức Nông hội đỏ, gồm các đồng chí: Trần Thị Tỏ, Trương Thị Thìn, Nguyễn Văn Chua, Trương Thị Lệ, Trương Văn Tàu, Lê Văn Rùm, Trương Văn Võ, Lê Văn Bương (Trương Hổ), Trương Văn Du, Lê Văn Sáu, Phạm Văn Tồn và Huỳnh Văn Dần. Nhiệm vụ chủ yếu của Nông hội đỏ là lãnh đạo nông dân đòi dân sinh, dân chủ, chống sưu cao thuế nặng, chống áp bức bóc lột.
Sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 -1931), thực dân Pháp tiến hành cuộc khủng bố trắng nhằm dập tắt ngọn lửa đấu tranh của quần chúng, phong trào cách mạng cả nước tạm thời lắng xuống. Năm 1934 -1935, phong trào cách mạng ở Tây Ninh dần khôi phục trở lại do đồng chí Lên (Tư Địa) là cán bộ Liên Tỉnh uỷ đến rừng Bàu Sen, Bàu Dài (thuộc huyện Dương Minh Châu ngày nay) hoạt động tuyên truyền, giác ngộ quần chúng. Sau đó, đồng chí Lên chuyển lên vùng Quán Cơm (nay thuộc phường I, Thành phố Tây Ninh), ở lại tại đây một thời gian rồi mở rộng phạm vi hoạt động ra các xã Ninh Thạnh, Thái Bình, Thanh Điền. Qua quá trình tuyên truyền vận động cách mạng, đồng chí Lên đã lựa chọn và kết nạp vào Đảng một số đồng chí, như: Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Văn Dú, Huỳnh Văn Sự, Trần Văn Đẩu, Trần Văn Mạnh, Nguyễn Văn Giang... hình thành cơ sở Đảng ở Quán Cơm.
Đến những năm 1936 - 1939, Mặt trận Nhân dân Pháp với Đảng Cộng sản Pháp làm nòng cốt giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử tháng 4/1936 và lập ra chính phủ Mặt trận Nhân dân có xu hướng chính trị tiến bộ. Lúc này, Đảng ta phát động cuộc vận động "Mặt trận Dân chủ Đông Dương". Từ đây, cùng với cả nước, phong trào cách mạng ở Tây Ninh được nhen nhóm trở lại dưới dạng đấu tranh công khai, hợp pháp. Nổi bật là nhóm thanh niên tại Phước Chỉ (Trảng Bàng) gồm các anh Lê Văn Vẳng, Dương Quang Thạnh và Bùi Quang Ngỡi dưới sự chỉ đạo của Tổng uỷ Cầu An Thượng - Quận uỷ Đức Hoà (thuộc Long An ngày nay) đã đứng ra thành lập Hội Ái hữu, giúp nhau cày cấy, lo liệu ma chay, đám cưới, đám giỗ, ốm đau, túng thiếu... Hội phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều thanh niên vào làm việc nghĩa và được quần chúng đồng tình ủng hộ.
Trước sự phát triển của phong trào dân chủ, bọn thống trị tại địa phương lo sợ tìm mọi cách ngăn chặn. Tháng 6/1938, chúng cho tên Quản Điểm đem lính từ Tây Ninh về đóng đồn ở Rạch Tràm và cấm không cho tụ họp quá 20 người. Trước tình hình đó, Uỷ ban hành động tổ chức từng đợt khoảng 18-19 người vào phòng họp nghe đọc báo.
Tháng 8/1938, Renoux - Tỉnh trưởng Tây Ninh phải trực tiếp đến chợ Rạch Tràm xem xét tình hình và tổ chức một cuộc diễn thuyết trước quần chúng, Uỷ ban hành động vận động hàng trăm quần chúng đến nghe Renoux diễn thuyết, rồi nhân đó chuyển thành cuộc đấu tranh đưa yêu sách đòi giảm thuế. 03 anh Vẳng, Ngỡi, Thạnh nhân danh những người tham dự đưa yêu sách xin giảm thuế lên tỉnh trưởng. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, tên tỉnh trưởng Renoux phải xuống giọng nhận bản yêu sách và hứa sẽ báo cáo lên Thống đốc Nam kỳ xem xét giải quyết. Cuộc đấu tranh của quần chúng giành được thắng lợi bước đầu.
Sau cuộc đấu tranh này, các anh Vẳng, Thạnh, Ngỡi được Tổng uỷ Cầu An Thượng kết nạp vào Đảng, hình thành cơ sở Đảng ở vùng Phước Chỉ.
Địa điểm cơ sở Đảng Phước Chỉ - Trảng Bàng, Tây Ninh, năm 1938.
Cũng trong cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, ngày 21/9/1939, đồng chí Trần Văn Mạnh vận động tổ chức trên 200 công nhân sở cao su Francini (Trà Phí, xã Thái Bình, Châu Thành) đấu tranh đòi cung cấp nước uống cho công nhân lúc làm việc, đòi tăng lương và trả lương tháng trước, phản đối đánh đập... Cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đến năm 1939 ánh sáng của Đảng đến với Tây Ninh, qua phong trào, Đảng đã bồi dưỡng, đào tạo được đội ngũ cốt cán là người địa phương và hình thành các cơ sở Đảng ở Giồng Nần, Quán Cơm và Phước Chỉ, lãnh đạo quần chúng đấu tranh theo các mục tiêu do Đảng đề ra, kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh để giải phóng mình, giành lại quyền sống, quyền tự do. Tuy chưa chính thức có Đảng bộ, nhưng đây là sự chuẩn bị trực tiếp để làm nền tảng cho việc tổ chức Đảng bộ Tây Ninh trong những năm sau.
Sau khởi nghĩa Nam kỳ (23/11/1940), phong trào cách mạng Tây Ninh tạm thời lắng xuống, nhiệm vụ lúc này là bảo vệ lực lượng, bảo vệ cơ sở mật và tiến hành tuyên truyền cách mạng trong quần chúng. Hệ thống tổ chức Đảng ở Tây Ninh chưa được củng cố, việc liên lạc với cấp trên bị hạn chế, không nhận được chương trình Việt Minh một cách đầy đủ và kịp thời. Tuy nhiên, do những chuyển biến của thời cuộc, các đảng viên hoạt động ở địa phương đã chủ động tập hợp quần chúng, chuẩn bị lực lượng và triển khai một số hoạt động.
Tháng 9/1944, đồng chí Huỳnh Văn Thanh liên lạc được với Xứ ủy, đem chương trình Việt Minh về Tây Ninh phổ biến. Từ đó, đảng viên bắt đầu hoạt động có tổ chức và thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh (Tỉnh uỷ). Đây là mốc quan trọng trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển biến về chất của công tác xây dựng Đảng. Với chỉ đạo thống nhất của một cơ quan lãnh đạo cấp tỉnh là Ban Cán sự Đảng, phong trào cách mạng ở Tây Ninh có những chuyển biến lớn.
Nhà ông Trần Văn Đẩu (Tư Đẩu) nơi diễn ra Hội nghị thành lập Ban vận động giành chính quyền.
Với chủ trương mới của Đảng được thể hiện trong bản chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", từ cuối tháng 3/1945, cách mạng Việt Nam chuyển biến mạnh mẽ trở thành cao trào, những cuộc khởi nghĩa từng phần liên tiếp nổ ra ở nhiều nơi, các căn cứ địa cách mạng được thành lập. Các tổ chức Đảng ở Tây Ninh được củng cố, hoạt động theo chương trình Việt Minh.
Đến thời điểm này, phong trào cách mạng của quần chúng trong toàn tĩnh đã hoạt động theo chương trình Việt Minh dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng tỉnh. Đó là kết quả của sự lãnh đạo thống nhất của tổ chức Đảng từ tỉnh xuống cơ sở, thể hiện bước phát triển nhảy vọt của cao trào cách mạng Tây Ninh.
Ngày 19/8/1945, khởi nghĩa nổ ra ở Hà Nội và giành thắng lợi. Mặt trận Việt Minh tỉnh Tây Ninh kịp thời lãnh đạo quần chúng rải truyền đơn, khẩu hiệu "ủng hộ Mặt trận Việt Minh " và kêu gọi chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 23/8/1945, Ban Cán sự Đảng tỉnh triệu tập hội nghị bàn việc tổ chức mít tinh để Mặt trận Việt Minh tỉnh ra hoạt động công khai và cử ra Ban Lãnh đạo hành động giành chính quyền.
Sáng sớm ngày 25/8/1945, từ Thanh Điền, Xóm Vịnh, Quán Cơm, lực lượng quần chúng giương cờ đỏ sao vàng, mọi người đều có băng trắng chữ Việt Minh màu đỏ hoặc băng đỏ đeo ở cánh tay, các đồng chí đảng viên mang súng ngắn dẫn đầu đội ngũ rầm rập tiến vào sân vận động Tây Ninh.
Sân vận động Tây Ninh - nơi diễn ra mít tinh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8 năm 1945 (hiện nay vị trí này là trụ sở làm việc của Viễn thông Tây Ninh).
Cùng lúc lực lượng Thanh niên Tiền phong có trang bị súng và tầm vông từ đình Hiệp Ninh lên đường tiến vào sân vận động. Quần chúng tín đồ Cao Đài mang theo cờ đạo (vàng, xanh, đỏ) đội ngũ chỉnh tề, từ Toà Thánh cũng đến sân vận động Tây Ninh dự mít tinh. Thế là một cuộc mít tinh lớn chưa từng thấy ở Tây Ninh đã diễn ra. Quần chúng dự mít tinh hết sức phấn khởi, hô vang khẩu hiệu ủng hộ Mặt trận Việt Minh.
Đình Hiệp Ninh - điểm tập trung Thanh niên Tiền phong chuẩn bị mít tinh giành chính quyền trong CMT8 - năm 1945.
Ban Lãnh đạo hành động giành chính quyền cùng với đoàn cán bộ từ Sài Gòn lên tiến vào Dinh Tỉnh trưởng. Việc chuyển giao chính quyền tỉnh được giải quyết xong ngay trong đêm 25/8/1945.
Dinh Tỉnh trưởng thời kỳ Pháp (vị trí hiện nay là trụ sở UBND tỉnh Tây Ninh).
Các công sở của huyện Châu Thành đóng ở thị xã cũng được tiếp quản ngay sau khi bộ máy chính quyền cấp tỉnh của Pháp không còn. Trảng Bàng cũng giành được chính quyền ngay trong đêm 25/8/1945.
Chỉ trong một ngày đêm (25/8/1945), chính quyền của bọn thực dân Pháp từ tỉnh đến quận sụp đổ hoàn toàn. Tổng khởi nghĩa Tháng 8 ở Tây Ninh đã diễn ra nhanh chóng và giành thắng lợi hoàn toàn.
Từ khi các cơ sở Đảng đầu tiên được thành lập, là hạt nhân cho sự ra đời của Ban Cán sự Đảng tỉnh (9/1944) đến khởi nghĩa giành chính quyền, đội ngũ đảng viên chỉ có 25 đồng chí, nhưng các đảng viên đều vượt qua thử thách, tôi luyện trong đấu tranh cách mạng, luôn gắn bó với quần chúng, tuyên truyền giác ngộ quần chúng đứng trong tổ chức cách mạng, tạo được đội quân chính trị đông đảo vùng lên thành cao trào rộng khắp toàn tỉnh, khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8 1945.
Sau khi giành chính quyền thắng lợi, chính quyền cách mạng và Mặt trận các cấp được thành lập để từng bước ổn định đời sống nhân dân. Tỉnh ủy lâm thời Tây Ninh được Xứ ủy chỉ định thành lập.