Quân và dân Tây Ninh chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giúp tỉnh Kongpong Chàm (Campuchia) hồi sinh

Thứ sáu - 02/09/2016 15:00 289 0
Lợi dụng tình hình kinh tế, chính trị nước ta chưa ổn định, chính quyền Pôn Pốt- Iêng Xary phản động đã phát động chiến tranh biên giới Tây Nam. Từ tháng 5 đến tháng 12/1975, bọn Pôn Pốt - Iêng Xary đã gây ra 17 cuộc xung đột vũ trang, làm cho tình hình trên tuyến biên giới nảy sinh nhiều diễn biến phức tạp.

Trước tình hình đó, tháng 7/1975, tỉnh chỉ đạo các cấp, các lực lượng làm công tác biên giới bảo đảm giữ vững độc lập chủ quyền biên giới, tôn trọng đường biên giới hiện tại giữa hai quốc gia, các vấn đề thuộc lãnh thổ, đường biên giới giữa hai nước đều do hai Chính phủ bàn bạc giải quyết.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động tổ chức các cuộc trao đổi song phương với Bí thư Khu ủy Khu 203 miền Đông Campuchia về những vấn đề liên quan đến chủ quyền và an ninh hai bên biên giới, chỉ rõ những hành động vi phạm chủ quyền, an ninh biên giới là do lực lượng Pôn Pốt- Iêng Xary đơn phương gây ra.

7nguoi.jpg

7 người chết trong một gia đình do pháo của lực lượng Pôn Pốt - Iêng Xary bắn vào Long Hoa, huyện Hoà Thành, ngày 31/01/1978.
Tuy nhiên, chính quyền Pôn Pốt - Iêng Xary không chịu chấm dứt các hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, mà vẫn tiếp tục thực hiện các hành động khiêu khích, tấn công sâu vào nội địa ta trên địa phận tỉnh Tây Ninh. Đêm 24 rạng 25/9/1977, quân đội Pôn Pốt - Iêng Xary dùng một lực lượng tương đối lớn gồm Sư đoàn 3,4, Trung đoàn 306 đặc nhiệm và quân địa phương vùng 20, 21, 23 đồng loạt tấn công một số khu vực thuộc hai huyện Bến Cầu và Tân Biên. Chúng đốt phá, cướp bóc, tàn sát người dân Tây Ninh một cách dã man, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Riêng ở xã Tân Lập, huyện Tân Biên, quân đội phản động Pôn Pốt - Iêng Xary đã sát hại 506 người, làm 135 người bị thương, trong đó có 20 gia đình bị chúng giết hại hoàn toàn.
Âm mưu muốn xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam, đầu năm 1978, Pôn Pốt - Iêng Xary huy động các sư đoàn chủ lực, cùng với lực lượng địa phương áp sát, lấn chiếm biên giới, đóng quân trái phép, luồn sâu vào hậu cứ của ta, gài mìn, gài trái thăm dò lực lượng ta. Tiến hành pháo kích vào những nơi đông dân cư, gây cho đồng bào ta nhiều thiệt hại về người và của. Chỉ trong những tháng đầu năm 1978, đã có 28 người chết, 47 người bị thương, có rất nhiều phụ nữ và trẻ em bị tàn phế vì pháo địch.
chungtich.jpg
Khu chứng tích tội ác Khmer đỏ tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên - Nơi đây, lúc 0 giời 5 phút ngày 25/9/1977, quân Pôn Pốt - Iêng Xary đã sát hại 11 thầy, cô giáo của một trường tiểu học.

Với quan điểm "Nhân dân Campuchia, những người chân chính Campuchỉa là bạn, nơi nào, bộ phận nào, cá nhân nào, tổ chức nào có chủ trương khiêu khích, xâm lấn, gây chia rẽ giữa hai dân tộc thì đó là kẻ thù", Tây Ninh dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn nhường cơm sẻ áo, giúp nhau trong cơn hoạn nạn, từ tháng 9/1977 đến tháng 12/1978, đã cưu mang và giải quyết nhu cầu về chỗ ở, ăn, mặc, chữa bệnh cho gần 30.000 dân Campuchia sang lánh nạn.

Trước tình hình biên giới ngày càng phức tạp, ta chủ động lui quân về giữ biên giới và nhiều lần đề nghị 2 bên gặp nhau để giải quyết những vấn đề bất đồng trên cơ sở thương lượng hòa bình, nhưng bè lũ Pôn Pốt - Iêng Xary kiên quyết từ chối, chúng tiếp tục đưa quân áp sát biên giới, đẩy mạnh chiến tranh xâm lược. Trước tình thế này, quân và dân ta không thể nhân nhượng được nữa, buộc phải tiếp tục chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam và giúp sức cho lực lượng cách mạng Campuchia chân chính lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xary.

cdantn.jpg

Chính quyền và nhân dân Tây Ninh giúp người dân tị nạn Campuchia ổn định cuộc sống.

Ngày 24/4/1978, Tỉnh ủy Tây Ninh ra nghị quyết về việc xây dựng hệ thống phòng thủ biên giới. Hàng vạn đồng bào các dân tộc trên đất Tây Ninh ra biên giới, bất luận già, trẻ, gái, trai tận dụng mọi công cụ lao động vót chông, gánh đất, đắp lũy đào hào... xây dựng phòng tuyến bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

phongthu.jpg

Nhân dân tham gia xây dựng tuyến phòng thủ.

dancong.jpg

Dân công và bộ đội huyện Châu Thành đang xây dựng tuyến phòng thủ, tháng 3/1978.

Đến ngày 30/6/1978, toàn tỉnh đã huy động trên 40 vạn ngày công lao động, đào đắp trên nửa triệu mét khối đất, xây dựng tuyến bờ thành bảo vệ biên giới phía Tây Nam trên 50 km, và đắp bờ thành chiến đấu cho 5 xã cặp biên giới. Rào gần 50 km tuyến biên giới phía Bắc, cắm trên 30 vạn cây chông tre, hàng chục nghìn bàn chông sắt, trồng hàng vạn cây tre, tháo gỡ hàng vạn quả mìn của địch cài bỏ lại.

Từ ngày khởi công xây dựng phòng tuyến đến ngày kết thúc, đã có 54 người hy sinh, 92 người bị thương (trong đó tổn thất do phá gỡ mìn 29 người, đắp đê biên giới 25 người), xây dựng xã ấp chiến đấu bị thương 92 người. Cùng với xây dựng tuyến phòng thủ biên giới, lực lượng vũ trang Tây Ninh cũng được chấn chỉnh, củng cố và tăng cường, ngoài trung đoàn bộ binh 201, từ tháng 01 đến tháng 6/1978 ta lần lượt hình thành 2 trung đoàn bộ binh: Trung đoàn 14 và Trung đoàn 1; hoàn chỉnh một tiểu đoàn pháo 105mm, 4 đại đội trinh sát, công binh, thông tin và 1 đại đội thiết giáp; 4 huyện biên giới hình thành 11 đại đội, 3 trung đội, 8 tiểu đội; 4 huyện nội địa hình thành 6 đại đội, 1 trung đội và 5 tiểu đoàn.

Sau khi được củng cố, chấp hành chủ trương của Quân khu, của Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang Tây Ninh đã phối hợp với lực lượng chiến đấu của ta trên toàn chiến trường chuyển thế tiến công và mở đợt cao điểm tấn công truy kích địch trên toàn tuyến biên giới. Trong 450 ngày đêm liên tục chiến đấu, có sự chi viện của lực lượng của trên, quân và dân Tây Ninh đã tổ chức trên 1.000 trận đánh lớn nhỏ, diệt và làm bị thương 4.596 tên địch, bắt sống 322 tên, diệt gọn 1 tiểu đoàn và 5 đại đội, đánh tan rã 1 trung đoàn và 3 tiểu đoàn địch, thu 1.969 súng các loại, 19 tấn đạn, diệt 7 xe tăng, thu 7 xe vận tải, gỡ và phá 13.623 quả mìn, giải phóng 6.518 ha ruộng rẫy.

Để giành được thắng lợi đó, quân dân Tây Ninh đã phải chịu nhiều tổn thất, 3.456 cán bộ chiến sĩ hy sinh và bị thương, 1.216 đồng bào bị bè lũ Pôn Pốt - Iêng Xary giết hại dã man, 800 nhà cửa bị thiêu cháy, nhiều tài sản bị cướp phá, nhiều xã ấp bị tàn phá nặng nề.

Sau gần 2 năm (1977 - 1978) chống quân Pôn Pốt - Iêng Xary xâm lược biên giới Tổ quốc, ngày 07/01/1979, theo yêu cầu của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam, trong đó có Tây Ninh phốỉ hợp với lực lượng cách mạng Campuchia đánh đổ chế độ Pôn Pốt - Iêng Xary, giúp bạn thoát nạn diệt chủng, đồng thời bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

tacchientaynam.jpg

Bộ Chỉ huy Quân sự Tây Ninh triển khai kế hoạch tác chiến trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Sau khi giúp bạn lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xary, đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam lại lên đường giúp bạn chống phản kích của các thế lực phản động thù địch, xây dựng chính quyền cách mạng, lực lượng vũ trang và khôi phục lại đời sống của nhân dân Campuchia. Một lần nữa, Việt Nam nói chung, Tây Ninh nói riêng đã trở thành hậu phương lớn, vững chắc cho Campuchia.

truykich.jpg

Truy kích lực lượng Pôn Pốt - Iêng Xary trên tuyến biên giới.

Trong 10 năm (1979 - 1989), Tây Ninh đã cử nhiều đoàn chuyên gia và hỗ trợ nhiều nhân, vật lực sang giúp bạn xây dựng lại chính quyền, tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống nhân dân.

Bằng sự nỗ lực, ý thức trách nhiệm và sự quan tâm thiết thực của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sự hợp tác tạo điều kiện của tỉnh bạn, quân và dân Tây Ninh đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao, góp phần củng cố, vun đắp mối quan hệ láng giềng, đoàn kết hữu nghị vững chắc giữa hai tỉnh nói riêng và hai dân tộc Việt Nam - Campuchia nối chung.




Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây