Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh góp ý dự án Luật Cảnh sát cơ động

Thứ tư - 20/04/2022 17:00 135 0
Sáng ngày 20/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị góp ý dự án luật Cảnh sát cơ động.

Đồng chí Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.


Quang cảnh hội nghị

Cùng tham dự hội nghị có đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương - Bí thư Huyện ủy Gò Dầu, đại tá Trần Văn Luận - Phó Giám đốc Công an tỉnh; lãnh đạo các ban HĐND tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan.

Dự án luật Cảnh sát cơ động có 5 chương, 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự án luật này dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung góp ý vào các nội dung còn có ý kiến khác nhau, như lựa chọn phương án trong giải thích từ ngữ tại Điều 2; quy định vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động, nhất là nội dung "Cảnh sát cơ động là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội" tại Điều 3; các hành vi nghiêm cấm tại Điều 8; nhiệm vụ của cảnh sát cơ động tại Điều 9; quyền hạn của cảnh sát cơ động tại Điều 10; thẩm quyền điều động cảnh sát cơ động tại Điều 20; trang bị của cảnh sát cơ động tại Điều 23.

Hầu hết các đại biểu đều thống nhất theo phương án 1 của Điều 2, nhất thiết phải có định nghĩa về biện pháp vũ trang, với lý do, có nhiều nội dung trong dự án luật có đề cập đến các từ ngữ này, cần thiết quy định để có cách hiểu, nhận thức pháp luật về cụm từ này một cách thống nhất. Ngoài ra cần thiết phải bổ sung thêm một nội dung trong Điều 2 quy định rõ "biện pháp công tác khác" là gồm những biện pháp gì lực lượng cảnh sát cơ động được áp dụng để khi triển khai thực hiện dễ dàng, thuận lợi hơn.


Đại tá Nguyễn Văn Tâm - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh góp ý kiến

Đại tá Nguyễn Văn Tâm - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đề nghị bỏ cụm từ "Bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội" tại khoản 8 Điều 9 dự thảo Luật, bởi các nội dung từ khoản 1 đến khoản 8 đã bao hàm hết các nội dung này, không nhất thiết phải lặp lại lần nữa. Tại điểm 2 khoản 2 Điều 10 đề nghị bổ sung cụm từ "công cụ hỗ trợ", theo lý giải của đại tá Nguyễn Văn Tâm, công cụ hỗ trợ hiện nay được các loại tội phạm thường sử dụng để phạm tội. Tại khoản 3 Điều 10, đại tá Nguyễn Văn Tâm còn băn khoăn với quy định "vô hiệu hóa tàu bay không người lái" sẽ chồng chéo quy định với nhiệm vụ của lực lượng phòng không của quân đội; tích hợp khoản 3 khoản 4 Điều 15 thành 1 khoản, vì nội dung quy định gần giống nhau.


Đại tá Trần Văn Luận - Phó Giám đốc Công an tỉnh góp ý kiến

Đại tá Trần Văn Luận - Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định, tình hình hiện nay, việc xây dựng, ban hành luật này là cần thiết, bởi lực lượng cảnh sát cơ động luôn phải đấu tranh với các loại tội phạm rất nguy hiểm và manh động, chuyên sử dụng vũ khí nóng và công cụ hỗ trợ mọi lúc mọi nơi. Luật được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ cũng như tạo thuận lợi cho lực lượng này khi thi hành nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự án luật, đại tá Trần Văn Luận khẳng định lực lượng cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang riêng của lực lượng công an, là lực lượng duy nhất được quyền sử dụng tất cả các loại vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ kể cả tàu bay trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, còn các lực lượng khác không được phép nên mới có quy định là "lực lượng vũ trang nhân dân". Đại tá Trần Văn Luận cùng nhất trí bổ sung thêm cụm từ "lực lượng" tại khoản 1 Điều 10.

Ngoài ra, các đại biểu còn góp ý thêm nhiều ý kiến khác như, cần bổ sung cụm từ "tàu thủy" vào khoản 2 Điều 10 và điểm c của Khoản 2,  Điều 10 "lên tàu bay dân sự, tàu thủy để làm nhiệm vụ.... Sử dụng tàu bay, tàu thủy do cấp có thẩm quyền huy động….". Kết cấu của dự án luật đã phù hợp nhưng nội dung trong từng chương cần điều chỉnh lại cho phù hợp hơn. Cụ thể như tại chương III, nên gom Điều 22 và Điều 23 thành 1 điều cho gọn, không cần thiết phải tách riêng ra vì đây chính là những nội dung bảo đảm hoạt động cho lực lượng cảnh sát cơ động.


Đồng chí Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại hội nghị

Kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, các ý kiến của các đại biểu góp ý đã giúp làm sáng tỏ hơn nhiều vấn đề mà Quốc hội đang quan tâm. Những ý kiến này sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu đầy đủ để tổng hợp, trình tại kỳ họp tới đây.

Hoàng Giang


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây