Ủy ban nhân dân tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 4 năm 2022

Thứ sáu - 15/04/2022 23:00 149 0
Sáng ngày 15/4, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2022 cho ý kiến một số nội dung liên quan đến lĩnh vực tài nguyên - môi trường, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phiên họp được trực tuyến đến các điểm cầu huyện, thị xã, thành phố.

Các đồng chí chủ trì phiên họp

Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì phiên họp.


Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần văn Quy trình bày nội dung do Sở tham mưu

Tại phiên họp, các đại biểu nghe lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường trình bày các nội dung, gồm Tờ trình về việc ban hành Quy định mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với từng loại vi phạm hành chính về đất đai theo quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh; Tờ trình về ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo Đề án tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 và Tờ trình về việc chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa; dưới 20 ha đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh (đợt 1/2022).

Cơ bản phiên họp thống nhất với các nội dung do Sở Tài nguyên và Môi trường trình, trong phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh, đối với dự thảo Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh cần phấn đấu đạt bằng hoặc cao hơn mục tiêu của Trung ương đưa ra. Do đó, các mục tiêu, giải pháp phải rõ hơn.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, hoàn chỉnh lại kế hoạch, trong đó, lãnh đạo UBND tỉnh lưu ý, cần nhận diện những biến đổi tác động trực tiếp mang tính đặc thù của địa phương để có giải pháp cụ thể hơn, hiệu quả hơn trong ứng phó, nhất là đối với một số hiện tượng xảy ra trên địa bàn tỉnh. Ngoài nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện môi trường xanh, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính còn phải có giải pháp trong thu hút đầu tư theo hướng hạn chế thu hút đầu tư có yếu tố tạo ra hiệu ứng nhà kính, hạn chế phát thải, khí thải; phối hợp thêm với ngành công nghiệp, xây dựng có thêm quy định trong hạn chế phát thải khí nhà kính.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc kết luận đối với từng nội dung

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, dù đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra bão, nhưng trong định hướng đến năm 2050, cần đưa ra dự báo tình huống, kịch bản phòng chống có hiệu quả đối với thiên tai có thể xảy ra như bão, xâm nhập mặn để bổ sung thêm cho phù hợp; nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung các bản đồ liên quan đến biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh (các yếu tố thiên tai ngập lụt, gió lốc xoáy…) giúp các địa phương nhận diện, chủ động trong hoạch định phát triển kinh tế-xã hội cũng như phòng chống thiên tai tốt hơn, nhất là các địa phương thường xảy ra lốc xoáy; nên công bố công khai bản đồ này ra dân để người dân nhận thức, chủ động có biện pháp phòng, chống thiên tai hiệu quả hơn.

Đối với Đề án tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần có phương pháp thực hiện có hiệu quả nhất nhằm phục vụ cho quá trình quản lý nhà nước góp phần cung cấp thông tin, dữ liệu trong phát triển kinh tế-xã hội, và cung cấp thông tin cần thiết cho các tổ chức, cá nhân; giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lần nữa, tiếp thu các ý kiến, nhất là về phân kỳ đầu tư cần rà soát để phân kỳ đầu tư rõ, đúng nội dung, phù hợp và mang tính khả thi, cần thiết bám sát phân kỳ đầu tư của Trung ương để thực hiện tốt các chỉ tiêu được giao. Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý khi xây dựng nguồn dữ liệu phải là nguồn mở để thuận lợi khi cần tích hợp vào nguồn dữ liệu chung của tỉnh và chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kết hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thống nhất thực hiện việc tích hợp dữ liệu này.


Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đỗ Hồng Sơn giải trình các ý kiến góp ý

Sau khi Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đỗ Hồng Sơn trình Tờ trình thông qua Nghị quyết của HĐND tỉnh phê duyệt kinh phí chi hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh (dự kiến tổng kinh phí thực hiện trên 32 tỷ đồng), các đại biểu và lãnh đạo các địa phương góp nhiều ý kiến về việc xác định đối tượng được thụ hưởng, công tác rà soát, thống kê cần được thực hiện khớp đúng, để thực hiện chi đúng đối tượng, đúng chế độ, thể hiện được tính nhân văn của chính sách.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất quan điểm xây dựng chính sách này là nhằm thể hiện sự tri ân, động viên đối với các lực lượng đã và đang tham gia phòng chống dịch Covid-19, thực hiện một lần cho các đối tượng trực tiếp và gián tiếp phục vụ phòng chống dịch trong giai đoạn vừa qua.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Y tế cùng Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh lại nội dung theo đúng quy trình và chỉ đạo trong quá trình rà soát, thống kê các đối tượng, Sở cần nghiên cứu, tham mưu quy định rõ chủ thể có thẩm quyền xác định các đối tượng gián tiếp tham gia phòng chống dịch để các địa phương có cơ sở thực hiện; song song đó, cần rà soát lại các đối tượng chưa được hưởng chế độ để thực hiện thủ tục chi trả theo đúng quy định.


Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân trình hai văn bản gồm dự thảo Kế hoạch phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Tờ trình về việc ban hành định mức kỹ thuật sử dụng trong các chương trình, dự án khuyến nông trên địa bàn tỉnh.

Cơ bản thống nhất với các nội dung được trình, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến hoàn thiện lại Kế hoạch phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn trước mắt và lâu dài đối với phát triển thủy sản của địa phương. Trong đó, cần xác định, hồ Dầu Tiếng có mục tiêu chính vẫn là bảo đảm thủy lợi và môi trường tối đa phục vụ cho tỉnh và các tỉnh lân cận, không đặt vấn đề nuôi trồng thủy sản làm trọng tâm dù trong lòng hồ có nguồn lợi thủy sản tự nhiên để cân bằng sinh thái.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, không định hướng phát triển thủy sản trong lòng hồ Dầu Tiếng, đồng thời khoanh nuôi, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên nhằm bảo đảm cân bằng sinh thái, khai thác theo kế hoạch của nhà nước.

Với Tờ trình về việc ban hành định mức kỹ thuật sử dụng trong các chương trình, dự án khuyến nông trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lần nữa, hoàn chỉnh lại và tham mưu ban hành thực hiện.

QN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây