Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh
Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng, và lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.
Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng, có độ phức tạp cao và được nhiều cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học cũng như các địa phương trong cả nước đặc biệt quan tâm. Đây cũng là quy hoạch ngành quốc gia được triển khai đầu tiên theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, theo nhiệm vụ lập quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, so với các phương án đã trình trước đây, dự thảo lần này đã giảm triệt để phát thải khí CO2 do không phát triển các nhà máy nhiệt điện than trong thời kỳ quy hoạch. Đặc biệt, cơ cấu nguồn điện và phân bổ không gian phát triển có nhiều thay đổi so với trước đây. Hệ số dự phòng trước đây là 1,93% thì bây giờ là 1,54%. Qua đó, sẽ tiết giảm vốn đầu tư xã hội. Trên cơ sở phân bổ vùng hợp lý hơn, tiết kiệm đầu tư đường dây khoảng 13 tỷ USD. Tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 khoảng 146.000MW, giảm khoảng 35.000MW so với phương án trước đây.
Tại hội nghị, các địa phương thống nhất cao với quan điểm, định hướng, chỉ đạo và cách làm thận trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm an ninh năng lượng; bố trí nguồn điện hợp lý giữa các vùng miền. Bên cạnh đó, các địa phương còn góp ý về vấn đề cân đối nguồn điện giữa các vùng, miền, cơ cấu nguồn điện giữa năng lượng hóa thạch và tái tạo.
Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các địa phương, bộ, ngành đã tham gia đóng góp, phản ánh được tình hình thực tiễn của địa phương. Phó Thủ tướng cho rằng, Quy hoạch Điện VIII lần này đã khắc phục được một số tồn tại của Quy hoạch Điện VII, Điện VII điều chỉnh và Quy hoạch Điện VIII được trình trước đó.
Đến nay, cơ bản các phương án tính toán đã tối ưu. Giảm quy mô đầu tư theo quy hoạch gần 2 triệu tỷ đồng, trong đó giảm đầu tư công suất nguồn khoảng 35.000MW, giảm đầu tư hệ thống truyền tải gần 300 ngàn tỷ đồng. Nguồn điện được bố trí hài hòa, đảm bảo phát huy lợi thế từng vùng miền, tiết kiệm tối đa truyền dẫn. Quy hoạch cũng đã đề ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí. Đến năm 2045, toàn hệ thống chỉ còn 9,6% điện than, trong khi điện gió, điện mặt trời chiến 50,7%, đảm bảo các cam kết về chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị các địa phương phải xác định phát triển cho địa phương phải gắn với phát triển cho đất nước, vì lợi ích nhân dân, "nếu phát triển điện cho địa phương nhưng phải vận chuyển điện đi xa thì giá thành sẽ cao, khi đó, người dân lại phải gánh mức giá cao này". Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch Điện VIII trình Thủ tướng xem xét và phê duyệt.
DP