Đoàn công tác tỉnh Tây Ninh thăm huyện đảo Trường Sa

Thứ sáu - 10/06/2016 09:00 164 0
“Trăm nghe không bằng một thấy”- có trải nghiệm những ngày nắng gió ở Trường Sa mới cảm nhận hết những nỗi vất vả, gian nan của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên Trường Sa- những người đang “đầu sóng ngọn gió” ngày đêm giữ gìn, bảo vệ từng tấc đất thân yêu của Tổ quốc.

 

 Đoàn đại biểu tỉnh Tây Ninh bên cột mốc đảo Trường Sa.

Nắng nóng rát bỏng. Đó là cảm nhận đầu tiên của mọi người trong đoàn công tác khi đặt chân đến quần đảo Trường Sa.

Con tàu quân y 561 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân chở trên 260 người của đoàn công tác số 16 đến thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang sinh sống, làm việc, công tác trên huyện đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hoà.

Sau 2 ngày lênh đênh, dập dềnh trên sóng biển, cuối cùng con tàu đã đến được Trường Sa.

Giữa trời nước mênh mông, bao la, không thấy đâu là bờ, trời quang thì nắng nóng gay gắt, vừa xuống thì như quất nước vào mặt… Các chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa sống, sinh hoạt, công tác trong điều kiện thời tiết như thế. Ở những đảo nổi thì không gian rộng, thoáng, trồng được cây xanh có bóng mát, nơi sống và làm việc của chiến sĩ khang trang, tiện nghi như đảo Sinh Tồn, đảo Phan Vinh A, đảo Trường Sa Lớn…

Thương nhất những chiến sĩ công tác ở những đảo chìm như: đảo Đá Lớn A, đảo Đá Lớn C, đảo Cô Lin, đảo Đá Lát, không gian nhỏ hẹp, nơi sống và làm việc thấp, chật chội, không một bóng cây xanh làm cho cái nắng nóng vốn gay gắt càng gay gắt hơn. Cách đảo Cô Lin khoảng 3 hải lý (1 hải lý = 1,8km) là đảo Gạc Ma của ta bị Trung Quốc đánh chiếm ngày 14.3.1988.

Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó có 64 chiến sĩ ta đã anh dũng hy sinh để bảo vệ đảo. Đảo Gạc Ma hiện nay được Trung Quốc xây dựng nhiều công trình, nhìn từ xa giống như hình dáng con tàu được sơn màu trắng toát, nổi bật lên trên mặt biển. Từ Cô Lin nhìn sang Gạc Ma, mọi người hầu như ai cũng có chung một cảm xúc: Gạc Ma rất gần nhưng cũng rất xa. Đất của mình đó, đảo của mình đó nhưng chỉ có thể đứng nhìn mà không đặt chân lên được. Thật đau và căm giận!

Có thể nói, điều kiện sống và làm việc của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo được cải thiện rất nhiều nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các địa phương và nhân dân cả nước. Song, thực tế cũng còn không ít khó khăn, dù thế các chiến sĩ vẫn không hề nao núng, không một chút lo ngại, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Dù có lúc nhớ nhà, nhớ người thân đến quặn thắt nhưng với tình yêu thương của đồng đội, tình cảm yêu thương của quân dân trên đất liền đã cổ vũ, động viên, khích lệ rất lớn tinh thần làm việc của chiến sĩ.

“Trăm nghe không bằng một thấy”- có trải nghiệm những ngày nắng gió ở Trường Sa mới cảm nhận hết những nỗi vất vả, gian nan của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên Trường Sa- những người đang “đầu sóng ngọn gió” ngày đêm giữ gìn, bảo vệ từng tấc đất thân yêu của Tổ quốc. Qua đó, hun đúc thêm lòng yêu quê hương đất nước, niềm tự hào, lòng biết ơn vô hạn đối với những anh hùng, liệt sĩ đã không tiếc máu xương trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Càng tự hào, chúng ta càng thấy trách nhiệm của người công dân Việt Nam là luôn luôn đoàn kết, chung lòng, chung sức triệu trái tim như một trái tim, cùng sát cánh bên nhau, cùng hướng về Hoàng Sa, Trường Sa- mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Kiên quyết giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo, không để cho các thế lực vào xâm chiếm, chia cắt đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Bằng một việc làm cụ thể, mỗi người chúng ta hướng về Trường Sa, góp một viên đá nhỏ xây dựng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa ngày càng khang trang, xinh đẹp, vững chắc.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây