Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Thứ tư - 17/02/2021 19:00 95 0
Những năm gần đây, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn tỉnh đã phát triển rõ rệt cả về chất lượng lẫn số lượng, đa dạng cả quy mô và lĩnh vực hoạt động. Các hợp tác xã (HTX) thành lập mới và các HTX hiện có luôn chú trọng đổi mới mô hình và tổ chức sắp xếp các hoạt động đảm bảo nguyên tắc, giá trị của HTX, ngày càng xuất hiện nhiều HTX điển hình, làm ăn có hiệu quả. Từ đó, KTTT, HTX đã có những đóng góp thiết thực trong hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế hộ thành viên, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã có 75 lượt HTX được hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ xây dựng thương hiệu "Mãng cầu Bà Đen", "Muối ớt Tây Ninh", "Bánh tráng Trảng Bàng"… ; hướng dẫn và đăng ký danh sách các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh tham gia chương trình bảo hộ thương hiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp và ngành nghề nông thôn của tỉnh.

Những kết quả đạt được trong giai đoạn 2016-2020

Theo thống kê, tính đến 31/12/2020, toàn tỉnh ước tính có 112 tổ hợp tác (THT) hoạt động theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ về Tổ hợp tác, tăng 7 tổ so với 31/12/2016. Hoạt động chính của các THT trong các lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm; sản xuất rau, củ, quả, thủy nông và các hoạt động dịch vụ nông nghiệp kèm theo; mây tre đan lát, làm chổi, may gia công, sản xuất bánh tráng...

Tổng số vốn hoạt động, giá trị tài sản của THT ước đến thời điểm năm 2020 là 5.600 triệu đồng, tăng 1.000 triệu đồng so với thời điểm 30/12/2016. Doanh thu bình quân của THT ước đến thời điểm năm 2020 là 380 triệu đồng/năm, tăng 80 triệu đồng/năm so với thời điểm 30/12/2016. Thu nhập bình quân của thành viên, lao động của THT ước đến thời điểm năm 2020 là 47 triệu đồng/năm, tăng 10 triệu đồng/năm so với thời điểm 30/12/2016.


Thu hoạch mãng cầu tại HTX (ảnh minh họa)

Đố với HTX, số lượng HTX ước đến ngày 31/12/2020 là 140 HTX, tăng 49 HTX so với thời điểm 31/12/2016. Doanh thu bình quân của HTX năm 2020 ước đạt 16.000 triệu đồng/năm, tăng 2.000 triệu đồng so với thời điểm 31/12/2016. Lãi bình quân của 1 HTX ước năm 2020 là 505 triệu đồng/năm, tăng hơn 105 triệu đồng so với 31/12/2016. Thu nhập bình quân của thành viên, lao động của HTX năm 2020 ước là 75 triệu đồng/người/ năm, tăng 23 triệu đồng/người/năm so với thời điểm 31/12/2016.

Thời gian qua, triển khai thực hiện Đề án xây dựng hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị phát triển sản xuất bền vững của Liên minh HTX Việt Nam, tỉnh chọn 5 HTX lĩnh vực nông nghiệp để xây dựng mô hình điểm về liên kết chuỗi giá trị, đã từng bước thực hiện từ khâu tư vấn trực tiếp, tập huấn chuyên sâu cho Hội đồng quản trị và tập huấn mở rộng cho các thành viên HTX về kiến thức liên quan đến hợp tác xã kiểu mới, phương pháp xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và tham gia xây dựng chuỗi giá trị.

Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng 10 mô hình HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh, ưu tiên tại các xã xây dựng nông thôn mới từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với kinh phí gần 1,6 tỷ đồng. Các HTX được hỗ trợ tư vấn xây dựng điểm bước đầu được củng cố về tổ chức quản lý, năng lực hoạt động, trách nhiệm giữa thành viên HTX, ngày càng nhiều HTX từng bước khắc phục được tình trạng trì trệ, yếu kém, nỗ lực vươn lên, phát triển với quy mô lớn hơn, chất lượng hoạt động ổn định và có tính bền vững hơn.

Trong 5 năm qua, khu vực KTTT đã có những chuyển biến tích cực, HTX tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, quy mô đầu tư ngày càng được mở rộng, lĩnh vực hoạt động ngày càng phong phú, đa dạng. Nhiều HTX đã tiếp tục đổi mới, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, mở rộng dịch vụ, tăng cường chất lượng phục vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của HTX đối với các loại hình doanh nghiệp khác.


Xã viên HTX nông nghiệp chuẩn bị cho mùa vụ

Trong số các HTX, các HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh có 90 HTX nông nghiệp (tăng 33 HTX so với 31/12/2016). Tổng nguồn vốn hiện nay khoảng 365,2 tỷ đồng. Tổng doanh số hàng hóa, dịch vụ năm 2020 ước đạt 100 tỷ đồng, (trung bình là 1 tỷ/HTX/năm) tăng 40 tỷ đồng so thời điểm 31/12/2016. Tổng lợi nhuận ước đạt 350 triệu đồng/HTX/năm.

Các HTX này đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 980 lao động (tăng 450 lao động so với thời điểm 31/12/2016). Thu nhập lao động trung bình 5 đến 6 triệu đồng/tháng/người. Một số mô hình HTX nông nghiệp điển hình tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp được xây dựng và nhân rộng như: HTX Mãng Cầu Thạnh Tân (thành phố Tây Ninh); HTX rau an toàn Long Mỹ (xã Long Thành Bắc, thị xã Hòa Thành); HTX DV TM Nông nghiệp Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu); HTX Lộc Khê (Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng); HTX Chăn nuôi Hiệp Phát (Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng); HTX giống cây trồng và DVNN Bàu Đồn (huyện Gò Dầu); HTX Tân Tiến (Suối Ngô, huyện Tân Châu).

Những khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, KTTT, HTX phát triển còn chậm so với tiềm năng và lợi thế và nhu cầu của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng thấp so với các khu vực kinh tế khác; tỷ lệ đóng góp GRDP thấp. Phần lớn HTX có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng lực tài chính và quản trị yếu (nhất là các HTX nông nghiệp thành lập trước năm 2012, khi chuyển sang hoạt động Luật HTX năm 2012), phát triển không đồng đều giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp; khả năng huy động nguồn lực và áp dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, HTX chưa làm tốt vai trò đầu kéo hỗ trợ thành viên, THT hoạt động chưa ổn định. Sự liên kết hình thành chuỗi giá trị giữa HTX, THT với các thành phần kinh tế khác còn hạn chế.

Số HTX tổ chức, hoạt động quy mô lớn chưa nhiều; sự liên kết, hợp tác giữa các HTX với nhau theo mô hình liên hiệp HTX chưa có trên địa bàn tỉnh. Hoạt động liên kết với doanh nghiệp chỉ mới hình thành. Chưa xây dựng được nhiều mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị nổi bật tạo sức lan toả giúp cho người dân tin tưởng vào các lợi ích về kinh tế - xã hội do HTX mang lại.

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn 2021-2025

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm được rút ra, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025.


Liên minh HTX tỉnh nhận bức trướng từ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh với dòng chữ "Hợp tác - Đổi mới -  Phát triển - Hiệu quả"

UBND tỉnh xác định phát triển KTTT nòng cốt là HTX gắn các sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế theo hướng gia tăng lợi ích cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất và người dân nhất là khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, tăng cường tính tự chủ, khai thác tối đa tiềm lực, lợi thế sẵn có của các thành phần kinh tế tập thể, nâng cao vai trò của kinh tế tập thể trong sự phát triển chung của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế tập thể trong điều kiện kinh tế thị trường; góp phần ổn định kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh.

Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025 đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác, HTX vào GRDP của tỉnh chiếm 0,3% GRDP của tỉnh; hỗ trợ phát triển mới 50 THT; 75 HTX; 01 liên hiệp HTX. Lũy kế số HTX đến năm 2025 là 190 HTX (115 HTX nông nghiệp, 75 HTX phi nông nghiệp), 135 THT và 01 liên hiệp HTX nông nghiệp. Có 30% Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương. Doanh thu bình quân của HTX đạt 20.240 triệu đồng/HTX, lãi bình quân là 650 triệu đồng/HTX. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động HTX đạt 100 triệu đồng/năm. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo HTX đạt trình độ cao đẳng, đại học chiếm 50% trong tổng số cán bộ quản lý HTX.

Với mục tiêu đó, tỉnh đưa ra định hướng, khuyến khích phát triển KTTT trên các ngành nghề, lĩnh vực, phù hợp với đặc thù địa phương; các hình thức mở rộng quy mô thành viên; áp dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh; sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp; bảo đảm lợi ích thành viên tham gia HTX. Song song đó, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tăng mạnh các hình thức hợp tác liên doanh, liên kết; đa dạng hóa trong phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững, tăng mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Tám giải pháp được đưa ra để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra, trong đó, có việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng số lượng HTX, thành lập mới, tạo điều kiện cho HTX tiếp cận chính sách, huy động nguồn lực phát triển và hoạt động đúng pháp luật. Tăng cường hỗ trợ, tư vấn, giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh, Phân loại HTX hoạt động có hiệu quả và yếu kém để có biện pháp hỗ trợ, tư vấn cho HTX huy động nguồn lực thực hiện phương án tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị. Đồng thời, quan tâm, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã có chiều hướng phát triển; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển mới HTX gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực quy mô có sức lan tỏa; tổng kết và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới, điển hình tiên tiến; và xem phát triển KTTT, HTX là một trong những nhiệm vụ và chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

XV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây