Hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ VIII

Thứ bảy - 15/10/2022 12:00 324 0
Tiếp tục các hoạt động trong Chương trình Khuyến công quốc gia năm 2022, sáng 14/10, tại trung tâm hội nghị Sunrise, thành phố Tây Ninh, Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị ngành Công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ VIII.

Quang cảnh hội nghị


Các đồng chí chủ trì hội nghị

Đồng chí Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương và đồng chí Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm 2021 và 9 tháng năm 2022, với sự nỗ lực của ngành công thương trong việc phối hợp với các sở, ngành ở từng địa phương, đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu; cùng với sự linh hoạt, chủ động vươn lên của các doanh nghiệp, nên tình hình hoạt động công nghiệp, thương mại tiếp tục được duy trì và phát triển.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm của các tỉnh thành khu vực phía Nam tiếp tục tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Có 12/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (cả nước tăng 9,6%), bao gồm: Thành phố Cần Thơ tăng 30,9%; Vĩnh Long tăng 28,9%; Tây Ninh tăng 20,13%...

Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt hơn 2.350 ngàn tỷ đồng, chỉ đạt 96,74% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 49% so với cả nước (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 cả nước đạt gần 4.790 ngàn tỷ đồng, chỉ bằng 96,24% so với cùng kỳ). Có 7/20 địa phương có mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước và cao hơn so với cùng kỳ. Xét về tỷ trọng có một số địa phương có tỷ trọng đóng góp tăng trưởng cao trong khu vực như TP.HCM hơn 820 ngàn tỷ đồng, chiếm 34,9%.

9 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt trên 2.200 ngàn tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm tỷ trọng 53% so với cả nước (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng đầu năm 2022 cả nước đạt trên 4.170 ngàn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ). Có 14/20 tỉnh, thành tăng trưởng cao hơn mức cả nước, trong đó có tỉnh Tây Ninh tăng xấp xỉ 30%.

Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức hiệu quả, góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân đối với hàng Việt, thay đổi ý thức tiêu dùng trong cộng đồng, từng bước loại bỏ hàng nhái, kém chất lượng ra khỏi thị trường; từ đó, giúp các doanh nghiệp Việt cải tiến chất lượng sản phẩm và khai thác tốt hơn thị trường nội địa. Các Sở Công Thương đã tích cực phối hợp với với các đơn vị liên quan tổ chức các phiên chợ, chuyến hàng lưu động về các vùng nông thôn và các khu, cụm công nghiệp phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và công nhân.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố tổ chức các phiên chợ nông sản an toàn, tiếp tục xây dựng điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam" như: Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng tàu, TP. HCM, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long,...


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cho biết,  trong 9 tháng năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục được phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá cao. Tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đạt 11,52%, xếp thứ 10/63 tỉnh thành trong cả nước (tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước là 8,83%), xếp hạng 1/8 tỉnh, thành thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 74,1% so với kế hoạch,  tăng 23,1% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 41,2%, khu vực nhà nước tăng 18,1% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư trong nước tăng 53,9% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 95% dự toán Trung ương giao, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đến 30/9/2022 đạt 73,08% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 63% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Tỷ lệ này cao hơn mức bình quân cả nước (cả nước đạt khoảng 46,7%). Tây Ninh thuộc nhóm tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố cả nước.

Với ngành Công thương, trong 9 tháng đầu năm 2022, Tây Ninh đạt được những kết quả đáng khích lệ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 20,1% so với cùng kỳ. Sản lượng điện thương phẩm 9 tháng đầu năm 2022 đạt 4.158,95 triệu kW/h, đứng thứ 6 so với khu vực phía Nam. Tỉnh thu hút thêm 02 dự án năng lượng mặt trời với 450 MW, hiện có 10/12 dự án đã đóng điện vận hành thương mại với tổng công suất lắp đặt là 804 MW. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng 30% so với cùng kỳ. Lượng khách và doanh thu từ du lịch tăng. Tổng doanh thu du lịch tăng 137% so với cùng kỳ; với hơn 4,1 triệu lượt khách tham quan tại các khu, điểm du lịch tăng 179% so với cùng kỳ. Giá cả được kiểm soát và niêm yết công khai, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Thị trường sôi động, hàng hóa phong phú, đa dạng về chủng loại, kiểu dáng.



Lãnh đạo các Sở Công thương phát biểu tham luận tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến cho Báo cáo của ngành Công Thương khu vực phía Nam, thảo luận, trao đổi những kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các Sở, ngành ở địa phương (nhất là các ý kiến về điện, năng lượng tái tạo, xăng dầu, thương mại biên giới). Từ đó đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành Công Thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực.


Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển công nghiệp, thương mại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh, biến động giá xăng dầu và nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Trên cơ sở đó, để hoàn thành mục tiêu năm 2022, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra của ngành; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất; hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu.

Hội nghị cũng trao quyền đăng cai tổ chức Hội nghị ngành Công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ  IX năm 2023 cho Sở Công thương tỉnh Hậu Giang.

Trâm Thư


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây