Mục tiêu của chương trình này đảm bảo 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của bản thân; 90% trong số này được điều trị ARV suốt đời; 90% số người điều trị ARV đáp ứng tốt để không lây nhiễm cho người khác. Việc thực hiện thành công Chương trình 90-90-90 là nền tảng vững chắc để chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030..
Theo Bộ Trưởng Bộ Y tế, đến nay, cả nước đã được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone cho hơn 2 nghìn người nghiện ma túy và điều trị ARV cho gần 90 nghìn người nhiễm HIV/AIDS. Nhờ đó mà số người nhiễm HIV mới, số bệnh nhân AIDS và tử vong đã giảm liên tục trong 7 năm qua. Tuy nhiên, nước ta đang bước vào một giai đoạn mới với nhiều khó khăn trong công tác phòng chống HIV/AIDS.
Vì vậy, để đạt được mục tiêu 90-90-90 cần ưu tiên các giải pháp, giám sát chủ động các ca bệnh; mở rộng mạng lưới xét nghiệm, phân cấp đến y tế cơ sở để những người có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS dễ tiếp cận; tăng cường truyền thông, hiểu biết, giảm kỳ thị phân biệt đối xử; mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị, tăng nhanh số lượng bệnh nhân; chú trọng, theo dõi chặt chẽ chất lượng điều trị…
Đồng thời tiếp tục khống chế để dịch không tăng thông qua các biện pháp can thiệp giảm hại hiệu quả, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao, địa bàn trọng điểm về HIV/AIDS. Kinh phí dành cho phòng chống HIV/AIDS cần nhanh chóng được chuyển đổi từ việc dựa chủ yếu vào viện trợ sang huy động đa dạng các nguồn lực từ trung ương, địa phương đến cộng đồng, xã hội.
Mỗi năm vẫn có khoảng từ 12 nghìn đến 14 nghìn người nhiễm mới HIV; nguồn tài chính cho phòng chống HIV/AIDS còn thiếu nhiều, chủ yếu phụ thuộc vào tài trợ nước ngoài và chưa bền vững. Theo ước tính, Việt Nam mới phát hiện được khoảng 56% số người mới nhiễm HIV, còn khá xa để đạt được mục tiêu 90– 90 -90.
MN