Tiềm năng du lịch Việt Nam rất lớn nhưng chưa giữ chân được du khách vì hạ tầng và chất lượng dịch vụ còn kém. (Trong ảnh: Khu du lịch núi Bà Đen, Tây Ninh - ảnh: Trần Vũ).
Đại biểu Hoàng Tuấn Anh cho biết, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 40 nêu ra 3 giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển trong thời gian tới. Thứ nhất là giải pháp mở rộng miễn thị thực đơn phương cho khách du lịch.
Việc này nhiều nước khu vực Đông Nam Á đã thực hiện, như Thái Lan miễn thị thực cho 61 nước, trong đó miễn đơn phương 49 nước, Malaysia miễn thị thực cho 155 nước, trong đó miễn đơn phương 85 nước. Singapore miễn thị thực cho 180 nước, trong đó miễn đơn phương 80 nước.
Thứ hai là vấn đề đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá. Thái Lan khoảng 80 triệu USD mỗi năm. Malaysia 100 triệu USD và Singapore tập trung bỏ ra đến 130 triệu USD để đầu tư xúc tiến quảng bá du lịch. Ở nước ta, trong các năm qua, Nhà nước, Chính phủ cũng đã tập trung cho công tác này, tuy nhiên nguồn lực để xúc tiến quảng bá còn hạn chế, mỗi năm chỉ khoảng 3 triệu USD.
Tất nhiên, năng lực về xúc tiến quảng bá của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng còn nhiều khiếm khuyết. Từ đó, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng đưa ra quyết định sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch theo Luật Du lịch.
Về việc tiếp tục mở miễn thị thực đơn phương, Đại biểu cho biết, khi kết thúc cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã ký nghị quyết về miễn thị thực đơn phương cho một số nước bắt đầu từ ngày 1.7.
Còn lại một số nước là thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống và các đối tác chiến lược toàn diện, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao sẽ nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Vấn đề thứ ba về môi trường du lịch, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị 18 nêu ra các việc cần phải làm, mà tập trung là quy định bắt buộc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ niêm yết giá công khai và bán đúng giá.
Thành lập và duy trì đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh vi phạm xử lý kịp thời, tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm để có tác dụng răn đe, ngăn chặn và phát động phong trào quần chúng tham gia hoạt động kinh doanh du lịch đúng quy định và tố giác hành vi vi phạm để xử lý kịp thời.
ĐBQH Hoàng Tuấn Anh.
Đại biểu Hoàng Tuấn Anh đề nghị các địa phương vào cuộc hết sức mạnh mẽ, và ông nêu ví dụ, vừa rồi tỉnh Lào Cai đã phạt 8 khách sạn vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hoá đơn khi công bố giá khách sạn 3 sao cao nhất lên tới 46 triệu đồng/đêm.Thành phố Đà Nẵng phạt 6 khách sạn và một tàu du lịch vì nâng giá, găm phòng trong dịp nghỉ lễ. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, một bữa ăn phải trả 22 triệu đồng tại quán Hào Long Sơn, quán này đã bị xử lý về tội chặt chém khách, đưa vào danh sách đen khuyến cáo khách du lịch không nên đến, và cơ quan chức năng đã rút giấy phép kinh doanh. Tại Quảng Bình, có khách sạn bị buộc phải trả lại tiền cho khách du lịch vì tự ý nâng giá quá mức niêm yết…
Đối với ý kiến cho rằng tiềm năng, thế mạnh du lịch chúng ta có, nhưng điều gì đã làm ảnh hưởng đến tăng trưởng khách? Đại biểu Hoàng Tuấn Anh giải trình: “Như tôi đã nói, ngoài miễn thị thực đơn phương, ngoài quỹ phát triển du lịch, ngoài giải quyết những tình trạng khiếm khuyết, bảo đảm môi trường du lịch, chúng ta cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch và đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn du lịch”.
Theo BTNO