Kế hoạch bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh

Thứ tư - 17/06/2015 12:00 40 0
Nhằm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, Ngày 15/6/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1323/QĐ-UBND triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh năm 2015 và Tết Bính Thân năm 2016.

Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh năm 2015 và Tết Bính Thân năm 2016 triển khai đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường và góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội; đồng thời, gắn với thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở số dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến thời điểm hiện tại là khoảng 1,1 triệu người cùng một số lượng khách vãng lai, nhập cư, dự kiến phục vụ cho khoảng 1,3 triệu người. Cụ thể: 13.000 tấn gạo (bình quân 10kg/người/tháng); 650 tấn đường (bình quân 0,5kg/người/tháng); 325.000 lít dầu ăn (bình quân 0,25 lít/người/tháng); 1.300 tấn thịt gà (bình quân 1 kg/người/tháng); 1.950 tấn thịt heo (bình quân 1,5kg/người/tháng); 5,2 triệu quả trứng gà (bình quân 4 quả/người/tháng); 80 tấn rau, củ quả; 2.032.100 bản Sách giáo khoa-Sách bổ trợ theo chương trình. Tổng kinh phí thực hiện là 43.692.650.000 đồng.

Đối tượng tham gia Chương trình bình ổn là những doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và các quy định pháp luật khác có liên quan (gọi chung là doanh nghiệp), Tổ chức tín dụng hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng, đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia và chấp hành các quy định của Chương trình.

Chương trình thực hiện trong 10 tháng, bắt đầu từ ngày 01/6/2015 đến hết ngày 31/3/2016. Nguồn vốn doanh nghiệp chủ động sử dụng nguồn vốn tự có, vốn vay từ các tổ chức tín dụng tham gia Chương trình với hạn mức và lãi suất phù. Giá bán bình ổn thị trường phải thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 5% đến 10%.

UBND tỉnh khuyến khích doanh nghiệp tham gia Chương trình đầu tư phát triển các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi; chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống, khu, cụm công nghiệp, các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh; tích cực tổ chức thực hiện các chuyến bán hàng lưu động và đẩy mạnh cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đến các bếp ăn tập thể; chủ động tổ chức thực hiện các chương trình khuyên mãi nhằm đẩy mạnh phân phối, xúc tiến tiêu thụ hảng hóa bình ổn thị trường. Doanh nghiệp tham gia Chương trình thực hiện nghiêm túc kế hoạch phát triển mạng lưới điểm bán hàng bình ổn thị trường đã đăng ký với Sở Công Thương.

Sở Công Thương là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan xác định danh mục các mặt hàng thiết yếu, lượng hàng phù hợp và tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa tham gia Chương trình, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch.

Thành Đặng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây