Nền kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập bên cạnh mang lại những thành tựu to lớn, song mặt trái của nó cùng với đà suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội trong nước và đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tiến trình đô thị hóa được đẩy nhanh, dân số đông, thiếu việc làm, thất nghiệp, dẫn đến chênh lệch về thu nhập, mức sống luôn là những yếu tố tác động đến sự gia tăng của tội phạm nói chung, tội mua bán người nói riêng.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và chấp hành pháp luật trong nhân dân còn hạn chế, chưa sâu rộng, phần lớn nạn nhân chưa có thông tin khi tìm việc làm hoặc lấy chồng nước ngoài nên dễ bị lừa gạt, không có kỹ năng tự bảo vệ mình.
Công tác quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý nhà nước tại các khu vực biên giới, nhất là các tuyến đường bộ còn sơ hở, thiếu sót, lực lượng mỏng không kiểm soát được các đường tiểu ngạch, lối mòn ở khu vực biên giới nên bọn tội phạm lợi dụng đưa người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em qua biên giới bán, tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.
Công tác nắm tình hình tuy đã có những tiến bộ nhất định song số tội phạm ẩn còn nhiều. Hàng năm lực lượng chức năng mới chỉ phát hiện được gần 500 vụ án, vụ việc liên quan đến mua bán người chủ yếu là mua bán người qua biên giới, còn số vụ án mua bán người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động trong nội địa chưa phát hiện được nhiều. Phần lớn các vụ án mua bán người, mua bán trẻ em được phát hiện, điều tra khám phá thông qua đơn thư tố cáo của nạn nhân, gia đình nạn nhân hoặc các cơ quan thông tin đại chúng.
Việc ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật chưa kịp thời. Phần lớn người dân đặc biệt là phụ nữ, trẻ em chưa được thông tin và hiểu biết về luật phòng chống mua bán người.
Chưa tổ chức lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm mua bán người. Công an là lực lượng nòng cốt phòng, chống tội phạm mua bán người nhưng đến nay, hầu hết các địa phương, đơn vị chưa thành lập được các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm mua bán người. Tại các phòng nghiệp vụ Công an cấp tỉnh, chủ yếu là lồng ghép với các đội nghiệp vụ để triển khai thực hiện các hoạt động phòng ngừa và điều tra khi có vụ án mua bán người xảy ra nên kết quả đấu tranh hạn chế.
Công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh mặc dù được cải thiện nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân như về thủ tục tư pháp, rào cản ngoại giao, hệ thống pháp luật. Nhiều yêu cầu của phía Việt Nam đề nghị cơ quan hữu quan nước bạn xác minh (nhất là các trường hợp giải cứu nạn nhân), nhưng trong một thời gian dài vẫn không nhận được công văn trả lời, dẫn đến việc giải cứu nạn nhân, truy bắt đối tượng lẩn trốn ra nước ngoài hiệu quả thấp. Một số vụ án cần thiết phải cử một tổ công tác ra nước ngoài điều tra để giải cứu nạn nhân hoặc khai thác các đối tượng là người Việt Nam bị công an nước bạn bắt giữ về tội mua bán người để thu thập tài liệu, chứng cứ và truy bắt các đối tượng nghi vấn đang hoạt động trong nước nhưng gặp nhiều khó khăn do thủ tục ngoại giao xuất, nhập cảnh mất nhiều thời gian.
Để có cơ sở pháp lý tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, ngày 29/3/2011, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật phòng chống mua bán người. Luật cũng quy định cụ thể về công tác phòng ngừa việc mua bán người như thông tin tuyên truyền giáo dục về phòng, chống mua bán người; tư vấn về phòng mua bán người. Đây là biện pháp thông tin, tuyên truyền, giáo dục đối với từng đối tượng cụ thể nhằm cung cấp những thông tin thiết thực, giúp họ giải quyết những tình huống cụ thể, trong đó tập trung vào một số đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm về mua bán người. Đây là biện pháp phòng ngừa tích cực nhằm hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến tình trạng mua bán người gia tăng.
K.H