Nhiều nỗ lực trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021

Thứ ba - 07/12/2021 16:00 261 0
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 diễ ra vào sáng ngày 07/12, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong báo cáo công tác UBND tỉnh; báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch năm 2022.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong phát biểu tại kỳ họp

Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh

Trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND tỉnh đã thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh tỉnh với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh là Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh tỉnh theo chỉ đạo mới của Chính phủ; thành lập Ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và trong triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh và thành lập các tiểu ban phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; ban hành các văn bản tập trung quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

 

UBND tỉnh với các phiên họp thường kỳ

UBND tỉnh luôn quan tâm đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng nhanh gọn. Trong năm 2021, UBND tỉnh tổ chức 16 phiên họp và tổ chức 57 cuộc họp Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh với 299 nội dung. Triển khai Hệ thống thông tin báo cáo kết nối, tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

Song song đó, UBND tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi để cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nâng cao vai trò trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và thể hiện trách nhiệm hơn trong phối hợp xử lý các nội dung được phân công. Quan tâm theo dõi, chỉ đạo và tăng cường đi cơ sở để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc và xử lý những vấn đề nảy sinh. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong chỉ đạo điều hành; chủ động xem xét phân cấp, uỷ quyền một số lĩnh vực cho các cơ quan chuyên môn và huyện, thị xã, thành phố đảm bảo hợp lý, khả thi, đúng quy định và có sự quản lý thống nhất của UBND tỉnh; qua đó, phát huy được tính chủ động, sáng tạo, vai trò trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Nhiều nỗ lực trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021

Trong năm 2021, mặc dù phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Trung ương “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội”.

 

Một góc thành phố Tây Ninh

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, kinh tế-xã hội tỉnh nhà tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Dự kiến đến cuối năm 2021, có 11/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (04 chỉ tiêu kinh tế; 04 chỉ tiêu văn hóa - xã hội; 03 chỉ tiêu môi trường); 07 chỉ tiêu không đạt kế hoạch (05 chỉ tiêu kinh tế và 02 chỉ tiêu văn hóa - xã hội); 01 chỉ tiêu không tiến hành điều tra do dịch Covid-19 (Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng).

Trong đó, đáng chú ý, năm 2021, kinh tế tỉnh nhà tiếp tục duy trì tăng trưởng. GRDP tăng 0,2% so với cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người đạt 3.304 USD. Tỷ trọng các ngành trong GRDP theo giá hiện hành: Nông - lâm - thủy sản đạt 22,1%; công nghiệp - xây dựng: 43,9%; dịch vụ (chưa tính thuế sản phẩm): 29%.

Sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định. Các cây trồng chính sinh trưởng, phát triển tốt, thực hiện chuyển đổi cây trồng đúng định hướng. Ước tổng diện tích gieo trồng đạt 383.555 ha; giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 01 ha đất trồng trọt đạt 102 triệu đồng, tăng 02 triệu đồng so với năm 2020, đạt kế hoạch đề ra.

Chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học, hiệu quả thấp sang chăn nuôi quy mô trang trại, đảm bảo an toàn sinh học. Công tác bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên được thực hiện thường xuyên, đảm bảo rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt, số vụ cháy rừng giảm so cùng kỳ (giảm 07 vụ); xử lý nghiêm, đúng quy định đối với 65 trường hợp bao lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích, giảm 17 vụ so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tăng 12,2% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra; nhập khẩu tăng 38,4% so với cùng kỳ.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, quan tâm tháo gỡ khó khăn, “điểm nghẽn”, bất cập trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch đất đai, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn về công tác đền bù, giải tỏa, tạo điều kiện khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư. Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 649 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ, so với các tỉnh, thành trong cả nước, Tây Ninh xếp thứ 12.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 36% GRDP, đạt kế hoạch đề ra, trong đó vốn đầu tư toàn xã hội trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,3%. Tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng tăng 7% so với đầu năm và tăng 12% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước tăng 13,2% dự toán Trung ương giao.

Đến ngày 31/10/2021, tỉ lệ giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản đạt 65,96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 60,47% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Công tác giải ngân của tỉnh được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá là một trong những địa phương thuộc nhóm tốt.

Văn hóa xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. Quốc phòng- an ninh; xây dựng chính quyền và cải cách hành chính thực hiện đạt kết quả khá toàn diện; công tác phòng, chống tham nhũng được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Tai nạn giao thông giảm so cùng kỳ trên cả 3 tiêu chí (số vụ giảm 38,3%; số người chết giảm 30,6%; số người bị thương giảm 35,2%).

Cải cách hành chính tiếp tục chuyển biến tích cực, tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn đạt tỷ lệ 98,27%; áp dụng nhiều hình thức để hỗ trợ người dân trong việc nộp, trả hồ sơ thủ tục hành chính, đặc biệt là việc triển khai đặt lịch hẹn, lấy số thứ tự trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa cấp huyện và cấp xã.

Trong xây dựng chính quyền, tỉnh đã sắp xếp giảm 32 phòng, ban chuyên môn và 07 Chi cục trực thuộc cơ quan thuộc UBND tỉnh; đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm 04 đơn vị. So với năm 2020, số biên chế công chức trong các cơ quan hành chính được giao giảm 27 biên chế, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 454 người.

Phát hiện 07 vụ với 18 người có dấu hiệu tham nhũng, đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để tiến hành xác minh, làm rõ dấu hiệu tội phạm; đã khởi tố: 09 vụ, 14 bị can; xét xử sơ thẩm: 03 vụ, 10 bị cáo; xét xử phúc thẩm 01 vụ, 04 bị cáo. Hiện còn lại 16 vụ, 38 người đang được xử lý, chưa xét xử. Tài sản tham nhũng đã phát hiện là hơn 4,2 tỷ đồng; đã thu hồi hơn 4,3 tỷ đồng; xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng 01 vụ, 01 lãnh đạo; hiện có 03 vụ, 06 lãnh đạo đang bị khởi tố điều tra về trách nhiệm để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị.

Những hạn chế, tồn tại

Theo UBND tỉnh, bên cạnh kết quả đạt được, trên các lĩnh vực còn tồn tại những khó khăn, hạn chế, như còn 07 chỉ tiêu không đạt kế hoạch; Tăng trưởng kinh tế thấp (tăng 0,2% so kế hoạch) và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực gặp nhiều khó khăn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ giảm 4,5% với cùng kỳ; các hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ tạm dừng.

Tình hình tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn; bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò phát sinh và vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa có thuốc đặc trị; bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện trở lại. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 13% so cùng kỳ và có 288 doanh nghiệp giải thể, tăng 1,6 lần so cùng kỳ. Thu hút đầu tư trong nước giảm 17,4% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách chưa đạt dự toán đề ra (đạt 93% dự toán); nguồn thu ngân sách nội địa giảm 3,5% so với cùng kỳ.

Một số nội dung đề án, chương trình triển khai chậm so với tiến độ đề ra. Việc triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện theo phương pháp tích hợp quy hoạch là phương pháp mới, đòi hỏi cần có sự thay đổi mạnh về tư duy trong hoạt động quy hoạch, sự phối hợp đồng bộ, tổng hợp đa ngành giữa các bên liên quan

Việc tổ chức dạy học trực tuyến gặp khó khăn lớn về thiết bị và đường truyền; học sinh hạn chế trong việc quan sát, tương tác với giáo viên.

Đời sống một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người dân trong khu cách ly, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, lao động tự do…, mức trợ cấp xã hội vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân.

Về nguyên nhân của hạn chế, tồn tại

Theo đánh giá của UBND tỉnh, những hạn chế trên cơ bản là do dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, kéo dài trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng, Tây Ninh là một trong 23 địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội trong thời gian dài. Việc thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong khu công nghiệp, khu chế xuất phải ngừng sản xuất, kinh doanh, gây khó khăn đến công tác quản lý thuế; gia tăng tình trạng thất nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó là nguyên nhân chủ quan trong công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện ở  các cấp, các ngành, địa phương; có lúc, có việc chưa cụ thể, nhất quán, còn lúng túng, một số địa phương còn chủ quan, công tác tuyên truyền chưa kịp thời, hiệu quả.

Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022

Trong năm 2022, tỉnh đề ra một số một số chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 9 chỉ tiêu kinh tế, 6 chỉ tiêu về xã hội và 3 chỉ tiêu về môi trường.

Cụ thể, về kinh tế, bao gồm các chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) tăng 6,5% trở lên; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 3.500 USD; Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 01 ha đất trồng trọt đạt 105 triệu đồng.

Cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP (giá hiện hành): Nông - lâm - thủy sản: 19-20%; Công nghiệp - Xây dựng: 45-46%; Dịch vụ (chưa tính thuế sản phẩm): 30-31%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 10.020 tỷ đồng. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn bằng 36% GRDP. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng 8%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 8%.

Chỉ tiêu về xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,5 - 0,7%. Số lao động có việc làm tăng thêm là 16.000 lao động. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và dạy nghề đạt 72%. Đạt 8,1 bác sĩ/vạn dân và 27 giường bệnh/vạn dân. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (thể thấp còi) còn dưới 20%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 85,9% (tương đương 61 xã), trong đó tăng thêm 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Chỉ tiêu về môi trường:  Duy trì tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó số hộ sử dụng nước sạch tăng 2% so với năm 2021. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng (đã loại trừ cây cao su) đạt 16,3%. Duy trì tỷ lệ chất thải rắn nguy hại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 100%.

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu trên, UBND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó, tỉnh xác định nhiệm vụ hàng đầu là tập trung phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; quyết tâm thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa bảo đảm chặt chẽ phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch, không làm đứt gãy quá trình sản xuất kinh doanh; tập trung công tác tiêm phòng vaccine đảm bảo tiến độ, an toàn theo tiến độ phân bổ của Bộ Y tế.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án trọng điểm của tỉnh. Hoàn thành Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển KTXH tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2026. Siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Tập trung rà soát những bất cập, điểm nghẽn cản trở sự phát triển để giải quyết kịp thời, khơi thông các nguồn lực đầu tư, trong đó chú trọng giải quyết kịp thời các khó khăn về thu hút đầu tư, quy hoạch; quản lý đất đai; đền bù, giải phóng mặt bằng; cải cách hành chính. Thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Bảo đảm quốc phòng - an ninh; chú trọng thực hiện tốt, có hiệu quả công tác đối ngoại.

Quỳnh Như

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây