Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021: Phục hồi và phát triển bền vững

Chủ nhật - 05/12/2021 20:00 177 0
Ngày 05/12/2021, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội phối hợp cùng với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn (trực tuyến) kinh tế Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững”.

Đồng chí Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội chủ trì Diễn đàn.

Cùng tham dự có đồng chí Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Lê Minh Khái - Phó Thủ tướng Chính phủ; các bộ, ngành trung ương, các diễn giả quốc tế, các tổ chức quốc tế.

 

Các đại biểu tham dự diến đàn tại điểm cầu Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh

Tham dự Diễn đàn tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, có đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (điểm cầu Tỉnh ủy); đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Hoàng Thị Thanh Thúy - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Nguyễn Đài Thy - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và các đồng chí đại biểu Quốc hội tỉnh (điểm cầu Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh).

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, năm 2021, với nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ kép, phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội, 6 tháng đầu năm tăng trưởng đạt 5,96%. Dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 với chủng mới Delta đã gây thiệt hại rất nặng nề cho kinh tế và xã hội. Dự kiến cuối năm 2021, cả nước cũng đạt tăng trưởng dương nhưng không đạt mục tiêu theo nghị quyết đề ra. Tình hình này không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của năm 2021 mà còn cho cả nhiệm kỳ.

Để đối phó với dịch bệnh, khắc phục những thiệt hại do dịch bệnh gây ra đồng thời để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các chính sách tài khóa và tiền tệ ở các tổ chức thế giới đã được đưa ra ở tầm vĩ mô. Trong hai năm qua, để ứng phó với dịch bệnh, hỗ trợ cho y tế và xã hội, Việt Nam cũng đã sử dụng rất linh hoạt và đã đồng bộ các chính sách tài khóa và tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác. Tổng quy mô các gói hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ của Việt Nam, theo tính toán của các chuyên gia, trong 2 năm (2020, 2021) mức độ khoảng 4%/GDP thấp hơn so mức bình quân của các nước.

Trong nghị quyết của Kỳ họp thứ hai của Quốc hội vừa qua đã giao Chính phủ triển khai thực hiện theo thẩm quyền Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”; đồng thời xây dựng Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế; nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ thực hiện các gói chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ cho hai chương trình này. Dự kiến cuối tháng 12 này, Quốc hội sẽ xem xét cho tổ chức một kỳ họp bất thường để xem xét các vấn đề quan trọng cấp bách này và các vấn đề cấp bách khác liên quan đến quốc kế dân sinh.

“Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021 này là cơ hội để Quốc hội và các cơ quan hữu quan lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các đối tác phát triển của Việt Nam, các đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, nhân dân cử tri và cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước hiến kế các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững và những đề xuất cụ thể về huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực của chính sách tài khóa và tiền tệ với quy mô, liều lượng hợp lý nhất, cũng như sự phối hợp của các chính sách này để duy trì, tăng cường các động lực tăng trưởng và đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đáp ứng yêu cầu trước mắt và đáp ứng mục tiêu dài hạn của phát triển bền vững, hướng tới thúc đẩy, đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Diễn đàn cùng nghe các diễn giả, nhà khoa học cập nhật, đánh giá bối cảnh tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới; phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng tác động của dịch bệnh; thực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay cũng như xu hướng trong thời gian tới có tác động đến nền kinh tế của Việt Nam. Kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh, phát triển kinh tế, các chính sách ở Việt Nam cùng những kiến nghị, đề xuất cho quá trình phát triển kinh tế -xã hội, gợi ý chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ cho phục hồi phát triển kinh tế của Việt Nam. Diễn đàn còn trao đổi giải đáp vấn đề huy động nguồn lực từ đâu trong bối cảnh bình thường mới, khi nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế; vấn đề phân bổ nguồn lực để đạt mục tiêu đề ra.

Tại diễn đàn, đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội và Nhóm chuyên gia đề xuất, đối tượng hỗ trợ vẫn là người lao động và người sử dụng lao đồng, thời gian 2 năm trở lên tùy theo chính sách. Người dân cần được hỗ trợ về tài chính và an sinh xã hội. Nhóm đề xuất chia ra thành 3 giai đoạn để hỗ trợ, gồm: chuẩn bị kích hoạt chương trinhg và mở cửa nền kinh tế, phục hồi rõ nét hơn (hết quý 2/2022); tạo lập nền tảng, phục hồi nhanh và tăng tốc (đến hết quý 3/2023); kết thúc chương trình và bước sang quỹ đạo mới (từ quý 4/2023).

Nhóm các nhà khoa học Bùi Nhật Quang, Bùi Quang Tuấn, Phạm Anh Tuấn và nhóm nghiên cứu Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề xuất cần thúc đẩy kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu số hóa trong nước, phát huy vai trò của nguồn tài nguyên số phục vụ cho kinh tế số, thúc đẩy kết nối và chia sẻ thông tin của các cơ quan quản lý, bộ, ngành, trung ương, địa phương, hoàn chỉnh hành lang pháp lý cho xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu chung, thống nhất của quốc gia, định danh số và xác thực điện tử quốc gia; đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng số, nền tảng số, tăng đầu tư công cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ trên cơ sở áp dụng kinh nghiệm tốt về mô hình quản trị mới của thế giới.

Ông Francois Painchaud Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam cho rằng đại dịch ảnh hưởng lớn đến việc làm đặc biệt là khu vực phi chính thức, với các doanh nghiệp thì tổn thương nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, ông đề nghị để hỗ trợ phục hồi cần tạo không gian tài khóa dồi dào, tăng chi tiêu cho y tế, tiêm chủng và trợ cấp; tăng cường đầu tư công, hỗ trợ đầu tư tư nhân và duy trì ổn định vĩ mô….

Chính Thuần


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây