pBộ Tài chính hội nghị đề ra giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách 6 tháng cuối năm 2021

Thứ sáu - 16/07/2021 12:00 131 0
Sáng ngày 16/7, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tài chính-ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đến dự và phát biểu chỉ đạo.


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Tây Ninh dự tại điểm cầu tỉnh

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, dù chịu ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19, kinh tế vĩ mô cơ bản cả nước ổn định. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (đạt 1,81%), lạm phát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.

Thực hiện 6 tháng đầu năm thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 54,6% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 62,5% dự toán. Trong bối cảnh hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh còn khó khăn, kết quả thu NSNN 6 tháng nêu trên là tích cực.

Cả nước có 60/63 địa phương. Đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa (đạt trên 50%), có 48 địa phương đạt trên 55% dự toán, có 54/63 địa phương có tăng trưởng thu, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15% so với cùng kỳ năm 2020.

Chi NSNN được quản lý chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngay từ khâu lập dự toán đầu năm và trong quá trình thực hiện, gắn với việc triển khai công tác sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công theo các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII). Thực hiện 6 tháng chi NSNN ước đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán.

Riêng về chi đầu tư phát triển, đến hết tháng 6, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương mới phân bổ được 88,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao; giải ngân vốn 6 tháng đầu năm mới đạt 29,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 6 tháng đầu năm có thặng dư (thu lớn hơn chi); trong đó, cân đối ngân sách trung ương bội chi khoảng 63 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương thặng dư xấp xỉ 150 nghìn tỷ đồng.

Các bộ, ngành tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch Covid-19. Kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm đã miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí 27,5 nghìn tỷ đồng. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định sử dụng 7,65 nghìn tỷ đồng để mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19.

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của hoạt động sản xuất - kinh doanh; phân tích, đánh giá, thường xuyên cập nhật kịch bản điều hành giá phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp bình ổn giá cả thị trường để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và gắn với yêu cầu đặt ra cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.


Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (ảnh: mof.gov.vn)

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, đợt bùng phát dịch bệnh thứ 4 đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống nhân dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn cả nước, trong tình hình đó, 6 tháng đầu năm thu ngân sách vẫn đạt được kết quả tích cực, chi đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Dự báo tình hình còn nhiều khó khăn do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Chính phủ vẫn kiên trì mục tiêu kép, lấy thành quả công tác phòng chống dịch là yếu tố quyết định, là tiền đề để khôi phục và phát triển kinh tế. Tới đây, khi báo cáo Quốc hội, Chính phủ vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở mức 6-6,5%. Để đạt mục tiêu này cần sự nỗ lực phấn đấu rất lớn của các bộ ngành địa phương, trong đó có sự nỗ lực quan trọng của ngành Tài chính.

Để thực hiện thắng lợi của nhiệm vụ tài chính - ngân sách góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước trong 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ tài chính tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khóa, kể cả giải pháp về thuế, phí tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ; kịp thời tham mưu tăng cường phân tích dự báo rà soát kỹ, cập nhật kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chủ đạo điều hành trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng được giao, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền các nhiệm vụ giải pháp giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhất là những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bộ, ngành Trung ương, địa phương triển khai có hiệu quả Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội.

Rà soát thể chế, tập trung những điểm chồng chéo tạo rào cản cho sản xuất, kinh doanh; huy động và khơi dậy mọi nguồn lực của đất nước để phát triển bền vững. tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, nhất là trên lĩnh vực thuế, hải quan. Ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công.

Chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu, chống thất thu; phấn đấu tăng thu tối thiểu 3-5% so với dự toán ngân sách được giao.

Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu ngân sách những tháng cuối năm sẽ khó khăn, đòi hỏi phải sử dụng chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, sáng tạo để bù đắp bội chi hợp lý, đầy đủ, để điều hành kinh tế vượt qua khó khăn, giữ vững mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Qua phân tích cho thấy, từ nay đến cuối năm cả nước cần phải tăng, thu tiết kiệm chi, tiết kiệm nguồn chi để dành kinh phí chống dịch và đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo ngân sách phát triển ổn định, bền vững.

Bộ Tài chính cũng xác định 5 trụ cột để tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm. Đó là: phải hoàn thành thể chế; điều hành chính sách tài khóa linh hoạt; quản lý chặt chẽ nợ công; quản lý tốt thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm; thực hiện dự trữ quốc gia, phòng chống buôn lậu; tiết kiệm và chống lãng phí tốt.

Song Trần


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây