Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá cao sự tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành Chương trình của Ban chỉ đạo các huyện, thành phố và các xã trọng điểm; các sở, ngành tỉnh đã tập trung hướng dẫn, giải quyết những vướng mắc của địa phương; bên cạnh đó ghi nhận sự hỗ trợ tích cực trong công tác tuyên truyền vận động của các ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, lực lượng vũ trang và các cơ quan truyền thông. Kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm 2014, trung bình mỗi xã của tỉnh đạt 9,63 tiêu chí (tăng 0,96 tiêu chí so với cuối năm 2013); tại 9 xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2014, bình quân mỗi xã đạt 14,5 tiêu chí.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện Chương trình còn chậm so với yêu cầu, nguyên nhân do nhiều tiêu chí cần nguồn vốn lớn như: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa…, trong khi đó ngân sách các cấp còn hạn chế; chưa có nhiều chuyển biến ở một số xã ngoài xã điểm; các mô hình, cách làm sáng tạo có sức lan tỏa còn ít; thiếu giải pháp hiệu quả để vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế.
Theo tình hình thực tế hiện nay, toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2014 có 06 xã hoàn thành 19 tiêu chí, gồm: Phước Trạch (đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí), Thạnh Đông, Long Thành Trung, Bến Củi, Bình Minh, An Tịnh; còn lại 03 xã khó hoàn thành mục tiêu, gồm: Thạnh Bình, Thanh Điền, Long Khánh do còn một số tiêu chí, chỉ tiêu có mức độ đạt thấp so với yêu cầu như: giao thông, trường học, thu nhập, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế…
Nhằm đạt được những mục tiêu Chương trình đã đề ra cho 03 tháng cuối năm 2014, Ngày 28/10/2014, Văn phòng UBND tỉnh ra thông báo số 5230/TB-VP, Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 tỉnh Tây Ninh và một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Các ngành, các cấp, các cơ quan truyền thông tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; vận động, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới.
Triển khai Chương trình đồng bộ ở tất cả các xã; đối với việc phân bổ vốn ngân sách Trung ương (kể cả vốn trái phiếu Chính phủ), ngân sách tỉnh, huyện, xã nên ưu tiên cho các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, tránh việc phân bổ bình quân hoặc chỉ phân bổ vốn cho các xã điểm; Việc thực hiện vận động theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1447/TTg-KTN ngày 13/8/2014, đó là: “…Việc huy động đóng góp của người dân phải được bàn bạc dân chủ và phải được sự đồng tình của người dân. Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc và huy động quá sức dân…”.
Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tỉnh) phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tham mưu Ban chỉ đạo, UBND tỉnh xét công nhận và công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh theo đúng Quyết định số 372/QĐ-TTg ngày 14/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đưa kết quả thực hiện Chương trình hàng quý vào bản tin sinh hoạt nội bộ.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc các huyện, thành phố hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư cho 8 xã năm 2015, lưu ý suất đầu tư các công trình, dự án phải phù hợp với điều kiện ngân sách của tỉnh, khả năng đối ứng của huyện, xã.
Sở Xây dựng phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Giáo dục và Đào tạo rà soát các dự án về cơ sở trường học cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội khẩn trương rà soát đối tượng là hộ cận nghèo chưa tham gia bảo hiểm y tế; phối hợp với Sở Tài chính trình HĐND tỉnh hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh để mua bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo. Trước mắt rà soát nắm danh sách các hộ nằm trong 9 xã, tìm nguyên nhân xem vì sao họ không tham gia bảo hiểm y tế, để đề xuất giải pháp hỗ trợ ngay, nghiên cứu trình HĐND tỉnh nâng định mức hỗ trợ cho học viên tham gia các lớp đào tạo nghề theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Các Sở, ngành tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho 6 xã hoàn thành 19 tiêu chí vào cuối năm 2014 và đôn đốc 3 xã còn lại trong danh sách 9 xã tháo gỡ khó khăn, tiếp tục đầu tư hỗ trợ; chủ động đi kiểm tra cơ sở, phối hợp với UBND các huyện, thành phố công nhận đạt tiêu chí, chỉ tiêu do ngành mình phụ trách trước khi tiến hành công tác thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới.
UBND các huyện, thành phố phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí tại 6 xã với quyết tâm cao nhất nhưng không chạy theo thành tích, xã đạt chuẩn nông thôn mới phải phản ánh rõ rệt sự thay đổi tích cực của bộ mặt nông thôn. Riêng UBND huyện Gò Dầu tập trung chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để công nhận xã Phước Trạch là xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.
Chú trọng đảm bảo chất lượng các tiêu chí đã đạt của các xã; triển khai nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; thường xuyên tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp của xã nông thôn mới và các xã khác trên địa bàn huyện, thành phố. Khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư cho 8 xã năm 2015, chủ động phê duyệt các dự án theo thẩm quyền của cấp huyện. Riêng UBND huyện Tân Châu rà soát, báo cáo đề xuất UBND tỉnh tiếp tục chọn xã Tân Hưng để đầu tư đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 hoặc thay thế bằng xã khác có điều kiện tốt hơn.
Rà soát lại suất đầu tư các công trình giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hoá phù hợp với nguồn lực hiện tại. Trừ các trường hợp đặc biệt, chỉ bổ sung những hạng mục cần thiết theo yêu cầu chuẩn hoá để tiết kiệm nguồn lực, đầu tư cho các xã khác, phối hợp với các đoàn thể khảo sát nhu cầu giải quyết việc làm trên địa bàn để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cung cấp lao động cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Việt Thành