Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tây Ninh tiếp tục giữ gìn, phát huy những giá trị, truyền thống tốt đẹp ra cộng đồng, xã hội

Thứ tư - 10/04/2019 14:00 163 0
Tiếp tục chương trình làm việc trong chuyến thăm Tây Ninh, chiều ngày 09/4, Đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về xây dựng dự thảo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33 NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

PTT 6.jpg

Quang cảnh hội nghị

Cùng tham gia với Đoàn còn có đồng chí Nguyễn Văn Tùng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đồng chí Lê Khánh Hải - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tiếp đoàn có đồng chí Phạm Viết Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Văn Tân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Thanh Phong - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố.


PTT 7.jpg

Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó chủ tịch UBND tỉnh báo cáo với đoàn công tác

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo với đoàn công tác về việc xây dựng báo cáo  sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33 NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Qua đó cho thấy, Tây Ninh đã bám sát đề cương hướng dẫn khi xây dựng báo cáo, đánh giá được những mặt được và hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết 33. Vai trò văn hóa tiếp tục được coi trọng. Kế hoạch phát triển văn hóa được các ngành các cấp quan tâm triển khai thực hiện. Các tầng lớp nhân dân tự nguyện, tự giác tham gia các hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa, đời sống văn hóa cơ sở phong phú, đa dạng. Qua các hình thức tuyên truyền cổ động trực quan, nhận thức về của các cấp, các ngành, người dân về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh được nâng cao.

Việc thực hiện 6 nhiệm vụ của Nghị quyết gắn với thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình hành động số 41-CTr/TU, ngày 18/8/2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) được thực hiện tốt. Trong đó, đáng chú ý, tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các mặt công tác giáo dục - đào tạo, khoa học -  công nghệ, y tế, dân số - gia đình, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, công tác giảm nghèo bền vững, phòng chống các tệ nạn xã hội… phát triển các hoạt động nghệ thuật dân gian, lễ hội dân gian, các nghề truyền thống như nghệ thuật đờn ca tài tử, nghệ thuật múa Trống Chhay dăm, nghề làm bánh tráng phơi sương, lễ hội Kỳ Yên, Tết cổ truyền của các dân tộc Chăm, Khmer... Tính riêng năm 2018, về danh hiệu "Gia đình văn hóa" toàn tỉnh công nhận 245.156/300.600 hộ, đạt 83.40% ; 508/542 "Ấp, khu phố văn hóa", đạt 93.7%; 35/80 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 43,75%; có 03/15 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, đạt tỷ lệ 20%...

Đến nay, toàn tỉnh có 90 di tích được công nhận là di tích lịch sử- văn hóa, trong đó có 64 di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh, 25 di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia, 1 di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia đặc biệt. Nổi bật là Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035 (tại Quyết định số 1099/QĐ-TTg ngày 05/9/2018). Riêng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam được Chính phủ định hướng trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam là Điểm du lịch quốc gia đến năm 2025).

Việc thực hiện 4 giải pháp của Nghị quyết số 33-NQ/TW gắn với các giải pháp trong Chương trình hành động số 41-CTr/TU, ngày 18/8/2014 của Tỉnh ủy cũng được chú trọng thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tây Ninh còn có một số hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 33 như: đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn tình trạng vừa thừa, vừa thiếu;  các hoạt động văn hóa tuy có phát triển nhưng chưa đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, vui chơi, giải trí ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân; chất lượng một số cuộc vận động của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" có lúc, có nơi chất lượng chưa cao. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang có chuyển biến nhưng chưa toàn diện, vững chắc, một số tập tục lạc hậu như thời gian lễ tang kéo dài, chôn cất người mất tại đất của gia đình, dòng tộc mà không đưa vào nghĩa trang.


PTT 8.jpg

Đồng chí Nguyễn Văn Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh phát biểu ý kiến

Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và một số huyện, thành phố đã có nhiều ý kiến làm rõ hơn về những kết quả, những nét đặc trưng của Tây Ninh trong thực hiện Nghị quyết 33; đồng thời thông tin thêm về những vấn đề đoàn đặt ra khi thực hiện các mục tiêu của phát triển văn hóa, con người theo Nghị quyết. Trong đó, với đặc trưng là trung tâm của cả nước về tôn giáo Cao Đài, các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đều quan tâm thực hiện tốt công tác tôn giáo trong xây dựng nếp sống văn hóa.

Đồng chí Nguyễn Nam Hưng, Chủ tịch UBND huyện Hòa Thành - nơi có hơn 90% dân số theo đạo Cao Đài- cho biết, cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, phối hợp rất chặt chẽ với các tổ chức tôn giáo, các vị chức sắc trong công tác vận động người dân, nhất là các tín đồ trong thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội.

Nội dung này được Phó Thủ tướng rất quan tâm và cho rằng đây là những cách làm rất sáng tạo trong thực hiện công tác tôn giáo, dân tộc hiện nay. Đây cũng là những kinh nghiệm tốt cần được nhấn mạnh trong báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết 33 và báo cáo điển hình về văn hóa gắn với tín ngưỡng tại hội nghị tới đây.

Lãnh đạo tỉnh cũng nêu một số kiến nghị đến đoàn công tác, như: cần bổ sung hoạt động kinh doanh "Trò chơi điện tử không kết nối mạng" vào Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để công tác quản lý được chặt chẽ hơn; ban hành văn bản quản lý việc sử dụng phương tiện phát âm thanh trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng và kinh doanh dịch vụ và những kiến nghị khác ở lĩnh vực giáo dục, y tế, thương binh và xã hội.


PTT 9.jpg

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo hội nghị

Trong phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc coi trọng phát triển văn hóa cũng như chú trọng đến bảo vệ môi trường khi phát triển kinh tế. Khi nhận ra hệ quả của việc không chú ý đến văn hóa - xã hội thì phải mất hàng thế hệ và có khi mất nhiều lần mức tăng trưởng mới khắc phục được. Trong khi đó, vấn đề văn hóa - xã hội rất khó lượng hóa, đo đếm mà nó phát sinh và tích tụ dần dần song chưa bộc lộ ngay, mà khi đã bộc lộ ra rồi thì cũng không thể khắc phục được ngay.

Đồng chí Phó Thủ tướng đánh giá rất cao sự nỗ lực của Tây Ninh trong thực hiện Nghị quyết 33 và cho rằng Tây Ninh là một trong các địa phương thực hiện tốt việc phát triển kinh tế gắn với văn hóa. Công tác dân vận trong tôn giáo đúng theo định hướng của Đảng. Tây Ninh còn dành nhiều thời gian cho công tác đối ngoại nhân dân và nhất là không che giấu hạn chế, khuyết điểm.

Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, theo nguyên lý là phải lo đủ trường lớp để học sinh học ngày 2 buổi gần nhà, không gần nhà thì tổ chức bán trú; đồng thời phải đảm bảo có giáo viên giảng dạy và cũng phải tinh giản biên chế. Phó Thủ tướng đề nghị "sắp xếp lại trường lớp để giảm biên chế gián tiếp", "phải đổi mới bằng được tư duy về quản trị, quản lý giáo dục phổ thông", huy động sự tham gia của cộng đồng, xã hội, xem trường học là "thiết chế công cộng" để huy động các nguồn lực xã hội trên cơ sở tự nguyện, công khai, minh bạch. Y tế cũng như vậy, bệnh viện công hay bệnh viện tư đều là phục vụ nhân dân. Hoạt động của bệnh viện tư hiệu quả chứng tỏ công tác xã hội hóa lĩnh vực này tốt. Phó Thủ tướng mong muốn các địa phương cần mạnh dạn đổi mới hoạt động của bệnh viện công, khuyến khích phát triển bệnh viện tư để người dân thụ hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất cũng như đáp ứng yêu cầu của các đối tượng có thu nhập cao hơn. Vấn đề hỗ trợ đào tạo cán bộ y tế, Phó Thủ tướng sẽ chỉ đạo Bộ Y tế tăng cường hướng dẫn thực hiện việc này.

Đối với kiến nghị của Tây Ninh liên quan đến xã hội hóa giáo dục, cho thuê cơ sở vật chất, trường lớp, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành rà soát lại các quy định pháp luật liên quan, trường hợp chưa rõ thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm.

"Nếu có cơ chế xã hội hóa, huy động tư nhân đầu tư vào giáo dục hoặc cho thuê lại cơ sở vật chất, trường lớp có sẵn thì chúng ta sẽ có thêm nguồn lực cho những vùng còn khó khăn, thiếu trường lớp, thầy cô", Phó Thủ tướng gợi mở.

Với các kiến nghị còn lại, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, giải đáp, hướng dẫn giải quyết cho tỉnh Tây Ninh.

PTT 10.jpg

Các đồng chí đoàn công tác Chính phủ chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh

Đồng chí đánh giá cao sự cố gắng của Tây Ninh trong thực hiện Nghị quyết, bày tỏ sự tin tưởng Tây Ninh sẽ thực hiện tốt hơn Nghị quyết trong thời gian tới và chúc Tây Ninh ngày càng phát triển.

XV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây