Cán bộ Phòng Kiểm soát ô nhiễm, Chi cục Bảo vệ Môi trường Tây Ninh theo dõi hệ thống quan trắc tự động.
Kể từ tháng 1.2015, Chi cục Bảo vệ Môi trường Tây Ninh (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) thiết lập mạng máy tính kết nối với hệ thống xử lý nước thải chung của 4 Khu công nghiệp: Trảng Bàng, Thành Thành Công, Phước Đông Bời Lời và Nhà máy dệt may Trần Hiệp Thành (thuộc Công ty Cổ phần Trần Hiệp Thành) đóng trên địa bàn tỉnh, nhằm thường xuyên kiểm tra, theo dõi hoạt động xử lý nước thải; nhắc nhở kịp thời các cơ sở khi xảy ra sự cố về kỹ thuật, thực hiện đúng theo quy định xử lý nước thải đạt loại A trước khi xả ra môi trường.
Theo ông Ngô Đức Hà- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Tây Ninh, thông qua hệ thống kết nối quan trắc tự động với hệ thống xử lý nước thải KCN, từ đầu năm đến nay tỉnh đã kịp thời phát hiện và kiểm tra các sự cố về môi trường xảy ra tại KCN Trảng Bàng và Khu chế xuất Linh Trung III;
Phát hiện nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Phước Đông- Bời Lời xử lý nước thải chất lượng đầu ra chưa đạt yêu cầu (tại ao sinh thái ra suối Bà Tươi và tại cống thu gom về ao sinh thái), buộc cơ sở này phải tăng tần suất giám sát, lấy mẫu phân tích nước thải, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và vận hành liên tục hệ thống xử lý nước thải tập trung đúng theo quy định nước thải sau xử lý phải đạt loại A.
Đến nay, ngoài các KCN, khu chế xuất đều có hệ thống xử lý nước thải chung đạt quy chuẩn loại A sau xử lý, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 63/67 cơ sở chế biến tinh bột sắn và 20/24 cơ sở chế biến cao su đã xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn loại A, được ngành chức năng nghiệm thu, cho hoạt động.
Số còn lại (4 cơ sở chế biến tinh bột sắn và 4 cơ sở chế biến cao su) đều đã đóng cửa, tạm ngưng hoạt động.
Theo BTNO