Tây Ninh sau 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới: Đã có nhiều chuyển biến tích cực

Thứ tư - 11/03/2015 16:00 58 0
Sau 4 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về Xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đời sống người dân nông thôn Tây Ninh đã được nâng lên đáng kể từ vất chất lẫn tinh thần, diện mạo các vùng quê có nhiều chuyển biến tích cực. Để hiểu rõ hơn về những kết quả đạt được trong công tác XDNTM; những khó khăn, còn tồn tại và định hướng XDNTM ở Tây Ninh thời gian tới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Ân – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh).

- Công tác XDNTM đang có nhiều chuyển biến tích cực trên các phương diện, làm thay đổi diện mạo những vùng thôn quê. Ông có thể nêu những thành tựu nổi bật qua 4 năm XDNTM ở Tây Ninh?

- Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM là một chương trình trọng điểm của tỉnh với mục tiêu đến cuối năm 2015 có 17 xã (20% số xã) đạt xã nông thôn mới. Chương trình bắt đầu triển khai từ năm 2011 với xuất phát điểm khá thấp, toàn tỉnh chỉ có 1 xã đạt 7 tiêu chí và có đến 69 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Qua 4 năm thực hiện, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, Chính quyền cùng với sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trên địa bàn tỉnh, công tác XDNTM đã đạt được những kết quả đáng kể:

Về xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã: Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung lồng ghép các nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn. Trong đó, cơ bản hoàn chỉnh các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2014. Đến nay, toàn tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng mới trên 2.000 công trình giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hoá, trạm cấp nước sạch. Sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị đã làm thay đổi rõ rệt kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn, đặc biệt là ở các xã điểm.

Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân: Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được đẩy mạnh với nhiều mô hình, dự án khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật gắn với đào tạo nghề cho nông dân; phát huy lợi thế về cây trồng, như: lúa, cao su, mía, khoai mì,…và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư.

Về phát triển giáo dục, văn hóa-xã hội, môi trường: Tiếp tục duy trì chuẩn phổ cập trung học cơ sở và chuẩn quốc gia về y tế ở 80 xã; toàn tỉnh có 80% ấp; 80% gia đình đạt chuẩn văn hóa, 67 Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả, các hoạt động văn hoá, văn nghệ được đa dạng hoá kết hợp với tuyên truyền xây dựng nông thôn mới; tập trung triển khai các Chương trình, dự án trong đó lồng ghép với chương trình xây dựng NTM để đảm bảo vệ sinh môi trường cho nhân dân nông thôn, trong đó tập trung tổ chức các hoạt động tổng vệ sinh môi trường để cải tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp trên địa bàn các xã.

 Về củng cố hệ thống chính trị giữ gìn an ninh trật tự xã hội: Hệ thống chính trị ở cơ sở từng bước củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động; việc triển khai thực hiện tiêu chí 19 ở địa phương được chính quyền cơ sở quan tâm đem lại nhiều kết quả thiết thực, lực lượng nòng cốt ở cơ sở không ngừng được củng cố và trở thành một lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở, nhiều xã qua tổng kết năm 2011 không đạt chỉ tiêu, đến nay đã phấn đấu vươn lên thành xã loại khá. Đến hết năm 2014 có 71/80 xã đạt chuẩn theo tiêu chí 19.

Đến hết năm 2014, bình quân mỗi xã của tỉnh đạt 10,5 tiêu chí (tăng 6,79 tiêu chí so với năm 2011); có 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 9 xã đạt từ 14-18 tiêu chí; 26 xã đạt từ 10-13 tiêu chí; 39 xã đạt từ 5-9 tiêu chí; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.

- Thưa ông, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân đóng vai trò vô cùng quan trọng trong XDNTM. Tuy nhiên, có kiến cho rằng XDNTM còn quá nặng đầu tư nguồn vốn vào xây dựng cơ bản mà chưa có nhiều đầu tư nguồn vốn để các hộ dân phát triển sản xuất. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Trước hết, phải khẳng định những thành tựu phát triển cơ sở hạ tầng đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, là những điều kiện thiết yếu để nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân. Quan điểm của Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh là phát triển hạ tầng phải gắn liền với phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân. Hạn chế của các địa phương hiện nay là khó xây dựng mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả bền vững. Mặt khác, việc triển khai áp dụng các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu lao động đạt kết quả chưa cao, chưa thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn.

Năm 2014, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo tập trung hỗ trợ cho 9 xã điểm XDNTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường công tác khuyến nông, hỗ trợ phát triển sản xuất, tập huấn đào tạo kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho nông ngư dân, xây dựng mô hình trình diễn về sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, tăng năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần trong việc hoàn thành tiêu chí 10 về thu nhập.

- Muốn XDNTM thành công và bền vững, sự đóng góp của người dân và doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ông có thể nêu khái quát về những đóng góp của người dân và doanh nghiệp vào XDNTM trong thời gian qua….Thời gian tới, cần có biện pháp gì để nhân dân, doanh nghiệp tiếp tục đóng góp công sức, tiền của cho XDNTM?

- Sau 4 năm phát động phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức XDNTM”, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ 83 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 103 tỷ đồng (bao gồm: Tiền, hiến đất, ngày công lao động…) để thực hiện các tiêu chí XDNTM. Kinh nghiệm triển khai ở cấp cơ sở cho thấy nếu công tác tuyên truyền, giải thích ở cấp địa phương không được tiến hành tốt, người dân không nhận thấy được mình là chủ thể, nhà nước hướng dẫn, hỗ trợ, những thành quả trong XDNTM sẽ phục vụ cho chính mình thì không khuyến khích họ chủ động tham gia một cách đầy đủ cuộc vận động. Vì vậy, trong thời gian tới phải chú trọng tuyên truyền để phải phát huy và đề cao vai trò chủ thể của người dân, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi trong xã hội, và giúp cho người dân, cộng đồng chủ động và sáng tạo hơn trong việc đóng góp xây dựng cũng như hưởng lợi từ Chương trình XDNTM.

- Thưa ông, bên cạnh những thành tựu đạt được thì công tác XDNTM cũng đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Những khó khăn, vướng mắc đó là gì và biện pháp khắc phục là như thế nào, thưa ông?

- Công tác XDNTM cũng đang gặp những khó khăn, hạn chế chủ yếu, như: Công tác tuyên truyền vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa tác động mạnh mẽ đến người dân về vai trò chủ thể của mình; Các mô hình, cách làm sáng tạo có sức lan tỏa còn ít, phát triển sản xuất có chuyển biến nhưng còn manh mún, đời sống, thu nhập người dân nông thôn chưa được cải thiện đáng kể; hầu hết các xã có tỷ lệ người dân tham gia BHYT thấp….

Nguyên nhân do nguồn lực từ ngân sách và vận động còn thấp nhiều so với nhu cầu thực tế; một số bộ phận Cấp uỷ, Chính quyền cơ sở thiếu chủ động, sáng tạo; trong quá trình tổ chức thực hiện, còn trông chờ cấp trên, nhất là trong bố trí ngân sách cho chương trình.

Trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, củng cố hoạt động của Ban chỉ đạo, Ban quản lý XDNTM; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ. Tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, các nhà tài trợ hỗ trợ các nguồn lực, huy động nguồn đóng góp của nhân dân để XDNTM theo đề án được phê duyệt. Đối với các xã, cần phấn đấu hoàn thành những tiêu chí, chỉ tiêu cần ít nguồn vốn đầu tư, tăng cường tuyên truyền vận động để nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT.

- Theo kế hoạch, Tây Ninh phấn đấu đến cuối năm 2014 có 9 xã trọng điểm hoàn thành 19 tiêu chí về XDNTM. Đến  nay kết quả thế nào? Kế hoạch XDNTM năm 2015 cụ thể rao sao, thưa ông?

- Đến cuối 2014, có 6/9 xã hoàn thành 19 tiêu chí. Đó là: Phước Trạch, An Tịnh, Bến Củi, Bình Minh; Long Thành Trung; Thạnh Bình; Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối với các sở, ngành hoàn tất công tác thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho 6 xã. 3 xã còn lại không hoàn thành 19 tiêu chí là: Thạnh Đông đạt 18/19 tiêu chí (tiêu chí 18 chưa đạt do Đảng bộ, chính quyền xã không đạt chuẩn “trong sạch vững mạnh”). Thanh Điền đạt 14 tiêu chí; Long Khánh đạt 14 tiêu chí.

Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh quán triệt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015 có 17 xã (20% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có khả năng đạt 14 xã, còn lại 3 xã phấn đấu, gồm: 6 xã đạt chuẩn năm 2014 giữ vững 19 tiêu chí. 8 xã hoàn thành 19 tiêu chí, là: Thạnh Đông (Tân Châu), Long Khánh (Bến Cầu), Thanh Điền (Châu Thành), Tân Lập (Tân Biên), Long Thành Bắc (Hòa Thành), Phước Đông (Gò Dầu), Chà Là (Dương Minh Châu), An Hoà (Trảng Bàng). Ba xã: Tân Hưng (Tân Châu), An Bình (Châu Thành), Long Phước (Bến Cầu) phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí hoặc tăng thêm từ 3-5 tiêu chí. 63 xã còn lại tăng thêm từ 1-3 tiêu chí.

- Qua thực tiễn trong XDNTM cho thấy nơi nào Cấp ủy, Chính quyền, đoàn thể địa phương tích cực, chủ động, nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành thực hiện thì công tác XDNTM ở địa phương đó có nhiều chuyển biến. Ông có ý kiến gì về vấn đề này? Khuyến cáo của ông về công tác chỉ đạo, điều hành XDNTM ở các địa phương?

- Kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn triển khai XDNTM, muốn đạt được hiệu quả và chuyển biến thật sự cần phải tập trung các vấn đề: Sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, đồng bộ của Cấp ủy, Chính quyền địa phương; bộ phận giúp việc cho Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp phải đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền phải đa dạng, gắn với hoạt động thực tiễn đồng thời phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang trong tuyên truyền, vận động XDNTM…

Tùy theo đặc điểm và tình hình cụ thể, từng địa phương chủ động chọn tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau; huy động nguồn lực trong dân theo nhiều hình thức: hiến đất, ngày công lao động, vật kiến trúc, hoa màu, cải tạo nâng cấp nhà ở,... tích cực vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã hỗ trợ địa phương XDNTM. Ngoài ra, công tác kiểm tra, hướng dẫn phải được thực hiện thường xuyên để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, nhất là ở cấp cơ sở.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Huy Liệu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây