Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả hơn trong thời gian tới

Thứ ba - 07/12/2021 21:00 94 0
Thực hiện chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ hai HDND tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, sáng 07/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng đã báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và việc thực hiện các chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng báo cáo tại Kỳ họp

Theo UBND tỉnh, ngay khi dịch bệnh bùng phát, tỉnh đã tập trung giải pháp “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị” và 5K - áp dụng hiệu quả trong 3 đợt dịch trước đó; sau khi đã cơ bản bao phủ vaccine đã chuyển sang trạng thái sang “5K + đảm bảo các bệnh viện thu dung điều trị, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của người dân cùng với 3 trụ cột: Cách ly (hẹp nhất và chặt nhất có thể), xét nghiệm (thần tốc nhưng an toàn, khoa học, hợp lý và hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế) và điều trị (từ xa, từ sớm, từ ngay tại cơ sở (tại nhà), góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong).”

 

Công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 luôn được đẩy mạnh

Trong thời gian qua, phần lớn các ca nhiễm phát sinh chủ yếu liên quan đến người về từ vùng dịch của các tỉnh/thành phố, sau khi cho phục hồi sản xuất chủ yếu lây nhiễm từ công nhân các khu vực sản xuất và khu vực dịch vụ; các ngành, các cấp đã kịp thời khoanh vùng, phong tỏa, dập dịch,… không để lây lan trên diện rộng. Do chủ động, kịp thời xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó nên tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh nhìn chung vẫn được kiểm soát tốt, các hoạt động kinh tế - xã hội đang trong quá trình khôi phục sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh đảm bảo việc thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 đã xây dựng kịch bản theo cấp độ dịch 3.000, 5.000, 10.000 bệnh nhân. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện cấp độ 5.000 bệnh nhân, công suất đang điều trị 4.265 bệnh nhân tại 3 tầng, trong đó tầng 3 năng lực 200 giường (điều trị bệnh nhân nặng) và tầng 2 (điều trị bệnh nhân nhẹ đến trung bình) năng lực 800 giường.

Tính đến ngày 01/12/2021, số bệnh nhân Covid-19 trên toàn tỉnh là 37.643 ca. Bệnh nhân Covid-19 đang điều trị là 12.189 ca. Điều trị F0 tại nhà 10.937 ca. Số bệnh nhân đã điều trị khỏi, xuất viện 25.171 bệnh nhân. Số ca tử vong 281 ca.

Đến ngày 06/12/202, tỷ lệ tiêm vaccin mũi 1 đạt 95,9%; mũi 2 đạt 87,3%; trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm đạt 99,7%.

 

Các lực lượng tuyến đầu luôn nhận được sự quan tâm

Để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch bệnh, các cấp, các ngành đã vận động và huy động nguồn lực xã hội. Cụ thể, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức phát động cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19; kết quả, đến ngày 15/11/2021 tổng số tiền, hàng hóa, vật tư y tế tiếp nhận trị giá trên 154 tỷ đồng (tiền mặt là hơn 51,6 tỷ đồng). Từ nguồn vận động, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phân bổ, sử dụng hơn 47,2 tỷ đồng và hàng hóa, lương thực, vật tư y tế ước tính hơn 75 tỷ đồng thông qua tổ chức các hoạt động trao tặng quà, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân trong các khu cách ly, phong tỏa, các khu nhà trọ; thăm, tặng quà, lương thực, vật tư y tế, nhu yếu phẩm cho cán bộ y tế, chiến sỹ, lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch.  

Đặc biệt, trước tình hình khó khăn chung do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay để hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, người dân gặp khó khăn. Điển hình như Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp tổ chức gói 1.000 đòn bánh tét thăm cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng và các lượng lượng tham gia phòng, chống dịch trên tuyến biên giới, các khu cách ly tập trung; tổ chức các mô hình như: “Bếp ăn từ thiện”, “Bữa cơm 0 đồng”, “Áo xanh giúp dân đi chợ”, “Chuyến xe 0 đồng”, Chuyến xe nghĩa tình”, “Đội phản ứng nhanh xung kịch diệt COVID”, “Gian hàng 0 đồng”; tuyên truyền vận động các chủ nhà trọ miễn, giảm tiền trọ cho người dân.

Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác phòng, chống dịch còn một số hạn chế. Đó là năng lực, nhân lực y tế yếu, ít; trang thiết bị chưa đáp ứng về xét nghiệm; thiết bị điều trị Covid-19, giường bệnh,…chưa đáp ứng trong khi số ca bệnh tăng nhanh đã làm khó khăn rất lớn, lúng túng trong thời gian đầu. ở một khía cạnh khác, người dân chưa tự thực hiện lấy mẫu test nhanh theo hướng dẫn của nhân viên y tế, có tâm lý sợ cách ly, dẫn đến khai báo không trung thực, gây khó khăn trong công tác truy vết. Hoạt động của Tổ Covid-19 cộng đồng chưa đồng đều. Các khu cách ly y tế tập trung trên địa bàn huyện có lúc, có nơi quá tải, chưa đảm bảo đầy đủ quy định. Ca nhiễm tăng nhanh, có lúc có nơi các địa phương chưa quản lý, hỗ trợ điều trị, theo dõi người nhiễm tại nhà, ảnh hưởng đến sức khỏe một số ít bệnh nhân.

Nguyên nhân của các hạn chế được chỉ ra là do tốc độ lây và độc lực chủng Delta gây ra diễn biến dịch quá nhanh trong khi triển khai các biện pháp hạn chế tác động của dịch chưa kịp thời, chưa đồng bộ không đáp ứng tính chất diễn biến của dịch. Hệ thống năng lực y tế chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; nhân lực y tế còn thiếu, vật tư y tế, trang thiết bị phục vụ công tác xét nghiệm, điều trị chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Giai đoạn đầu của dịch hệ chống chính quyền các cấp đáp ứng chậm; sự phối hợp đôi lúc chưa nhịp nhàng đồng bộ; chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Vừa tổ chức đáp ứng chống dịch vừa rút kinh nghiệm. Sự quá tải cho năng lực y tế cũng như cả hệ thống chính quyền các cấp. Nhận thức của người dân có lúc có nơi chưa cao, còn chủ quan trong phòng, chống dịch; còn hiện tượng kén chọn vaccin.

Thực hiện các chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19

Các chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được thực hiện kịp thời.

Theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ; Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 22/7/2021 và Quyết định số 17/2021/QĐ-UBND ngày 30/8/2021, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 189.225 người lao động với số tiền 59,7 tỷ đồng; giảm đóng quỹ Hưu trí và tử tuất, cho 774 người lao động với số tiền 964,3 triệu đồng. UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đối với 15.870 người, với số tiền gần 60 tỷ đồng; phê duyệt hỗ trợ người lao động ngừng việc đối với 90 người, với số tiền 118 triệu đồng… Các địa phương đang thực hiện chi trả.

Với chính sách hỗ trợ người lao động không có hợp đồng lao động (lao động tự do) và các đối tượng đặc thù khác, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 167.528 người, với số tiền 251,2 tỷ đồng (trong đó ủy quyền UBND các huyện, thị xã, thành phố phê duyệt 25.762 người, với số tiền 38,6 tỷ đồng)…

Việc triển khai thực hiện chính sách theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, đến hết ngày 30/11/2021, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện phê duyệt giảm đóng cho 1.860 đơn vị sử dụng lao động với 192.805 lao động và số tiền là 14,5 tỷ đồng; đã giải quyết chi hỗ trợ cho 203.325 lao động với số tiền 468 tỷ đồng.

Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

Với tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, thời gian tới, UBND tỉnh đề ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Đó là, tiếp tục tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát các xã, phường, thị trấn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Phát huy vai trò của Tổ Covid-19 cộng đồng, tổ y tế cơ sở trong việc thực hiện nghiêm phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để phát hiện, hỗ trợ, quản lý những người nhiễm. Tập trung khôi phục toàn diện hoạt động kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới gắn với phòng, chống dịch. Nâng cao năng lực thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19; đảm bảo năng lực hệ thống y tế cơ sở đủ khả năng phòng chống, ứng phó tình hình dịch phù hợp, thích ứng vừa hoạt động sản xuất vừa chống dịch trong tình hình mới. Bảo vệ vững chắc đường biên giới, phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép. Tiếp tục, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh sau dịch. Tập trung tăng tốc công tác tiêm phòng vaccin đảm bảo tiến độ, an toàn theo tiến độ phân bổ của Bộ Y tế trong thời gian tới, đặc biệt nâng cao tỷ lệ bao phủ vaccine trên toàn dân với các đối tượng tiêm mũi 2 nhanh nhất. Triển khai thực hiện việc quản lý F0 tại nhà đảm bảo theo Công văn số 4226/UBND-KGVX ngày 25/11/2021 của UBND tỉnh. Tiếp nhận đảm bảo năng lực phục vụ công tác thu dung, điều trị, đảm bảo mục tiêu sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề ra các giải pháp để thực hiện các chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 theo hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, mở rộng đối tượng thụ hưởng, tiếp tục đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt để người sử dụng lao động và người lao động được hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; đảm bảo ngân sách ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch; xem xét chính sách đặc thù cho lực lượng tuyến đầu nhất là cán bộ y tế đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Chính Thuần

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây