Tại cuộc họp, đồng chí Đỗ Trường Duy - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Trưởng Đoàn công tác cho rằng, thời gian qua, tỉnh đã rất chủ động trong công tác phòng chống dịch với hành loạt văn bản chỉ đạo được ban hành cụ thể, có hệ thống, dễ thực hiện. Nhờ đó, Tây Ninh bước đầu đã kiểm soát được dịch.
Để được đánh giá đạt mức bình thường mới theo Quyết định số 3989/QĐ-BYT ngày 18/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành "Tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19 tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ", Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến nghị Sở Y tế cần kiện toàn công tác thu thập, cập nhật số liệu từ cơ sở, giao trách nhiệm cho địa phương trong cung cấp số liệu.
Đoàn công tác Bộ Y tế giám sát công tác chống dịch trên địa bàn huyện Dương Minh Châu. (ảnh: BTN)
Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lưu ý, Bộ Y tế luôn liên tục cập nhật các hướng dẫn về công tác lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, do đó, tỉnh cần hết sức quan tâm để thực hiện. Dưới sự chủ trì của lực lượng công an tỉnh, công tác truy vết đã được thực hiện tốt, nhưng cần được cụ thể hóa theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường giao trách nhiệm cho xã, phường, thị trấn; có cơ chế giao trách nhiệm cho lãnh đạo xã, phường, thị trấn trong thực hiện truy vết, kiện toàn tổ truy vết từ cơ sở; đề xuất UBND tỉnh thành lập tổ thông tin truy vết của tỉnh nắm thông tin, điều tiết việc truy vết.
Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị tỉnh cần có cơ chế giao trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra lây nhiễm trong khu cách ly. Về phòng, chống dịch trong cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lưu ý, khi chuyển sang giai đoạn bình thường mới, Ban Quản lý khu công nghiệp, chính quyền địa phương cần quản lý chặt chẽ các đối tượng nguy cơ, quản lý khai báo y tế điện tử cũng như quản lý di chuyển của công nhân thật chặt chẽ.
Đối với công tác điều trị, Tây Ninh đang tập trung cho tầng 2, nhằm vừa giảm gánh nặng cho tầng 3, vừa tiếp nhận bệnh từ tầng 1. Do đó, tỉnh cần có đánh giá về nhân lực y tế chi tiết hơn, phân loại bệnh nhân ở tầng 2 thật chi tiết theo mức độ bệnh, chủ động có phương án điều chuyển nhân lực y tế cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của công tác điều trị. Đặc biệt, công tác điều trị tại tầng 1 (bệnh không triệu chứng), Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề xuất giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương trong kiểm tra, giám sát quá trình thu dung, điều trị.
Song song đó, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng đề xuất để điều phối việc chuyển tuyến, chuyển tầng hiệu quả, đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh thành lập ban điều phối để công tác chuyển tuyến được tổ chức tốt hơn, kiện toàn quy chế, quy trình để công tác chuyển tuyến được thuận lợi, kịp thời.
Góp ý về công tác tiêm chủng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị tỉnh đẩy mạnh truyền thông, không phân biệt vaccine, có kế hoạch truyền thông cụ thể để chi tiết hóa, cụ thể hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất. Hiện, tỉnh có 108 điểm tiêm, tỉnh cần chuẩn bị các điều kiện để tăng công suất lên 40.000 mũi/ngày, cũng cần tính đến phương án nâng lên 100.000 mũi/ngày, đáp ứng hoàn thành lượng vaccine lớn cần được tiêm. Xem xét, có phương án quy hoạch trạm y tế xã, phường lưu động với chức năng "2 trong 1", vừa khám bệnh vừa tiêm chủng để có thể thực hiện mục tiêu đáp ứng tiêm 100.000 mũi/ngày khi cần.
Trong công tác tiêm chủng, giao trách nhiệm cho địa phương quản lý dữ liệu kết quả tiêm cho người dân, đảm bảo dữ liệu tiêm chủng trên hệ thống tiêm chủng quốc gia, phục vụ phương án phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong xét nghiệm SARS-CoV-2 đợt 3 trên địa bàn thành phố Tây Ninh
Đánh giá về ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng Sở Thông tin và Truyền thông đã rất chủ động và có trách nhiệm trong thực hiện, là một trong những sở triển khai tốt ứng dụng công nghệ thông tin trên toàn quốc. Tới đây, trong giai đoạn bình thường mới, tỉnh cần chỉ đạo xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin áp dựng trong giai đoạn này nhằm thực hiện tốt nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Trong thời gian tới, đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh giám sát phòng, chống dịch, nhất là đảm bảo thực hiện phương án mở cửa, khôi phục sản xuất.
Đồng chí Bùi Khánh Toàn - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên (Bộ Y tế) nhấn mạnh, tỉnh cần quan tâm nâng cao năng lực xét nghiệm, nhất là PCR theo hướng lâu dài; đồng thời, tăng cường tuyên truyền để người dân tự có ý thức phòng chống dịch cho bản thân và cộng đồng, đó mới là biện pháp phòng, chống dịch hữu hiệu nhất.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong thay mặt lãnh đạo tỉnh, cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời của Đoàn công tác Bộ Y tế khi dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp. Sự hỗ trợ của Đoàn đã giúp cho Tây Ninh cơ bản kiểm soát dịch bệnh.
Tỉnh ghi nhận những tồn tại, hạn chế cùng những biện pháp khắc phục mà Đoàn đã chỉ ra và mong muốn Đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh khắc phục sớm nhất những hạn chế này để công tác chống dịch sẽ hiệu quả hơn, nhất là trong quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế tiếp thu những đóng góp của Đoàn để tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Sở chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh có những giải pháp phù hợp khi trở lại trạng thái bình thường mới.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh thông tin, tới đây, tỉnh sẽ tập trung tiêm chủng để nâng cao tỷ lệ người dân được tiêm vaccine phòng Covid-19, cùng với đó là triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin trong điều tra, truy vết.
Song Trần