Bộ Nội vụ tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022

Thứ tư - 12/01/2022 22:00 135 0
Sáng ngày 12/01/2022, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

BNVtongket-1.jpg 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Thu Hiền và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Năm 2021, với phương châm hành động “Kỷ cương, gương mẫu, đoàn kết, tinh thông, sáng tạo, hiệu quả”, toàn ngành Nội vụ đã tập trung tối đa mọi nguồn lực, với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, chung sức, đồng lòng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kép, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã đề ra, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Nổi bật là Bộ Nội vụ đã chủ trì xây dựng 03 dự án Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 12 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 08 Nghị định, 03 Nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 06 Quyết định, 04 Chỉ thị và 01 Công điện; ban hành theo thẩm quyền 06 Thông tư, 04 văn bản hợp nhất.

Công tác xây dựng thể chế, chính sách luôn được Bộ Nội vụ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ, ngành Nội vụ. Theo đó, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Nội vụ từng bước được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và Nhà nước bảo đảm công khai, minh bạch; góp phần khắc phục, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn triển khai, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực thi pháp luật trên các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Nội vụ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước hiện đại hướng tới Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Năm 2021 là năm đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế (10%) mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 07/4/2015. Cụ thể, tính đến hết năm 2021 biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%; cán bộ, công chức cấp xã giảm 8,94%; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giảm 49,25% so với năm 2015.

Riêng năm 2021, kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và tương đương có 1.173 sở, giảm 07 tổ chức; tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn cấp sở có 8.122, giảm 1.648 tổ chức (giảm 1.440 phòng thuộc sở, giảm 208 chi cục thuộc sở); cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có 8.490 phòng, giảm 451 phòng; tính đến hết năm 2021, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm được 12,35% so với năm 2015.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất so với các kỳ bầu cử trước đây và đã bầu được 499 đại biểu Quốc hội, 3.721 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 22.550 đại biểu HĐND cấp huyện và 239.788 đại biểu HĐND cấp xã.

BNVtongket-2.jpg 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (ảnh Chính phủ)

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ngành tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế theo tinh thần đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển, ưu tiên bố trí cán bộ, nguồn lực phù hợp cho công tác này trên tinh thần bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tránh lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.

Cùng với đó, phải đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức; khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng vị trí việc làm của cả hệ thống hành chính từ Trung ương đến cấp xã; cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ theo vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tham mưu phối hợp, xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài cho nền công vụ; thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. 

Thủ tướng còn yêu cầu ngành phải triển khai hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính, tập trung cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, thực hiện tốt hơn công tác quản lý đối với các lĩnh vực quan trọng khác của ngành Nội vụ…

ML




Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây