Hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ hai - 11/03/2019 15:00 219 0
Trước nguy cơ bùng phát bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 134/QĐ-UBND triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh với mục tiêu chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với dịch bệnh.

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn. Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh. Bệnh này chỉ lây nhiễm trên loài lợn (bao gồm lợn rừng và lợn nhà), không gây bệnh cho các loài động vật khác. Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người. Bệnh lây chủ yếu trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khỏe mạnh; ngoài ra, bệnh có thể lây lan gián tiếp thông qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, quần áo có chứa chất mang vi rút. Loài ve mềm (Ornithodoros moubata) có thể làm lây truyền vi rút sang lợn. Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao với môi trường. Ở nhiệt độ phòng, vi rút trong huyết thanh lợn sống được 18 tháng, vi rút trong máu giữ trong tủ lạnh có thể sống đến 6 năm. Ở nhiệt độ càng lạnh thì vi rút càng tồn tại lâu.

Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 10/11/2018, đã có 19 quốc gia gồm: Bỉ, Bun-ga-ri, Cộng hòa Sát, Trung Quốc, Cote D'Ivoire (Bờ biển Ngà), Cộng hòa Séc, E-xtô-ni-a, Hung-ga-ri, Kê-ni-a, Lát-vi-a, Lít-va, Môn-đô-va, Ni-giê-ri-a, Ba Lan, Ru-ma-ni, Liên Bang Nga, Nam Phi, U-crai-na và Dăm-bi-a báo cáo bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Tổng số lợn bệnh là trên 372 nghìn con, số lợn chết vì bệnh là trên 123 nghìn con, tổng đàn lợn có nguy cơ, buộc phải tiêu hủy trên 840 nghìn con. Tại Trung Quốc, theo thông tin cập nhật từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 03/8/2018 đến ngày 09/11/2018, nước này báo cáo tổng cộng có trên 73 ổ dịch xuất hiện tại 17 tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô, Chiết Giang, Cát Lâm, Khu tự trị Nội Mông, Thiên Tân, Sơn Tây, Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam (tại Simao của thành phố Phổ Nhĩ, cách biên giới với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam khoảng 150km), Hồ Bắc, Giang Tây, Trùng Khánh và Phúc Kiến. Tổng cộng đã có hơn 470 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

phong chong dich ta.jpg

Triển khai các biện pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi (Ảnh minh hoạ)

Kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thực hiện theo từng tình huống cụ thể làm cơ sở cho các Sở, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện. Đó là, Tình huống 1: Phòng ngừa khi bệnh Dịch tả lợn Châu Phi chưa xâm nhiễm vào tỉnh và Tình huống 2: Xử lý bệnh Dịch tả lợn Châu Phi khi phát hiện tại tỉnh.

Đối với tình huống phòng ngừa khi bệnh Dịch tả lợn Châu Phi chưa xâm nhiễm vào tỉnh, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã biên giới phối hợp với các lực lượng chức năng như: biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển lợn sống, sản phẩm của lợn qua biên giới. Tổ chức tiêu hủy tất cả lợn sống và sản phẩm của lợn nhập lậu qua biên giới; Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhập cảnh vào địa bàn tỉnh; Rà soát, dự phòng sẵn các phương án tiêu hủy, nơi chôn, đốt lợn, sản phẩm lợn nếu phát hiện dương tính hoặc nghi nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, đặc biệt trong các trường hợp phải tiêu hủy số lượng lớn; bao gồm cả hóa chất, dụng cụ và phương tiện vận chuyển từ nơi phát hiện lợn dương tính đến nơi tiêu hủy, nơi chôn hủy; Rà soát các chợ, điểm trung chuyển, tập kết lợn sống trên địa bàn, các cơ sở giết mổ lợn tập trung, đặc biệt các địa bàn có buôn bán lợn sống không rõ nguồn gốc để giám sát; Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; xây dựng phương án đóng cửa chợ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có các biện pháp xử lý khi phát hiện có vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc họp triển khai Quyết định của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, với thành phần tham dự gồm đại diện các Sở, ngành, UBND các huyện, các tổ chức chính trị xã hội và chủ các trang trại chăn nuôi lợn; Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các cấp theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, điều hành; chuẩn bị thành lập các tổ, đội công tác chuyên trách để ứng phó với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; Diễn tập ứng phó với các tình huống phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại địa phương; Tổ chức triển khai Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; sau Tháng cao điểm cần định kỳ triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn những khu vực có nguy cơ cao; Tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi (hằng ngày vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; vệ sinh tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; định kỳ phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi nhất là tại các cơ sở sản xuất giống;…); tập trung đối với đàn lợn tại các địa bàn giáp biên giới, có phương tiện vận chuyển đến từ nước đang có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các địa phương có nhiều khách du lịch.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Tây Ninh, thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các biện pháp phòng chống dịch; có chuyên mục riêng về phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Công tác tuyên truyền chú trọng về tác hại của việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật, tăng nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; đồng thời hướng dẫn các biện pháp chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, tránh gây hoang mang trong xã hội, từ đó nâng cao nhận thức của chính quyền cơ sở, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân; cùng lên án các hành vi vi phạm, không sử dụng lợn và sản phẩm thịt nhập lậu, không rõ nguồn gốc; đồng thời hướng dẫn các biện pháp chủ động phòng ngừa bệnh Dịch tả lợn Châu Phi lây vào trong nước.

TTCBTH

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây