Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 – 2025

Thứ sáu - 06/08/2021 16:00 256 0
Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định số 1789/QĐ-UBND ngày 04/8/2021 Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 – 2025.

Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025 được ban hành với mục tiêu cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn phát triển và nông dân giàu mạnh; nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của các ngành hàng nông nghiệp nói riêng và toàn ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh nói chung.

Mục tiêu cụ thể, một số chỉ tiêu chính của ngành nông nghiệp: Bình quân giá trị sản xuất/ha (GTSX/ha) đất trồng trọt đạt 115 triệu đồng. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM): 100% xã đạt chuẩn NTM; 37 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 52,1% tổng số xã đạt chuẩn NTM); 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (chiếm 16,9% tổng số xã đạt chuẩn NTM). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 16,4%. Tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn của Bộ Y tế đạt 72%. Cơ cấu nông –lâm nghiệp –thủy sản trong tổng sản phẩm của tỉnh chiếm 14-15%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 25%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 40%; tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm nước đạt trên 35%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 30%; trên 70% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ổn định 16,4%, diện tích rừng sản xuất được quản lý bền vững có xác nhận đạt tỷ lệ 40%.

Các giải pháp được đưa ra theo nội dung Kế hoạch bao gồm: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, huy động nguồn lực; Nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường công tác khuyến nông; Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất; Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; Thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản; tăng cường thông tin thị trường và xúc tiến thương mại; Triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của ngành; Nâng cao năng lực hội nhập khu vực và quốc tế; khai thác tốt tiềm năng thị trường từ các hiệp định thương mại tự do và các cam kết, thỏa thuận hợp tác đã ký kết; Bảo vệ tài nguyên, môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

Để thực hiện, UBND tỉnh giao cho  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Thường xuyên đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo Bộ tiêu chí giám sát đánh giá; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện. Giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện và tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung kế hoạch khi cần thiết.

Nội dung chi tiết xem tại đây.

KH


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây