Bệnh Viêm da nổi cục (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD) là bệnh truyền nhiễm do vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Vi rút này không gây bệnh trên người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch; thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 - 20%; tỷ lệ chết khoảng 1 - 5%; triệu chứng chính của bệnh bao gồm: sốt cao (có thể trên 41oC), bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi những nốt sần có đường kính khoảng 2 - 5 cm, đặc biệt là ở vùng da cổ, đầu, bầu vú, cơ quan sinh dục và vùng đáy chậu; các biện pháp phòng, chống bệnh chính bao gồm chủ động theo dõi, giám sát để kịp thời phát hiện sớm để xử lý và tiêm phòng cho trâu, bò.
Theo thông báo của Cục Thú y, tính đến ngày 11/7/2021, cả nước có 1.336 ổ dịch tại 207 huyện của 33 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Tổng số gia súc mắc bệnh là 70.344 con, số gia súc đã tiêu hủy là 8.473 con. Tại 11 tỉnh, thành phố khu vực miền Đông Nam bộ do Chi Cục Thú y vùng VI quản lý; đến ngày 18 tháng 7 năm 2021, trong vùng có 486 hộ, 39 xã, 15 huyện, 07 tỉnh gồm Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Bình Thuận có xảy ra ổ dịch chưa qua 21 ngày, số bò bệnh 1.063 con, số chết và tiêu hủy 32 con.
Ngày 07/7/2021, bệnh xuất hiện đầu tiên tại 03 hộ nuôi bò tại ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành với số bò mắc bệnh là 03 con; đến ngày 16/7/2021, bệnh tiếp tục xuất hiện tại 01 hộ nuôi bò tại ấp Mới, xã Tân Phong, huyện Tân Biên với số bò mắc bệnh là 01 con. Lũy kế từ khi bắt đầu dịch đến nay có 04 con bò bị bệnh tại 02 xã thuộc 02 huyện Châu Thành và Tân Biên; Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kịp thời phối hợp với các ngành có liên quan và chính quyền địa phương hướng dẫn hộ chăn nuôi cách ly bò bệnh và điều trị theo phác đồ, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng, phun thuốc diệt côn trùng nên không có bò bệnh phải tiêu hủy và chưa phát sinh thêm ổ dịch mới.
Theo đó, các giải pháp: Tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò trên toàn địa bàn tỉnh; Xử lý ổ dịch; Công tác tiêu độc khử trùng; tiêu diệt côn trùng; Công tác kiểm soát buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò và sản phẩm từ trâu, bò; Tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh Viêm da nổi cục ; Quản lý dịch bệnh.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương triển khai thực hiện các nội dung, giải pháp theo từng tình huống của kế hoạch. Thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai các nội dung, giải pháp theo từng tình huống của kế hoạch này. Thành lập các Đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục tại các địa bàn có nguy cơ cao. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh: thành lập và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thành lập và tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp.
Nội dung chi tiết xem tại đây.
KH