Tập trung triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ hai - 09/03/2020 22:00 115 0
Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2020 đến nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật như Cúm gia cầm (đã xảy ra tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An và Trà Vinh), bệnh Lở mồm long móng (đã xảy ra tại 7 tỉnh: Quảng Ninh, Yên Bái, Sơn La, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Tiền Giang) có diễn biến phức tạp, gia tăng nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Qua kết quả kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại một số địa phương cho thấy còn nhiều tồn tại, bất cập như: Công tác chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh còn rất hạn chế, nhiều nơi chưa nắm bắt kịp thời, chậm báo cáo tình hình dịch bệnh; Việc xử lý các ổ dịch chưa được thực hiện triệt để, chưa bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật; Tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, nhất là tiêm phòng bao vây ổ dịch còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu chống dịch; Khoanh vùng, cảnh báo và quản lý ổ dịch còn khó khăn. Trong khi đó, các yếu tố nguy cơ còn hiện hữu như: Thời tiết diễn biến phức tạp, tạo điều kiện rất thuận lợi cho các loại mầm bệnh đang lưu hành trong môi trường, trong một số quần thể vật nuôi phát triển, gây ra dịch bệnh; Tổng đàn gia súc ăn cỏ, gia cầm cao nhất từ trước đến nay, nhưng quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn nhiều, bên cạnh đó việc nuôi tái đàn heo sẽ tăng cao trong thời gian tới;Hoạt động buôn bán, lưu thông gia súc, gia cầm và các sản phẩm động vật rất lớn; Tập quán, thói quen buôn bán, giết mổ động vật nhỏ lẻ, theo cách truyền thống (như sử dụng thịt tươi, bán gia cầm sống còn phổ biến,…).

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm kịp thời và có hiệu quả, hạn chế thấp nhất vi rút Cúm gia cầm, Lở mồm long móng lây nhiễm, ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng. Ngày 06/3/3030, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn số 437/UBND-KTTC yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo Quyết định số 2028/QĐ-UBND ngày 20/9/2019 của UBND tỉnhban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020 -2025; Công văn số 166/UBND-KTTC ngày 31/01/2020 của  UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh; Công văn số 217/UBND-KTTC ngày 07/02/2020 của  UBND tỉnh về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, các văn bản chỉ đạo khác của Trung ương và của tỉnh.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch là chính; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh. Kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với lực lượng thú y tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại kinh tế, bức xúc cho người dân và cộng đồng.Tăng cường hoạt động thú y cơ sở; tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại vắc xin không bảo đảm chất lượng, không đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Hoàng Nam


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây