Tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022

Thứ năm - 29/09/2022 09:14 186 0
Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, các hoạt động kinh tế trở lại bình thường.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục tập trung triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Một số kết quả cụ thể như sau:

1.    Về kinh tế
−    Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp ổn định, tình hình sâu bệnh gây hại chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm là 180.797 ha, đạt 72,1% KH vụ, bằng 99,3% so CK .
Tình hình chăn nuôi và giá sản phẩm chăn nuôi ổn định; số lượng vật nuôi tăng so với CK, nhất là đàn heo tăng 7,4% (14.388 con), đàn trâu tăng 5,9% (5.780 con). Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, đảm bảo an toàn sinh học. Trên địa bàn tỉnh có 610 trang trại chăn nuôi gia súc với số lượng 188.500 con và 106 trang trại chăn nuôi gia cầm với số lượng 6.374.281 con.
Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 419 ha, đạt 71% so với KH, bằng 99,1% so với CK; sản lượng thủy sản ước đạt 10.955 tấn, đạt 95,2% so với KH, bằng 97,6% so với CK.
Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, rừng phát triển ổn định; đã trồng 202,8/210 ha, đạt 96,6% so với KH. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được triển khai hiệu quả, từ đầu năm đến nay chưa xảy ra trường hợp cháy rừng. Tình hình vi phạm quy định về Luật Bảo vệ và phát triển rừng được kéo giảm, xảy ra 53 vụ (giảm 09 vụ so với CK); đã điều tra, xác minh xử lý 32 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, chuyển cơ quan điều tra, xác minh xử lý 04 vụ phá rừng trái pháp luật. 
Xảy ra 66 vụ thiên tai tại 09 huyện, thị xã, thành phố (giảm 82 vụ so với CK), có 01 người bị thương, gây thiệt hại 289 căn nhà, 10.808 ha cây trồng, tổng giá trị thiệt hại 53.989 triệu đồng.
Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận thành phố Tây Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Xây dựng Bộ tiêu chí về nông thôn mới các cấp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022. Thực hiện giao vốn Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Tây Ninh năm 2022.
−    Công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 20,1% so với CK, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,6%. Hầu hết các công nghiệp chủ yếu đều tăng sản lượng, cụ thể: giày các loại (+31,4%); vỏ, ruột xe các loại (+30,2%); bột mì (+29,7%); dịch vụ thu gom rác thải không độc hại không thể tái chế (+24,8%); clanke poolan (+24,3%); điện thương phẩm (+13,9%); điện sản xuất (+11,1%). 
Tính đến 31/8/2022, ngành điện đã cung cấp 3.686,6 triệu kWh điện, đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, bán sang Campuchia 115,14 triệu kWh điện và tiết kiệm được 78,5 triệu kWh điện. 
−    Thương mại, dịch vụ và du lịch
Kim ngạch xuất khẩu đạt 4,9 tỷ USD, đạt 92,4% so với KH, tăng 31,4% so với CK. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: phương tiện vận tải và phụ tùng; vải các loại; hàng dệt may; giày dép các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác. 
Kim ngạch nhập khẩu đạt 4,5 tỷ USD, đạt 92,2% so với KH, tăng 23,5% so với CK. Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: cao su các loại; hóa chất; bông các loại; sắn và các sản phẩm từ sắn; máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 71.850 tỷ đồng, tăng 30% so với CK; trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước thực hiện 56.681 tỷ đồng, tăng 27,5% so CK.
Tổng doanh thu du lịch 1.235 tỷ đồng, đạt 95% so KH, tăng 137% so CK; với hơn 4,1 triệu lượt khách tham quan tại các khu, điểm du lịch, tăng 179% so CK, tăng 33,5% so KH. 
−    Tài chính – ngân hàng
Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 8.744 tỷ đồng, đạt 87,3% dự toán, tăng 15,3% so với CK; trong đó thu nội địa 7.470 tỷ đồng, đạt 85,7% so dự toán, tăng 13,7% so với CK. Tổng chi ngân sách địa phương là 7.929 tỷ đồng, đạt 76,3% dự toán.
Triển khai thực hiện Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, Nghị định số 18/2022/UBTVQH15; đồng thời ban hành Thông báo số 907/TB-CTTTNI ngày 24/02/2022 nhằm thông tin rộng rãi chính sách miễn, giảm thuế. Dự kiến số thu thuế năm 2022 giảm 540,615 tỷ đồng, đến ngày 31/8/2022 đã thực hiện giảm 315,685 tỷ đồng .
Tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước đạt 62.640 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm và tăng 21,4% so với CK; trong đó vốn huy động trên 12 tháng ước đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 5% so đầu năm và chiếm 9,6% tổng nguồn vốn huy động. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 83.200 tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm và tăng 16,1% so với CK; tỷ lệ nợ xấu 0,35% tổng dư nợ, giảm 0,33% so với đầu năm.
Đến 31/8/2022, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 với dư nợ gốc còn lại là 77,5 tỷ đồng với 552 khách hàng; cho vay hỗ trợ lãi suất 2% là 5,7 tỷ đồng với 07 khách hàng, số lãi suất được hỗ trợ là 16,6 triệu đồng.
−    Vốn đầu tư phát triển
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 26.215 tỷ đồng, đạt 74,1% so với KH, tăng 23,1% so với CK. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 41,2%, khu vực nhà nước tăng 18,1%, khu vực dân doanh tăng 8,7% so với CK. 
Tổng vốn đầu tư XDCB năm 2022 là 4.165,829 tỷ đồng. Ước giải ngân đến 30/9/2022 là 2.614,553 tỷ đồng, đạt 73,08% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 62,76% kế hoạch HĐND tỉnh giao.
−    Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
a. Thu hút đầu tư trong nước 9 tháng đầu năm đạt 15.175,5 tỷ đồng, tăng 53,9% so với CK. Trong đó:
- Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư mới 35 dự án với tổng vốn đăng ký 12.283,9 tỷ đồng, gồm 26 dự án nông nghiệp, 9 dự án phi nông nghiệp. Tình hình triển khai của các dự án:
+ Về đầu tư: 07 dự án đã ký quỹ, còn lại 28 dự án chưa ký quỹ.
+ Về đất đai: 02 dự án đã hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, 28 dự án đang xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường để chuyển mục đích sử dụng đất, 05 dự án chưa hoàn thành thủ tục đất đai.
+ Về môi trường: 01 dự án đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường, 22 dự án đang thực hiện, 12 dự án chưa thực hiện.
+ Về triển khai xây dựng: 35 dự án chưa triển khai xây dựng do đang trong giai đoạn hoàn thành các thủ tục có liên quan đến đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng. Qua rà soát các dự án này nằm trong tiến độ triển khai thực hiện dự án đã được đăng ký tại Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) tiếp tục theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục tiếp theo.
 - Có 17 dự án điều chỉnh tăng vốn với vốn tăng 2.891,6 tỷ đồng và 15 dự án chấm dứt hoạt động, thu hồi (do nhà đầu tư quyết định chấm dứt) với vốn đăng ký 801,6 tỷ đồng. Đến ngày 19/9/2022, có 670 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với vốn đăng ký là 115.049 tỷ đồng; trong đó có 342 dự án đi vào hoạt động với số vốn 64.293,5 tỷ đồng, 74 dự án đang triển khai xây dựng với số vốn 16.713,9 tỷ đồng, 226 dự án chưa xây dựng với số vốn 32.730,7 tỷ đồng, 25 dự án dừng hoạt động với số vốn 1.311 tỷ đồng; 03 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, đang thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
b. Thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm đạt 225,6 triệu USD, giảm 65,2% so với CK. Trong đó:
- Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới 07 dự án trong lĩnh vực công nghiệp với vốn đăng ký 216,1 triệu USD. Tình hình triển khai 7 dự án này như sau:
+ 07 dự án đã hoàn thành thủ tục thuê đất, thuê nhà xưởng của Công ty hạ tầng
+ 01 dự án đang thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.
+ Về triển khai xây dựng: 7 dự án chưa triển khai xây dựng do đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đất đai, xây dựng, môi trường… Qua rà soát các dự án này nằm trong tiến độ triển khai thực hiện dự án đã được đăng ký tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư (Ban Quản lý Khu kinh tế) tiếp tục theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục tiếp theo.
- Điều chỉnh tăng vốn cho 07 dự án với vốn tăng 37,4 triệu USD; 05 dự án điều chỉnh giảm vốn 27,9 triệu USD; có 01 dự án mới do tách dự án theo quy định Luật Đầu tư 2020 với vốn đăng ký là 3 triệu USD; 02 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào công ty trong nước với vốn đăng ký là 0,67 triệu USD; thu hồi 03 dự án với vốn đăng ký 4,5 triệu USD. 
Đến ngày 19/9/2022, có 349 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 8.665,1 triệu USD, trong đó có 248 dự án hoạt động với số vốn 6.838,9 triệu USD; 44 dự án đang xây dựng với số vốn 1.034,5 triệu USD; 46 dự án chưa triển khai với số vốn 763 triệu USD; 11 dự án dừng hoạt động với số vốn 28,7 triệu USD; vốn thực hiện lũy kế chiếm khoảng 50% tổng vốn đăng ký. 
c. Tình hình hoạt động đăng ký kinh doanh: Cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 641 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 5.058 tỷ đồng, so với CK tăng 26% về số doanh nghiệp và giảm 15% về vốn đăng ký. Có 111 doanh nghiệp giải thể với số vốn 678 tỷ đồng (cùng kỳ 285 doanh nghiệp giải thể với số vốn 1.390 tỷ đồng). Lũy kế có 7.176 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 175.369 tỷ đồng. 
Thành lập mới 09 hợp tác xã (HTX) , không có HTX giải thể. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 177 HTX, tăng 11 HTX so với CK (161 HTX hoạt động theo Luật HTX 2012), có 16 HTX ngưng hoạt động. Tổng số thành viên HTX là 36.980 thành viên, giảm 2.410 thành viên so với CK.
−    Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
Hoàn thành Đề án tổng thể xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 – 2025; Đề án tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường giai đoạn 2022 – 2025.
Tiếp tục thực hiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác đo đạc, … theo đúng quy định. Đã cấp được 100.507 giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, tăng 62,25% so với CK (tăng 38.656 giấy) với diện tích 456.947,305 ha.
Xử lý hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản, giấy phép về thăm dò, khai thác nước dưới đất, giấy phép xả thải vào nguồn nước theo quy định:
+ Đã cấp 20 Giấy phép khai thác, sử dụng nước; 04 Giấy phép thăm dò nước dưới đất; 03 Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Ban hành 27 Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, với tổng số tiền 1,736 tỷ đồng. 
+ Đã cấp 04 Giấy phép thăm dò khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường; 01 Giấy phép khai thác khoáng sản; 05 quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản; 01 quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản. Ban hành 01 Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền 971 triệu đồng.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Bảo vệ môi trường 2020 và chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 
2.    Các hoạt động văn hóa – xã hội
Tổng kết năm học 2021-2022, tỷ lệ học sinh được xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,98% (năm học trước: 99,99%); xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 100% (năm học trước: 100%). Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có 9.337/9.470 học sinh thi đậu tốt nghiệp, đạt 98,6% (năm học trước 98,7%). Ban hành khung Kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên thuộc ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Tây Ninh. 
Công nhận kết quả thực hiện 03 đề tài cấp tỉnh. Ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2022, Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tây Ninh” năm 2022. 
Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 được chú trọng, triển khai thực hiện kịp thời và trong tầm kiểm soát. Thực hiện đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho từng nhóm đối tượng; giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh, hướng dẫn các địa phương ứng phó và xử lý các ổ dịch kịp thời. Đến nay , tỷ lệ bao phủ đủ 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên là 94,89%, mũi nhắc 1 + mũi bổ sung  là 65,37%; tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 2 cho trẻ em từ 12-17 tuổi là 99,23%, mũi 3 là 64,73%; tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 1 cho trẻ em từ 5-11 tuổi là 89,08%, mũi 2 là 50,68%. Tuy nhiên, một số bệnh truyền nhiễm có số ca mắc cao so cùng kỳ (bệnh tay chân miệng: 640 ca; bệnh sốt xuất huyết: 7.825 ca, trong đó ghi nhận 06 ca tử vong do sốt xuất huyết) . Về thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia đã có kết quả, hiện các cơ sở y tế đang thực hiện ký hợp đồng mua thuốc. Tổ chức xây dựng giá kế hoạch Danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp địa phương. Triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ước thực hiện đến 30/9/2022, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,17% so với dân số toàn tỉnh (Kế hoạch năm 2022: 91,5%).
Công tác chăm lo cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội, người có công với cách mạng, người nghèo được thực hiện kịp thời. Xây mới 08 căn, sửa chữa 06 căn nhà tình nghĩa cho người có công; xây tặng và bàn giao 186 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021; tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Cấp 7.631 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình. Hỗ trợ 3.681 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi với kinh phí 154 tỷ đồng.
Ban hành Kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 và năm 2022. Tư vấn việc làm và học nghề cho 19.366 lượt lao động, tổ chức đưa 43 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; có 388 doanh nghiệp đăng ký và nhu cầu tuyển dụng 3.355 lao động người nước ngoài. Tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm với 56 doanh nghiệp và 4.300 người lao động tham gia. Giải quyết cho 16.335 lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp với kinh phí 327.117 triệu đồng. 
Tỉnh đã hoàn thành và kết thúc đúng thời gian quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID – 19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP  và chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ . 
Thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Tây Ninh đến ngày 19/9/2022: 
+ Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ: được giao 100 tỷ, đã giải ngân 100 tỷ đồng cho 2.245 lao động; 
+ Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 và khoản 10, Điều 1, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ: được giao 64 tỷ, đã giải ngân 21,502 tỷ đồng cho 55 khách hàng;
+ Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập: được giao 4 tỷ, đã giải ngân 3,158 tỷ đồng cho 224 học sinh, sinh viên;
+ Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch: được giao 4,8 tỷ, đã giải ngân 3,13 tỷ đồng cho 38 cơ sở.
Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao được quan tâm tổ chức thực hiện. Nhiều hoạt động, sự kiện được tổ chức với quy mô cấp Tỉnh, cấp khu vực, có chiều sâu, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Ban hành Kế hoạch hoạt động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2022 và giai đoạn 2022-2026. Tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp tỉnh “Nhận diện Bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình Tây Ninh”. Tổ chức thành công Đại hội thể dục thể thao cấp tỉnh lần thứ IX năm 2022. Tham dự 40 giải thi đấu cụm, miền quốc gia, kết quả đạt 221 huy chương các loại (52 HCV, 54 HCB, 115 HCĐ), nổi bật nhất là môn Quần vợt Nam đạt 06 huy chương (01HCV - 02HCB - 03HCĐ) ở nội dung Đơn nam, Đôi nam, Đồng đội nam tại Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (Seagames 31). Phối hợp tổ chức Đại hội nhiệm kỳ Liên đoàn Cầu Lông tỉnh Tây Ninh, Đại hội thành lập Liên đoàn Dù lượn, Diều bay Thể thao tỉnh Tây Ninh. 
3.    Công tác cải cách hành chính; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phòng, chống tham nhũng và chuyển đổi số
Tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính và công tác cải cách hành chính năm 2022. Kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2022 tại các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ ngày 01/01/2022 đến 15/9/2022: số hồ sơ tiếp nhận phải giải quyết là 435.651 hồ sơ, trong đó có 419.707 hồ sơ giải quyết trước hạn, đúng hạn (96,34%); 7.322 hồ sơ chưa giải quyết – còn hạn (1,68%); 8.622 hồ sơ chưa giải quyết – quá hạn và đã giải quyết – quá hạn (1,98%). 
Sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tính đến thời điểm hiện nay, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã sắp xếp và thực hiện cơ bản đảm bảo cơ cấu ngạch công chức hợp lý theo từng chức danh trong cơ quan, đơn vị.
Thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ cho 37 trường hợp (nghỉ hưu trước tuổi: 30 trường hợp; thôi việc ngay: 07 trường hợp). Hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học cho 81 trường hợp; tổ chức 02 lớp bồi dưỡng Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, 02 lớp bồi dưỡng tiếng Anh cho cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; 18 lớp bồi dưỡng Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; 02 lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp sở; 01 lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp huyện; 01 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cải cách hành chính; 01 lớp bồi dưỡng kỹ năng văn hóa công sở và nghiệp vụ quan hệ đối ngoại cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
Đã tiến hành 19 cuộc kiểm tra công vụ tại các cơ quan, đơn vị, chú trọng công tác kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính, qua kiểm tra chưa phát hiện sai phạm.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được 2.632 cuộc với hơn 101.742 lượt người tham gia, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh 3.735 giờ, tủ sách pháp luật có 1274 lượt người tìm hiểu.
Thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng 162 vụ cho 162 người thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước, đã hoàn thành là 136 vụ cho 136 người. Phối hợp thực hiện 02 cuộc truyền thông công tác trợ giúp pháp lý, tuyên truyền phổ biến và tư vấn pháp luật bằng hình thức trực tuyến; truyền thông công tác trợ giúp pháp lý kết hợp tư vấn pháp luật tại các địa phương được 20 đợt, cấp phát 5.688 loại tài liệu, tờ gấp pháp luật cho 1.139 lượt người tham dự; tư vấn pháp luật 94 vụ cho 94 người. Tư vấn pháp luật đối với những vụ việc mang tính chất đơn giản tại trụ sở cho 86 lượt người dân.
Công tác hòa giải của các Tổ hòa giải ở cơ ở đã thụ lý 325 vụ tranh chấp, đưa ra hòa giải 319 vụ, trong đó: số vụ hòa giải thành 282 vụ (89,8%); số vụ hòa giải không thành hướng dẫn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết 32 vụ (10,2%). Số vụ đang tiến hành hòa giải: 05 vụ; rút hồ sơ: 01 vụ.
Thi hành án dân sự (từ ngày 01/10/2021 đến 31/8/2022): Tổng số việc giải quyết là 24.692 việc (trong đó số thụ lý mới là 11.191 việc, giảm 2.248 việc so với CK). Tổng số việc phải thi hành: 24.415 việc, trong đó số việc có điều kiện thi hành 17.089 việc, đã thi hành xong 10.657 việc; số việc chưa có điều kiện giải quyết 13.758 việc.
Thực hiện 63 cuộc thanh tra hành chính (kỳ trước chuyển sang 07 cuộc; 47 cuộc theo kế hoạch và 16 cuộc đột xuất), chủ yếu trên lĩnh vực tài chính ngân sách (19/63 cuộc), còn lại là các lĩnh vực đất đai, quản lý hành chính, xây dựng cơ bản; đã ban hành kết luận 34 cuộc; phát hiện vi phạm 9.384 triệu đồng và 7.209 m2 đất, kiến nghị thu hồi 3.008 triệu đồng, kiến nghị khác 6.375 triệu đồng và 7.209 m2 đất, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 01 vụ 01 đối tượng.
Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã triển khai 5.588 cuộc, ban hành kết luận 5.562 cuộc đối với việc chấp hành pháp luật của 22.575 cá nhân và 297 tổ chức, phát hiện 398 cá nhân và 116 tổ chức vi phạm, đã ban hành 455 quyết định xử phạt hành chính với số tiền 5.414 triệu đồng, số tiền đã thu qua kiến nghị thu hồi và xử phạt vi phạm hành chính là 5.414 triệu đồng (đạt 100%), kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 01 vụ 01 đối tượng , vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực giao thông, môi trường, kiểm dịch, y tế.
Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân: Toàn tỉnh đã tiếp 1.200 lượt với 1.246 người, có 07 lượt đoàn đông người ; phân loại, xử lý kịp thời 175 đơn khiếu nại, tố cáo đủ điền kiện xử lý. Tổng số đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết là 55 đơn (43 đơn khiếu nại, 12 đơn tố cáo), đã giải quyết 44 đơn (33 đơn khiếu nại, 11 đơn tố cáo), đạt 80% trên tổng số thụ lý, số còn lại đang xác minh, xem xét giải quyết.
Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai minh bạch tại 16 cơ quan, đơn vị, chưa phát hiện sai phạm; tiến hành 07 cuộc thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý sử dụng tài chính liên quan đến chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện sai phạm 14 cuộc/42 người với sai phạm đã phát hiện và xử lý là 537 triệu đồng; tiến hành kiểm tra đối với 02 cơ quan về việc thực hiện quy tắc ứng xử, không phát hiện sai phạm; đã thực hiện chuyển đổi vị trí 50/173 trường hợp nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng: qua hoạt động giám sát, kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, phát hiện 01 vụ/01 người có dấu hiệu tham nhũng, đã chuyển cơ quan điều tra, đã thu hồi 881 triệu đồng; khởi tố 03 vụ, 09 bị can; xét xử sơ thẩm 08 vụ/14 bị cáo; xét xử phúc thẩm: 03 vụ/06 bị cáo; hiện còn lại 10 vụ/30 người đang được xử lý, chưa xét xử sơ thẩm; đã xử lý kỷ luật 03 lãnh đạo để xảy ra tham nhũng; xử lý hình sự 01 lãnh đạo để xảy ra tham nhũng; 01 trường hợp hết thời hiệu xử lý kỷ luật nên chỉ thông báo về kết quả xử lý; 04 lãnh đạo đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; tạm đình chỉ 02 trường hợp sai phạm; hiện đã chấm dứt tạm đình chỉ 01 trường hợp; xử lý kỷ luật 02 vụ/03 người đã có hành vi tham nhũng đã được xét xử.
Công tác chuyển đổi số được triển khai trên cả ba lĩnh vực: hạ tầng số, chính quyền số và kinh tế số - xã hội số 
4.    Quốc phòng, an ninh và đối ngoại được duy trì thường xuyên
Thực hiện tốt công tác quốc phòng địa phương, hoàn thành chỉ tiêu tuyển chọn công dân nhập ngũ năm 2022. Tổ chức tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia về nước đợt 2 giai đoạn XXI (mùa khô 2021-2022), kết quả đã quy tập được 255 bộ hài cốt liệt sỹ (Campuchia: 238 bộ; trong tỉnh: 17 bộ). Tổng kết thực hiện đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, giai đoạn 2013-2020.
 Các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ, theo dõi nắm chắc tình hình, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự trên tuyến biên giới. Tiếp tục thực hiện các công trình chiến đấu chốt dân quân biên giới theo đúng tiến độ, đã xây dựng hoàn chỉnh 29/32 chốt dân quân biên giới.
Tình hình trật tự an toàn xã hội (từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/9/2022): Tiếp nhận 928 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự (giảm 55 vụ so với CK), trong đó tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 158 vụ (giảm 39 so với CK), làm rõ 150 vụ 268 đối tượng, đạt 94,93% (vượt chỉ tiêu Bộ Công an giao 4,93%). 
Tội phạm về xâm phạm an ninh quốc gia xảy ra 01 vụ, đã điều tra khám phá 01 vụ 01 đối tượng, đạt tỷ lệ 100%. Tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 562 vụ, 1.250 đối tượng (giảm 128 vụ so với CK), điều tra làm rõ 522 vụ 1.541 đối tượng, đạt tỷ lệ 92,88%. Tội phạm về kinh tế phát hiện 55 vụ, 87 đối tượng (giảm 10 vụ so CK); khởi tố 52 vụ, 94 bị can, đạt tỷ lệ 94,54%. Tội phạm về tham nhũng và chức vụ phát hiện mới 03 vụ, 01 đối tượng (vượt chỉ tiêu Bộ Công giao là phát hiện ít nhất 01 vụ). Tội phạm về ma túy phát hiện 221 vụ (giảm 97 vụ so với CK), điều tra làm rõ 221 vụ, đạt tỷ lệ 100%. Tội phạm về môi trường phát hiện 05 vụ (tăng 02 vụ so với CK), điều tra làm rõ và khởi tố 05 vụ, 06 bị can, đạt tỷ lệ 100%. Tội phạm về giao thông xảy ra 80 vụ, làm rõ 78 vụ 78 đối tượng, đạt tỷ lệ 97,5%; khởi tố 80 vụ 78 bị can. Tội phạm khác xảy ra 02 vụ, điều tra làm rõ 02 vụ, 28 đối tượng, đạt tỷ lệ 100%; khởi tố 02 vụ, 28 bị can.
Tai nạn giao thông xảy ra 49 vụ, chết 22 người, bị thương 36 người. So với CK, giảm 03 vụ (-5,8%), tăng 01 người chết (+4,8%), giảm 06 người bị thương (-14,3%).
Xây dựng kế hoạch triển khai công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia trên địa bàn tỉnh năm 2023. Ban hành Đề án tăng cường hoạt động đối ngoại địa phương đảm bảo quốc phòng, an ninh; mở rộng hợp tác đầu tư, giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh địa phương, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác hợp tác quốc tế giai đoạn 2021-2025. Phối hợp với phía Campuchia tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thu hoạch hoa màu và thu hồi tài sản trên đất quản lý quá so với đường biên giới đã phân giới cắm mốc, để phục vụ công tác bàn giao cho nhau. Tổ chức kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia.
II.     ĐÁNH GIÁ CHUNG
1.    Mặt làm được
- Về kinh tế: Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng của tỉnh đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực: 
+ Nông nghiệp phát triển ổn định. Công nghiệp và dịch vụ phát triển mạnh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 20,1%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng 30%. Hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, nhộn nhịp với hình thức trải nghiệm đa dạng, phong phú, thu hút du khách, doanh thu du lịch tăng cả doanh thu và lượng khách, Tây Ninh đang là một trong bốn tỉnh, thành phố có lượng khách du lịch cao nhất cả nước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 92,4% so với Kế hoạch, tăng 31,4% so với cùng kỳ.
+ Thu ngân sách đạt kết quả cao, đạt 87,3% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt, tỉnh Tây Ninh đứng thứ 4 trong nhóm 10 cơ quan có tỷ lệ giải ngân cao trên cả nước .
+ Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 23,1% so với cùng kỳ. Vốn huy động của các tổ chức tín dụng tăng 21,4%; thu hút đầu tư trong nước tăng 53,9%, Số doanh nghiệp thành lập mới tăng tăng 26% so cùng kỳ. 
-    Văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực: 
    + Công tác phòng, chống dịch COVID-19, tiêm vắc xin được chú trọng. Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao ý nghĩa, an toàn. 
    + Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, giữ vững 5 năm liên tục bảo đảm thi tốt nghiệp THPT chặt chẽ, an toàn, không xảy ra tiêu cực, sai sót.
    + Chính sách hỗ trợ tín dụng đã góp phần giúp các hộ thoát nghèo và tăng thu nhập; thực hiện kịp thời các chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo tốt đời sống cho gia đình chính sách, hộ nghèo. 
-    Quốc phòng, an ninh ngày càng được củng cố, giữ vững. Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, một số loại tội phạm giảm mạnh, tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án tăng cao. Công tác đối ngoại được duy trì, đẩy mạnh.
2. Tồn tại, hạn chế: 
-    Về kinh tế: 
+ Mặc dù kinh tế có bước phục hồi nhưng còn chậm, doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn. Thu hút đầu tư nước ngoài giảm so với cùng kỳ. Tình hình phát triển doanh nghiệp trong nước có tăng về số lượng thành lập mới nhưng giảm về vốn đăng ký (giảm 15% so CK).
+ Việc sắp xếp đất đai của một số công ty nông nghiệp để bàn giao đất về địa phương quản lý còn chậm , gây lãng phí nguồn lực về đất đai, không tạo ra quỹ đất công phục vụ thu hút đầu tư; Công tác giải phóng mặt bằng, một số công trình trọng điểm triển khai chưa đảm bảo tiến độ.
+ Một số công trình trọng điểm triển khai chậm so với tiến độ đề ra.
-    Về văn hóa – xã hội: 
+ Vẫn còn một số mặt chưa đạt yêu cầu, tình trạng thiếu thuốc, công tác đấu thầu chậm ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh của người dân, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 các mũi bổ sung, mũi nhắc tuy cao vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
+ Nguồn tuyển dụng giáo viên không đủ so với chỉ tiêu tuyển dụng hằng năm, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học.
-      Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số vẫn còn chậm, chưa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Công tác chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử còn chậm, chưa đảm bảo với các mục tiêu đề ra.
-    An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng buôn lậu, tội phạm về ma túy, đưa người qua biên giới trái phép tăng.
-      Vi phạm pháp luật về môi trường vẫn còn diễn biến phức tạp, cá biệt sự cố xảy ra 01 vụ nghiệm trọng .
    3. Nguyên nhân tồn tại, hạn chế:
    3.1. Nguyên nhân khách quan:
-    Dịch bệnh chưa hoàn toàn được đẩy lùi, nguy cơ biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 và một số dịch bệnh khác mới phát sinh, có thể diễn biến phức tạp.
-    Xung đột Nga – Ukraine vẫn còn tiếp diễn gây lạm phát, nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện hữu, ảnh hưởng đến đà phục hồi nền kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng.
-    Đầu tư nước ngoài đang trong giai đoạn phục hồi, tái cơ cấu đầu tư, chưa mở rộng đầu tư.
3.2. Nguyên nhân chủ quan:
- Lãnh đạo một số Sở, ngành, địa phương chưa thể hiện quyết tâm, còn sợ rủi ro, sợ trách nhiệm, gây chậm trễ tiến độ xử lý công việc được giao. Một số lĩnh vực quản lý nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu. 
- Một số lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên môi trường, đầu tư có mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
- Việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên y tế còn khó khăn do chế độ tiền lương còn thấp, tỉnh chưa có chính sách đặc thù cho các địa phương vùng sâu, biên giới. 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây