Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022

Thứ sáu - 08/07/2022 11:00 168 0
Chiều ngày 07/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết đánh giá công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2022, kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm 2022.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.


Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm, cả nước thu NSNN đạt 941,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán (thu ngân sách trung ương đạt 66,4% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt xấp xỉ 67% dự toán), tăng 19,9% so cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, thu nội địa đạt 747,9 nghìn tỷ đồng, bằng 63,6% dự toán, tăng 16,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 đạt 56,7% dự toán, tăng 14,8%). Có 10/12 khoản thu và nhóm khoản thu nội địa tiến độ thu đạt khá so dự toán (trên 55%), còn 02 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (48% dự toán) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nướ (40,5% dự toán).

Có 60/63 địa phương tiến độ dự toán thu nội địa đạt trên 50% dự toán, trong đó 47 địa phương đạt trên 58% dự toán; 45 địa phương thu cao hơn cùng kỳ; 03 địa phương tiến độ thu dự toán đạt thấp là Cao Bằng đạt 40,6%; Sơn La đạt 44,9%; Lai Châu ước đạt 47,2%.

Thu từ dầu thô đạt 35,4 nghìn tỷ đồng, bằng 125,6% dự toán, tăng 87,2% so với cùng kỳ, giá dầu bình quân 6 tháng đạt khoảng 100,4 USD/thùng, cao hơn 40,4 USD/thùng so với giá dự toán; sản lượng đạt 4,21 triệu tấn, bằng 60,1% kế hoạch.

Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 157,9 nghìn tỷ đồng, bằng 79,4% dự toán, tăng 28,3% so cùng kỳ, trên cơ sở tổng số thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 225,6 nghìn tỷ đồng, bằng 64,1% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 67,7 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán.

Hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng tăng trưởng tích cực; kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá đến ngày 30/6/2022 đạt 371,2 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ.

Về tổng thể tiến độ thu NSNN 6 tháng đầu năm đạt khá, nhưng một số khoản thu và địa bàn tiến độ đạt thấp, nợ đọng thuế có xu hướng tăng; tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, nhất là quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới, diễn biến phức tạp.

Công tác triển khai phân bổ dự toán chi NSNN chậm, nhất là chi Chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ chi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch vốn đầu tư của các bộ, ngành, địa phương; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước (6 tháng mới đạt 8,61% kế hoạch), chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý, mặc dù các kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2022 là rất tích cực, đất nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên trong lẫn bên ngoài, đòi hòi phải tập trung theo dõi, đánh giá, để có những giải pháp ứng phó phù hợp.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả các cấp, các ngành, trong đó có ngành tài chính, các bộ ngành, địa phương phải theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời ứng phó với những diễn biến rất nhanh chóng, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã được Quốc hội đề ra như: Tăng trưởng kinh tế năm 2022 trên 6,5%, kiểm soát lạm phát trong phạm vi 4%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo tiền đề thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn sắp tới.

Thống nhất với đánh giá của các đại biểu về những tồn tại, hạn chế nhận diện tình hình và cơ bản nhất trí với kế hoạch triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện từ nay đến cuối năm. Đó là tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khóa, thuế, phí để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; Khơi thông mọi nguồn lực để đất nước phát triển bền vững; Hiện đại hóa phương thức quản lý thuế, tiết giảm hơn nữa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thuế; Triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên; Quyết tâm điều hành giá theo đúng mục tiêu đề ra; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ.

QN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây