Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại bền vững và hội nhập

Chủ nhật - 21/08/2022 14:00 167 0
Sáng ngày 20/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại bền vững và hội nhập”.


Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành; các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường Cao đẳng nghề Tây Ninh.

Tại hội nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng mạnh đến thị trường lao động thời gian qua.

Tính trong quý II năm 2022, cả nước vẫn còn hơn 8,0 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Trong đó có 0,4 triệu người bị mất việc, chiếm 5,3%; 0,5 triệu người không tìm được việc làm, chiếm 5,7%; 2,2 triệu người phải tạm nghỉ, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 27,6%; 2,4 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ, giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 29,5% và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 81,7%.

So với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp (quý II năm 2022 mới chỉ đạt 26,2%). Trong giai đoạn từ 2015 đến 2020, có 66,7% công nhân lao động có trình độ trung học phổ thông; 80% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được đào tạo nghề (chủ yếu là doanh nghiệp tự đào tạo), 43% công nhân lao động được đào tạo lại, bậc thợ từ 4-7 (có tay nghề cao) là 22,5%; 7,7% công nhân lao động học ngoại ngữ, 7,1% công nhân lao động tin học. Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bình quân hàng năm đào tạo trên 2 triệu lượt người, trong đó gần 70% được tuyển dụng vào các doanh nghiệp, hợp tác xã, số còn lại tự tạo việc làm hoặc tham gia sản xuất nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách và đề án cụ thể về đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân lao động cũng như hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo chuyên môn, kỹ năng, kỷ luật, văn hóa và nâng cao nhận thức cho lực lượng lao động phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp; phối hợp với các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để đào tạo theo "đơn đặt hàng";…

Bên cạnh những ưu điểm, thị trường lao động bộc lộ một số hạn chế như nguồn cung lao động chưa đáp ứng nhu cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập, số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn ít, năng lực cạnh tranh quốc gia thấp, chưa thu hút được đầu tư FDI. Thị trường lao động nước ta đang dư thừa lao động có trình độ, kỹ năng thấp và có sự phát triển không đồng đều, tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế, cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường lao động còn yếu do hệ thống thông tin thị trường lao động chưa đầy đủ…

Trên cơ sở phân tích những ưu điểm, hạn chế cùng nguyên nhân chủ quan, khách quan của thị trường lao động Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến một số giải pháp cụ thể để phát triển thị trường lao động trong thời gian tới.

Cụ thể, cần nâng cao nhận thức về thị trường lao động, tuân thủ quy luật của kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, coi lao động là hàng hóa đặc biệt để có cơ chế, chính sách phù hợp. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hiệu quả, hội nhập quốc tế, nhằm giải phóng triệt để sức sản xuất, tập trung phát triển lao động có kỹ năng, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao.

Nắm bắt nhu cầu, phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm đang là ưu tiên hiện nay như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu.

Chú trọng đầu tư cả về cơ chế chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ địa phương cấp tỉnh, cấp vùng đến toàn quốc, đa lĩnh vực theo ngành nghề có các cấp trình độ khác nhau.

Đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo, tầm nhìn chiến lược, chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường.

Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động…

TT


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây