Tây Ninh tổng kết 5 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở

Thứ sáu - 24/05/2019 14:00 104 0
Sáng ngày 23/5, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức tổng kết 5 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và sơ kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật 6 tháng đầu năm 2019.

Đồng chí Võ Xuân Biên - Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh chủ trì hội nghị.

TK5namthihanhluatHoaGiai.jpg

Các đại biểu tham dự hội nghị

Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Khi luật bắt đầu có hiệu lực, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, cấp huyện và cấp xã tích cực thực hiện công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức phong phú đến với các tầng lớp nhân dân để Luật đi vào thực tiễn cuộc sống, khuyến khích nhân dân lựa chọn hình thức hòa giải ở cơ sở khi có mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra…

Qua thời gian củng cố, kiện toàn, đến năm 2018, tổng số tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn là 549 tổ với 3826 hòa giải viên, đáng chú ý là từ 35 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số vào năm 2014 đến năm 2018 số lượng này là 47 người, góp phần thực hiện hòa giải thành các vụ việc có liên quan người dân tộc thiểu số. Trong 5 năm, số vụ, việc hòa giải thành là 5913 vụ, việc trên tổng số 7370 vụ, việc cần hòa giải, chiếm 80,6% tổng số vụ, việc.

Theo đánh giá, thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương ngày càng đạt chất lượng, hiệu quả, tỷ lệ hòa giải thành ngày càng cao. Nổi bật, Tây Ninh được Bộ Tư pháp đánh giá là một trong những tỉnh có tỷ lệ hòa giải thành cao trong cả nước. Hòa giải viên đã bám sát các quy định của pháp luật và truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc để đưa ra hướng hòa giải hợp tình, hợp lý, thuyết phục được các đối tượng.

Tại hội nghị, Hội Cựu chiến binh tỉnh chia sẻ những kinh nghiệm thực hiện hòa giải thành các vụ việc có sự tham gia của hội viên cựu chiến binh; UBND xã Tân Hà, huyện Tân Châu - trong 5 năm đã thực hiện hòa giải thành 53/60 vụ việc góp phần giải tỏa các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp. Đại diện Tổ hòa giải khu phố 3, phường 1, thành phố Tây Ninh và cá nhân bà Thân Thị Thu Thủy - trưởng ấp và là hòa giải viên của tổ hòa giải ấp suối Ông Đình, xã Trà Vong, huyện Tân Biên với những kinh nghiệm quý, cách làm hay, phương pháp hiệu quả trong thực hiện công tác hòa giải.

Tuy nhiên, việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở vẫn còn một số hạn chế như: vẫn còn một bộ phận hòa giải viên kiến thức pháp luật, phương pháp giải thích còn hạn chế do đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác hòa giải và hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lồng ghép vào quá trình hòa giải; còn có tư tưởng cho rằng công tác hòa giải ở cơ sở là công việc, trách nhiệm của ngành tư pháp cho nên việc phối hợp thực hiện chưa tốt; kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu…

Từ thực tiễn hoạt động, cấp cơ sở đề nghị các ngành, các cấp cần coi trọng công tác hòa giải ở cơ sở và cùng quan tâm nâng cao chất lượng công tác hòa giải, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về công tác hòa giải, trang bị kiến thức ở một số lĩnh vực hay xảy ra tranh chấp như đất đai, hôn nhân gia đình, dân sự để hòa giải viên nắm nâng cao hiệu quả hòa giải; kiến nghị thay đổi mức thù lao cho các hòa giải viên, cung cấp thêm tài liệu tiếp cận cụ thể cho các hòa giải viên thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ.

TK5namthihanhluatHoaGiai1.jpg 

Đồng chí Võ Xuân Biên - Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh phát biểu tại hội nghị

Các kiến nghị này đã được đồng chí Võ Xuân Biên - Phó Giám đốc phụ trách Sở Tư pháp kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tiếp thu, sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện trong thời gian tới. Đồng chí còn đề nghị các tổ hòa giải nên vận động các cá nhân đã từng công tác về hưu, có uy tín, có kiến thức sâu rộng tham gia vào lực lượng hòa giải viên để tăng chất lượng hòa giải viên cũng như nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong thời gian tới.

Ngoài ra, hội nghị cũng thông qua báo cáo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật 6 tháng đầu và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.

TK5namthihanhluatHoaGiai2.jpg

Các tổ hòa giải được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh

Dịp này, 3 tập thể, 11 cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 12 tập thể, 14 cá nhân nhận giấy khen của Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh với thành tích xuất sắc trong 5 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn.

XV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây