Các đề tài khoa học và công nghệ ngày càng mang tính ứng dụng cao

Chủ nhật - 19/05/2019 17:00 159 0
Chiều ngày 17/5, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh tổ chức hội thảo kỷ niệm 40 năm hình thành và phát triển ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh (1979-2019).

hoithao-dtkhcnc.jpg

Các đồng chí lãnh đạo tham dự hội thảo

Đến tham dự có đồng chí Lê Minh Khánh - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ; Đồng chí Nguyễn Minh Tân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đồng chí Lê Thị Bân - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

hoithao-dtkhcnc-1.jpg

Đồng chí Nguyễn Minh Tân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng ngày thành lập ngành

Ngày 04/01/1979, từ Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh, qua thời gian xây dựng, nhiều lần đổi tên, đến năm 2003, Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh chính thức được thành lập cho đến nay, với nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động khoa học và công nghệ, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ.

Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đến nay, có 134 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được tỉnh đã phê duyệt thực hiện (bao gồm các nhiệm vụ cấp tỉnh và các dự án nông thôn miền núi), trong đó có 110 nhiệm vụ đã được nghiệm thu và đưa vào ứng dụng thực tiễn đời sống và xã hội. Tính riêng giai đoạn 2014 đến nay, có 34 đề tài, dự án, hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn ngày càng thiết thực hơn. Lĩnh vực nghiên cứu về khoa học nông nghiệp tập trung chủ yếu vào ứng dụng công nghệ sinh học để đưa nhanh các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao, kéo dài thời gian bảo quản, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn các sở, ban, ngành, huyện triển khai thực hiện và nghiệm thu 52 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở với tổng kinh phí là hơn 6,2 tỷ đồng từ ngân sách sự nghiệp khoa học.

Những đề tài có tính ứng dụng thiết thực điển hình trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, như đề tài “Xây dựng vùng nhân giống lúa tập trung huyện Gò Dầu” đã giúp cho huyện Gò Dầu xác định được các giống lúa triển vọng phù hợp với vùng đất của địa phương; đề tài “Quy trình sản xuất nấm xanh Metarhium anisopliae Sorok phòng trừ rầy nâu hại lúa” đã giúp cho nông dân huyện Bến Cầu tiếp thu được quy trình phòng trừ rầy nâu hại lúa bằng phương pháp sinh học nhằm bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn sinh học cho sản phẩm hay như đề tài “Xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng hiệu quả kinh tế trên vùng đất phèn tỉnh Tây Ninh, “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi bò và canh tác sắn tại các xã vùng đệm Vườn quốc gia Lò gò – Xa Mát”...

Trong phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, trong suốt 40 năm xây dựng phấn đấu và trưởng thành, ngành Khoa học và Công nghệ Tây Ninh đã có bước phát triển vượt bậc, cả về bộ máy tổ chức cũng như nội dung phương thức hoạt động đến hiệu quả của các dự án.

hoithao-dtkhcnc-2.jpg

Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo

Với sự nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức qua nhiều thế hệ ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh nhà đã thể hiện rõ vai trò và đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành cũng chủ động củng cố xây dựng và phát triển đội ngũ khoa học và công nghệ trở thành hạt nhân, từng bước làm chủ khoa học và công nghệ, cũng như huy động nguồn lực xã hội về khoa học và công nghệ trong việc đảm nhận triển khai các đề án phát triển khoa học và công nghệ. Trong giai đoạn đổi mới, hội nhập, ngành cũng đã nỗ lực đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhất là trong những lĩnh vực tỉnh đầu tư phát triển, khơi dậy các tiềm năng lợi thế về kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; Có nhiều đề tài về nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất, trong chế biến trong nông nghiệp, huy động được nhiều nguồn lực của xã hội cùng tham gia. Các đề tài mang tính thực tiễn hơn, có những đề tài không chỉ được công nhận ở cấp tỉnh mà còn ở cấp quốc gia.

Ngành Khoa học và Công nghệ trong 40 năm đã trở thành một lĩnh vực không thể thiếu trong sự phát triển trong giai đoạn hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thể hiện rõ là nơi hội tụ nguồn lực về khoa học và công nghệ một cách đa dạng nhất với nhiều thành phần tham gia. Khẳng định vai trò quan trọng của ngành Khoa học và Công nghệ trong sự phát triển hiện nay, tạo đột phá về kinh tế-xã hội như định hướng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra, lãnh đạo tỉnh tin tưởng Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục là đầu tàu, là nơi hội tụ của nguồn lực khoa học và công nghệ, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học sao cho số lượng tỷ lệ thuận với chất lượng của đề tài.

hoithao-dtkhcnc-3.jpg

Đồng chí Lê Minh Khánh - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ chúc mừng các cá nhân được nhận kỷ niệm chương

hoithao-dtkhcnc-4.jpg

Đồng chí Nguyễn Minh Tân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao bằng khen cho đồng chí Phạm Thị Lan Hương - nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

hoithao-dtkhcnc-5.jpg

Các cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh

Dịp này, có 4 cá nhân được nhận Kỷ niệm chương Vì Sự nghiệp khoa học công nghệ của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch UBNB tỉnh tặng bằng khen cho đồng chí Phạm Thị Lan Hương - nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ và 10 cá nhân khác có nhiều thành tích, đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh nhà.  

Quỳnh Như

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây