Giao ban trực tuyến với Văn phòng Chính phủ về công tác cải cách hành chính: Tây Ninh đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4

Thứ ba - 14/05/2019 17:00 146 0
Chiều ngày 14/5, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương về tình hình, kết quả cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính (TTHC) và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong 4 tháng đầu năm 2019. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì hội nghị.

CCHC140519.JPG 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, chủ trì là đồng chí Trương Văn Hùng - Phụ trách Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh.

 CCHC140519_2.png

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị (nguồn chinhphu.vn)

Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng cải cách thủ tục hành chính, cải thiên môi trường kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo đánh giá tại hội nghị, trong những tháng đầu năm 2019, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 700 quyết định công bố 13.386 TTHC được quy định tại 132 văn bản quy phạm pháp luật để cập nhật, niêm yết tại nơi giải quyết và đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Trong những tháng đầu năm 2019, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận 1.049 phản ánh, kiến nghị (PAKN), đã xử lý 934/1.049 PAKN (đạt 89,03%), còn 115 PAKN đang được xem xét, xử lý. Tây Ninh được đánh giá là một trong những địa phương, đơn vị làm tốt công tác tiếp nhận, trả lời PAKN của doanh nghiệp.

Về cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết số 02/NQ- CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021. Đến hết tháng 4/2019, có 19/23 bộ, cơ quan, 54/63 địa phương ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết này. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, việc cải thiện môi trường kinh doanh đòi hỏi phải có sự "vào cuộc" mạnh mẽ của các bộ, ban ngành và các địa phương với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp mới có thể tạo ra sự thay đổi.

Đến nay, các bộ, ngành đã trình ban hành 29 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 110,6%, vượt 10,6% so với yêu cầu); đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, giúp tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công, tương đương trên 6.300 tỷ đồng.

Triển khai Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay, 100% các Văn phòng Bộ, địa phương đã tiếp nhận nhiệm vụ tổ chức, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo đúng chỉ đạo. Đối với cấp tỉnh, đến nay 53/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Tây Ninh là một trong các địa phương đã nâng cấp cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, đảm bảo thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, 4. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo các danh mục ưu tiên được triển khai tại các Bộ, ngành, địa phương, có khoảng 50% địa phương đã hoàn thành việc cung cấp dịch vụ công ưu tiên này, còn lại đang trong quá trình triển khai.

100% các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản với Trục liên thông văn bản quốc gia, trong đó 95/95 bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã gửi, nhận văn bản điện tử qua hệ thống này; 68/95 bộ, ngành, địa phương đã sử dụng máy chủ bảo mật dùng riêng; 27/95 đơn vị đang sử dụng máy chủ dùng chung do Văn phòng Chính phủ cung cấp. Từ ngày 12/03/2019 đến ngày 10/05/2019 có 28.024 văn bản gửi và 79.684 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

 

 CCHC140519_3.jpg

Đồng chí Trương Văn Hùng - Phụ trách Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh phát biểu về những kết quả đạt được trong hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh

Tại hội nghị, đồng chí Trương Văn Hùng - Phụ trách Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh báo cáo với Chính phủ về kết quả cải cách hành chính tại địa phương, Tây Ninh là tỉnh thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công trước khi có Nghị định 61 của Chính phủ, triển khai thực hiện bộ phận một cửa cấp huyện theo đúng quy định của Nghị định 61. Tây Ninh có kế hoạch cụ thể, chi tiết từng bước triển khai với nhiều thuận lợi. Trong quá trình thực hiện, Tây Ninh đã đưa vào Trung tâm Hành chính công tỉnh ở giai đoạn 1 có 9 sở, ngành có nhiều thủ tục hành chính. Chủ động, linh hoạt trong sắp xếp nhân sự tiếp nhận thủ tục hành chính cho người dân và tổ chức. Hiện nay, Trung tâm hành chính công tỉnh thực hiện thủ tục hành chính của 16 sở ngành với 8 cán bộ công chức trực tiếp tiếp nhận hồ sơ, đồng thời thực hiện luân chuyển người đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, không bị động về con người. Hoạt động của Trung tâm đạt kết quả khả quan với tỷ lệ hồ sơ trễ hạn chỉ xấp xỉ 1% và nhận được sự hài lòng của tổ chức và cá nhân. Năm 2018. Tây Ninh thực hiện nhận hồ sơ thủ tục hành chính qua ứng dụng Zalo với điện thoại thông minh. Tuy nhiên, cần có thời gian tuyên truyền vận động để người dân dần có thói quen thực hiện TTHC qua hình thức này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, với quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo, chính phủ liêm chính, việc thực hiện cải cách hành chính, cải cách TTHC được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, tích cực thực hiện đạt hiệu quả với nhiều mô hình, cách làm hay.

Bộ trưởng chỉ đạo sớm thống nhất về kỹ thuật và phân cấp về địa phương sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia. Với chủ trương các thủ tục hành chính trở thành rào cản thì phải cắt bỏ mà vẫn phải đảm bảo công tác quản lý nhà nước, hướng đến tất cả bộ thủ tục hành chính đều sẽ được số hóa.

Bộ trưởng cũng đề nghị, với mục tiêu cải cách hành chính và cắt giảm điều kiện kinh doanh và các thủ tục liên quan hành chính sẽ đi vào thực chất hơn, làm sao môi trường kinh doanh ở Việt Nam được nâng điểm số và thứ hạng trong năm nay

Về những nhiệm vụ cơ bản trong quý II, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai những nhiệm vụ đã được nêu tại hội nghị, nhất là phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cả hệ thống, sự kiên trì và quyết liệt, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính.

XV


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây