Đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

Thứ hai - 13/05/2019 18:00 88 0
Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của bệnh Dịch tả lợn (heo) Châu Phi, sáng ngày 13/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên cả nước. Đồng chí Trịnh Đình Dũng - Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Cùng tham gia hội nghị còn có các thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

HNTT13-5-19.jpg

Quang cảnh hội nghị ở điểm cầu Tây Ninh

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cùng với sự tham gia của các ban, ngành có liên quan và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đến nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại hơn 60 quốc gia, trong đó nhiều nhất là khu vực các quốc gia Châu Phi, Châu Âu, còn lại là các quốc gia thuộc Châu Mỹ và Châu Á. Khi xảy ra dịch ở Việt Nam, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có nhiều văn bản chỉ đạo, đồng thời tổ chức, nhiều hội nghị, hội thảo để thống nhất các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tính đến ngày 12/5/2019, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là hơn 1,2 triệu con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước). Đáng lưu ý là có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng một xã. Hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước cũng đã xuất hiện bệnh, với tổng số lợn phải tiêu hủy là gần 900 con. Mối nguy cơ cao độ đang diễn ra đối với đàn lợn của tỉnh Tây Ninh vì giáp ranh với tỉnh Bình Phước.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đã nêu 9 bất cập, tồn tại trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua, gồm: công tác chủ động giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời dù đây là công tác có vai trò quan trọng quyết định đến hiệu quả đến của công tác phòng chống dịch bệnh. Việc tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết chưa kịp thời, chưa triệt để; chậm hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy và chưa bố trí kinh phí phòng, chống dịch. Công tác vệ sinh, sát trùng, tiêu độc chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thường xuyên và chưa rộng khắp. Hóa chất được Trung ương hỗ trợ, nhưng không có dụng cụ, bình phun thuốc nên nhiều nơi sử dụng bình phun thuốc trừ sâu, bình tưới cây để phun thuốc tiêu độc khử trùng, dẫn đấn không đảm bảo điều kiện phòng chống dịch bệnh. Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ cũng là một nguyên nhân gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là các địa phương.

Hiện nay, cả nước có 387 cơ sở giết mổ tập trung, trong khi có hơn 27.000 điểm, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Bắc, nhất là các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng không được kiểm soát giết mổ. Tại một số tỉnh, thành phía Nam, việc kinh doanh thịt lợn thông qua chợ đầu mối, sau đó mới tới các hộ bán lẻ và người tiêu dùng, do đó kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Mặt khác, có một số tỉnh, thành phố khác lại chủ yếu buôn bán thịt lợn tại các chợ truyến thống, chợ cóc, chợ tạm, không có phương tiện vận chuyển chuyên dụng, chủ yếu vận chuyển bằng xe máy lại không bao gói nên công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn, gây lây lan dịch bệnh; Nhiều địa phương chưa thực hiện tốt Chỉ thị số 04/CT-TTG ngày 20/02/2019 về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, trong đó có nội dung để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo quốc gia đề nghị các ngành, các cấp, các địa phương tổ chức triển khai quyết liệt hơn nữa, đồng bộ các giải pháp phòng chống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Song song đó, các địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp quan trọng, như: chủ động phát hiện sớm, báo cáo bệnh, công bố dịch bệnh theo đúng quy định; Huy động các lực lượng của địa phương (kể cả công an, quân đội, dân quân…) để tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết kịp thời, triệt để trong vòng 24 giờ theo đúng quy định…

Tại Hội nghị, Lãnh đạo các địa phương nêu nhiều ý kiến phân tích nguyên nhân bệnh lây lan, những kinh nghiệm trong chủ động phòng, chống dịch để hội nghị có thêm những góc nhìn, những thông tin từ thực tiễn ở địa phương. Từ đó, địa phương cũng đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề nhằm ngăn chặn hiệu quả bệnh dịch này.

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhấn mạnh, mặc dù cố gắng nhiều nhưng dịch bệnh đã xảy ra trên diện rộng và nhận định trong thời gian tới, nếu không làm tốt công tác phòng chống, bệnh sẽ tiếp tục lây lan phát triển nhanh rất nhanh theo ba hướng, địa phương đã công bố hết dịch sẽ tiếp tục phát hiện bệnh, lan rộng ra đến vùng chưa có bệnh, đi vào các hộ chăn nuôi lớn. Mặt khác, thời tiết đang diễn biến thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Chính vì thế, Bộ trưởng đề nghị cần sự vào cuộc đồng bộ hơn nữa của cả hệ thống chính trị và cần có những hướng dẫn quy định phù hợp với tình hình mới cùng với những thay đổi trong chỉ đạo của bộ ngành. Với cơ chế tài chính phù hợp nhất, chính sách thu mua thịt sạch để có lương thực sạch dự trữ, giảm tải nguy cơ rủi ro, phòng bất ổn thị trường trong thời gian tới, cùng với những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Bộ trường nhấn mạnh, từng tỉnh phải tổng rà soát phương án ứng phó với dịch các cấp độ để chủ động thực hiện, xác định lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong công tác dập dịch để hạn chế tối đa thiệt hại.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trịnh Đình Dũng - Phó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt trong thực hiện công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua đạt được một số kết quả ở giai đoạn đầu. Nhưng thực tế, đến nay dịch bệnh chưa được kiểm soát hiệu quả, khả năng lây lan tăng cao, khả năng tái phát dịch bệnh chưa được kiểm soát ở những địa phương đã công bố hết dịch. Lại có địa phương chưa chủ động, chưa quyết liệt, thậm chí còn coi nhẹ, còn giao phó cho cơ quan chuyên môn là thú y.


HNTT13-5-19_V2.jpg

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo

Phó Thủ tướng xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch là của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở; cần thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật liên quan đến chăn nuôi, thú y; đề nghị các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia thường xuyên tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương có dịch để kiểm tra, kiểm soát chỉ đạo phòng chống dịch hiệu quả.

Bên cạnh việc đánh giá cao vai trò lãnh đạo tích cực, quyết liệt của Chủ tịch UBND các cấp tỉnh trong công tác phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục chỉ đạo công tác phòng chống dịch, huy động lực lượng tham gia, chủ động giám sát phát hiện xử lý kịp thời dịch bệnh nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan, duy trì củng cố tăng cường của lực lượng thú ý các cấp đặc biệt là cấp xã. Ngoài ra, phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh đi đôi với bảo vệ sản xuất.

Ngay sau hội nghị trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 950/UBND-KTTC của UBND tỉnh ngày 13/5/2019 khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi với những nội dung rất cụ thể, nhất là cần tập trung vào việc kiểm soát nguồn nhập lợn vào tỉnh, kiểm tra các lò giết mổ, nơi chăn nuôi ở các hộ, phòng chống dịch một cách chủ động nhất.

Quỳnh Như


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây