Tiếp và làm việc với đoàn giám sát có đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.
Quang cảnh buổi giám sát
Theo báo cáo của UBND tỉnh, với điều kiện địa hình và tự nhiên, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh không phong phú, chủ yếu thuộc nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng như đá vôi, đất sét làm gạch ngói, đá xây dựng, cuội, sỏi, cát xây dựng, đất san lấp và than bùn, phân bố không đồng đều trên địa bàn tỉnh. Hoạt động khai thác khoáng sản trong tỉnh dưới dạng khai thác quy mô nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu vào loại khoáng sản đất san lấp và cát xây dựng. Diện tích các khu vực khai thác đất san lấp không lớn (nhỏ hơn 10 ha). Cát xây dựng chủ yếu tập trung ở hồ Dầu Tiếng, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông.
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND vào ngày 26/11/2013 phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn đến năm 2020. UBND tỉnh cũng đã xây dựng, công bố Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 tại Quyết định số 3172/QĐ-UBND ngày 26/12/2018. Tổng số khu vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh là 185 khu vực khoáng sản. Trong đó, 3 khu vực đá xây dựng, 39 khu vực cát xây dựng, 9 khu vực khoáng sản đất sét làm gạch ngói, 126 khu vực đất san lấp, 5 khu vực khoáng sản than bùn, 3 khu vực khoáng sản cuội sỏi.
Thẩm quyền quản lý đối với khoáng sản có trên địa bàn được thực hiện theo quy định tại Điều 81 Luật Khoáng sản năm 2010. Theo đó, UBND tỉnh thực hiện cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đối với khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường và than bùn; UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, kiểm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản trên địa bàn, kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép; UBND các xã, phường, thị trấn quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm về khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép ở địa phương theo thẩm quyền; Các sở, ngành chức năng tỉnh hướng dẫn kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Kết quả từ năm 2017 đến 31/3/2019, UBND tỉnh cấp 32 giấy phép thăm dò, 51 giấy phép khai thác. Số tiền đóng góp ngân sách nhà nước trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản của 2 năm 2017 và năm 2018 là hơn 69 tỷ đồng (gồm tiền cấp quyền, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường).
Tính đến nay, khu vực hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh cấp 16 Giấy phép cho 14 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản cát. Song song với việc cấp giấy phép khai thác cát, Tây Ninh có 19 bến thủy nội địa được cấp phép với mục đích xếp dỡ hàng, tập kết cát. Hầu hết các đơn vị hoạt động khoáng sản đều cải tạo, phục hồi môi trường, tuy nhiên, còn một số trường hợp khai thác chưa đúng thiết kế kỹ thuật được phê duyệt về bờ bao, taluy, hàng rào, biển báo nguy hiểm, trồng cây xanh xung quanh khu vực khai thác.
Trong quá trình quản lý, UBND tỉnh đã thu hồi 1 giấy phép bến thuỷ nội địa mà không có giấy phép khai thác khoáng sản, trục xuất 104 tàu (trong đó 82 tàu có trang bị dụng cụ bơm hút cát, nhưng không nằm trong kế hoạch khai thác được cấp phép; 22 tàu dự phòng của các doanh nghiệp) ra khỏi hồ Dầu Tiếng. Sở Tài nguyên và Môi trường kết hợp với Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Tây Ninh bắt 9 vụ, xử phạt 5 vụ với số tiền hơn 156 triệu đồng, tịch thu 129,11m3 cát, 4 vụ đang xác minh, làm rõ. Việc phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để xảy ra lợi ích nhóm đã góp phần chấn chỉnh, răn đe phòng ngừa các hành vi vi phạm, tình trạng vi phạm giảm nhiều so với trước đây.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 28 đợt thanh tra, kiểm tra đối với 91 tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Kết quả, có 18 đơn vị vi phạm, UBND tỉnh và Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 18 trường hợp, với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Thị Hiếu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình các ý kiến của thành viên đoàn
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tỉnh còn phối hợp cùng với các tỉnh, thành phố trong khu vực và giáp ranh ký kết quy chế phối hợp, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, bảo vệ tài nguyên khoáng sản của tỉnh và vùng lân cận.
Qua khảo sát thực tế tại các một số mỏ trên địa bàn và làm việc với UBND 7 huyện (Tân Châu, Châu Thành, Trảng Bàng, Dương Minh Châu, Gò Dầu, Bến Cầu và Tân Biên) về công tác quản lý trong khai thác khoáng sản, các thành viên đoàn giám sát đã đặt ra nhiều vấn đề về quy định phân cấp, phân quyền quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn đối với UBND các cấp, các sở, ngành liên quan; cơ chế phân bổ nguồn thu từ hoạt động khoáng sản; mức độ đầu tư hạ tầng công cộng tại các địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản.
Đồng chí Lý Hồng Sinh - Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu ý kiến
Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, công tác quản lý được UBND tỉnh thực hiện khá tốt, tỉnh đã thấy những bất cập và đã có những biện pháp khắc phục nhất là công tác quy hoạch. Với quy hoạch mới được thông qua, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng tham mưu, không phải nơi nào có trong quy hoạch đều được cấp phép khai thác để siết chặt quản lý. Tỉnh đã không cấp mới dự án nuôi trồng thủy sản hạ cấp đất, tiến hành rà soát từng trường hợp cụ thể, xử lý nghiêm nếu thực hiện sai mục đích. UBND tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra giám sát quyết liệt, đóng cửa mỏ sau khi kết thúc dự án.
Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu giải trình rõ hơn công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh
Tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, đã ban hành quy chế xác định trách nhiệm của từng ngành, địa phương trong quản lý hồ Dầu Tiếng. Về công tác kiểm tra, phía Tây Ninh làm tốt nhưng công tác phối hợp với hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước trong kiểm tra, giám sát chưa tốt, còn tình trạng khai thác xảy ra ở vùng giáp ranh. Tây Ninh thực hiện rất quyết liệt các giải pháp. Lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng để thực hiện hiệu quả công tác quản lý nói chung, phần nhiều do sự tự giác của doanh nghiệp, tiếp theo là đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết hợp kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. UBND tỉnh sẽ có cuộc họp với các ngành, giao trách nhiệm cụ thể hơn, với những giải pháp, hạn chế tối đa vi phạm, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu ghi nhận những đánh giá của UBND tỉnh về những mặt được và chưa được cùng những giải pháp trong thời gian tới. Thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai và xây dựng các văn bản triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn, trong quá trình điều hành đã có những văn bản chỉ đạo kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy giữa việc triển khai và nhận thức, ý thức chấp hành của các doanh nghiệp và sự hiểu biết tham gia của cộng đồng dân cư trong việc đảm bảo thực thi những quy định của pháp luật còn bất cập. Do đó, đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đổi mới phương thức và triển khai văn bản quản lý điều hành, đặc biệt là triển khai đến các cấp, các ngành rõ việc hơn, đến tận cộng đồng dân cư để cùng tham gia giám sát. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đề nghị nên công khai thông tin dự án tại nơi khai thác để tăng cường giám sát; có sự phân công trách nhiệm của các cấp, các ngành bởi qua khảo sát cho thấy các huyện, các xã chưa rõ trách nhiệm của mình; có sự phân công cụ thể của các cấp các ngành cùng cơ chế phối hợp quản lý nhà nước, nhất là trong giải quyết, các vấn đề phát sinh.
Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh cần có kế hoạch triển khai nghị quyết của HĐND tỉnh về khoáng sản, đặc biệt là có kế hoạch trong khai thác khoáng sản làm cơ sở để cấp phép, cấp sản lượng nhằm kiểm soát được nguồn khoáng sản và cung cấp vật tư cho xây dựng, hạn chế trường hợp cấp phép trong trường hợp cấp bách. Cơ quan chuyên môn khẩn trương tham mưu UBND tỉnh quy định trình tự, thủ tục, cơ sở thực hiện đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản nhằm tăng tính công khai, minh bạch, tạo công bằng giữa các chủ thể trong tham gia đấu giá. Tăng cường kiểm tra giám sát việc chấp hành các thủ tục, điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các giấy phép khai thác; tăng cường bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản, kiên quyết đóng cửa mỏ sau khi kết thúc dự án….
XV