Bộ Tài chính hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công

Thứ năm - 16/05/2019 16:00 101 0
Sáng ngày 16/5, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đánh giá tình hình triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sau một năm đi vào thực hiện. Đồng chí Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính chủ trì tại điểm cầu Hà Nội. Điểm cầu tỉnh Tây Ninh được tổ chức tại phòng họp Kho bạc Nhà nước tỉnh, đồng chí Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, cùng với sự tham dự của các sở có liên quan.
HNTT-boTC.jpg

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, dù thời gian triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa lâu nhưng với tính chất quan trọng của Luật cần có đánh giá kịp thời để có cách thức triển khai thực hiện hiệu quả hơn. Các văn bản hướng dẫn đã được ban hành tương đối đồng bộ, với việc triển khai, tập huấn nghiệp vụ cho các bộ, ngành trung ương, địa phương, cùng với việc đi kiểm tra hướng dẫn tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công được thực hiện nghiêm túc, có kết quả bước đầu quan trọng. Từ thực tiễn áp dụng, cho thấy việc phân cấp quản lý tài sản công cần được thực hiện mạnh hơn nữa để các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện. Một số quy định trong các văn bản hướng dẫn cũng cần nêu rõ hơn về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, đặc biệt là sắp xếp nhà đất thuộc khối doanh nghiệp nhà nước; ban hành tiêu chuẩn định mức tài sản chuyên dùng; sắp xếp cơ sở nhà đất của cơ sở hành chính sự nghiệp, sự nghiệp công,.. có biện pháp quản lý và giám sát chặt chẽ để đảm bảo thực hiện đúng mục đích, đạt hiệu quả, phòng tránh thất thoát tài sản của nhà nước.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21/6/2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được thực hiện một cách chủ động, đồng bộ. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 26 văn bản, gồm 14 nghị định, 1 nghị quyết của Chính phủ, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 8 thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã chủ trì trình cấp có thẩm quyền ban hành 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 4 thông tư hướng dẫn. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng quản lý chặt chẽ, sử dụng, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ tài sản công.

Các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, phổ biến, tập huấn các nội dung của Luật đồng thời rà soát các văn bản có liên quan để sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc ban hành quy định về phân cách trong quản lý tài sản công theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, tạo được sự thông suốt, chủ động cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương đã triển khai việc xây dựng, tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng và diện tích chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp trong cơ sở hoạt động sự nghiệp. Tây Ninh được đánh giá là một trong những địa phương đã ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng. Các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý tài sản công đã thực hiện việc mở tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước để quản lý số tiền thu được từ xử lý tài sản công theo quy định; cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công theo quy định.

Về tình hình thực hiện Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, sau hơn một năm thực hiện cho thấy những ưu điểm như trình tự thủ tục thực hiện sắp xếp, xử lý nhà, đất đã đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ, rõ ràng góp phần cải cách thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, quá trình áp dụng thực tiễn, đã có những hạn chế như Nghị định chưa bao quát hết đối tượng, cơ chế phân cấp thẩm quyền quyết định xử lý nhà, đất còn chưa hợp lý; việc triển khai quyết định của từng hình thức xử lý nhà, đất có những bất cập. Một số quy định được ban hành chưa thực sự đảm bảo đáp ứng với thực tiễn đã được các bộ, ngành, địa phương phản ánh cần phải sửa cho phù hợp, như việc quản lý, sử dụng, khai thác các cơ sở nhà, đất do các công ty quản lý, kinh doanh nhà được giao quản lý; việc quản lý, sử dụng, khai thác các loại tài sản kết cấu hạ tầng mà Chính phủ chưa có nghị định quy định cụ thể như chợ, công viên, khu vui chơi…

Từ những cơ sở đó, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện Nghị định về việc thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao, trình Chính phủ ban hành trong tháng 5/2019. Rà soát các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm quy định chi tiết đầy đủ các nội dung được giao trong Luật; báo cáo Chính phủ bổ sung, sửa đổi Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Nghị định 151/2017/NĐ-CP, ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị trung ương và địa phương từ những khó khăn vướng mắc từ thực tiễn triển khai ở địa phương, cơ sở. Luật đã đi vào cuộc sống góp phần quan trọng trong thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài sản công của nhà nước hiệu quả hơn, chặt chẽ hơn. Tuy nhiên cũng có những khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu cho các cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như cách thức quản lý cho phù hợp.

Lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm tiếp tục triển khai thực hiện tiếp tục rà soát để hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý liên quan đến hướng dẫn về Luật quản lý và sử dụng tài sản công, tạo cơ sở thực hiện thống nhất. Một số địa phương chưa hoàn thành các nội dung đã được liệt kê cần nhanh chóng thực hiện tạo cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả; thống kê đánh giá tình hình quản lý sử dụng tài sản công của bộ, ngành, địa phương thuộc phạm vi quản lý và xây dựng phương án xử lý sắp xếp cơ sở nhà, đất của bộ, ngành, địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác quản lý sử dụng cơ sở nhà, đất. Điều quan trọng là cần tạo sự thống nhất quan điểm tư tưỏng và hành động nhằm quản lý tài sản công thật sự có hiệu quả, phát huy nguồn lực tài chính quốc gia để đem lại những hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

XV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây