Vụ khiếu nại của ông Nguyễn Văn Nở (Thành phố Tây Ninh): Đất Giếng Mạch có phải là đất công ?

Chủ nhật - 13/07/2014 00:00 100 0
“Toà cho rằng Công văn 767 chỉ là văn bản trả lời, không thể kiện, vậy mà Toà lại lấy làm căn cứ để xét xử, thật phi lý”.

 

Ông Nở bức xúc vì toà án trả lại đơn kiện.

Báo Tây Ninh số ra ngày 23.6.2014 có bài viết về phiên xét xử tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa ông Nguyễn Văn Nở và gia đình bà Khưu Hoà Cầm do thẩm phán Nguyễn Thị Bích Thuỷ làm chủ toạ phiên toà. Tại phiên xét xử, luật sư Võ Tùng Quân– người bảo vệ quyền lợi cho ông Nở cho rằng để xét xử vụ án được khách quan, đúng pháp luật, HĐXX cần làm rõ nguồn gốc đất của gia đình bà Cầm, nguồn gốc đất của bà Lê Thị Năm đã được chính quyền Thị xã trước đây xác định. Bên cạnh đó, luật sư Quân cũng cho rằng việc “cắt khúc” sự việc, đương nhiên thừa nhận QSDĐ của gia đình bà Cầm, rồi chỉ xem xét việc sang nhượng đất của ông Nở là trái pháp luật thì sẽ không làm rõ bản chất vụ án. Sau ý kiến của luật sư, HĐXX đã nghị án và không tuyên án ngay vì vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.

Ngày 24.6.2014, thay mặt HĐXX, thẩm phán Nguyễn Thị Bích Thuỷ đã tuyên buộc vợ chồng ông Nở có trách nhiệm trả lại QSDĐ cho gia đình bà Cầm 385m2 toạ lạc tại khu phố 4, phường 2, thành phố Tây Ninh. Một trong những cơ sở cho quyết định trên là căn cứ vào Công văn số 767/UBND ngày 23.8.2013 của UBND Thị xã (nay là TP.Tây Ninh) do Phó Chủ tịch UBND Thị xã Nguyễn Nam Hưng ký thay Chủ tịch UBND Thị xã. Trước khi vụ án này được đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2, ngày 3.4.2013, TAND tỉnh Tây Ninh gửi văn bản đến UBND Thị xã đề nghị UBND Thị xã cho biết căn cứ nào để xác định phần đất tranh chấp giữa bà Cầm và ông Nở là đất công, nên UBND Thị xã mới có công văn trên. Theo công văn của UBND Thị xã (nguyên văn): “Căn cứ vào hồ sơ địa chính được lưu trữ tại Văn phòng đăng ký QSDĐ trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường Thị xã thì phần đất tranh chấp giữa bà Cầm và ông Nở không thể hiện là đất công. UBND Thị xã không có căn cứ để xác định phần đất tranh chấp nêu trên là đất công”.

Cũng cần nhắc lại sơ lược nội dung vụ tranh chấp này trước đây để hiểu rõ hơn về Công văn số 767/UBND của UBND Thị xã. Theo ông Nở, vào năm 1954 vợ chồng bà Lê Thị Năm đến Tây Ninh lập nghiệp tại khu đất Giếng Mạch. Năm 1975, bà Năm kê khai đăng ký đất và được UBND Thị xã cấp giấy chứng nhận đã đăng ký ruộng đất số 30 ngày 28.8.1991. Thời gian này, bà Năm sống với con là ông Võ Thái Hoà. Năm 1993, ông Hoà sang nhượng phần đất ao phía sau nhà bà Năm. Năm 1995, bà Năm mất. Năm 2000, ông Hoà tiếp tục sang nhượng phần đất phía trước (có nhà tole) nhưng không làm thủ tục sang nhượng đất theo quy định. Thời gian này, cả gia đình bà Cầm và gia đình bà Năm không ai ngăn cản hoặc tranh chấp. Năm 2003, bà Cầm kiện ông Nở đòi lại đất, với lý do đất trên do gia đình bà Cầm cho bà Năm mượn. Lúc này ông Nở mới biết UBND Thị xã đã cấp giấy CNQSDĐ cho bà Cầm với diện tích 285m2 vào ngày 12.12.2002, nên ông Nở khiếu nại. Sau đó, Chủ tịch UBND Thị xã Trương Văn Đúng ban hành Quyết định số 107/QĐ-CT thu hồi giấy CNQSDĐ cấp cho bà Cầm với lý do “cấp chưa chuẩn xác”. Ông Nở vẫn không đồng ý nên khởi kiện yêu cầu huỷ quyết định trên của UBND Thị xã. Bản án số 01/HCST ngày 11.5.2004 không huỷ Quyết định 107 của UBND Thị xã nhưng chấp nhận việc UBND Thị xã thu hồi giấy CNQSDĐ của bà Cầm. Tại bản án này, ông Hoà thừa nhận bán cho ông Nở 1 ngôi nhà và phần đất trị giá 200 chỉ vàng 24K và yêu cầu UBND Thị xã cấp giấy CNQSDĐ cho ông Nở. Sau đó, ông Nở làm đơn yêu cầu UBND Thị xã cấp giấy CNQSDĐ cho ông, nhưng không được xem xét với lý do bà Cầm kiện ông Nở đòi lại đất.

Trong thời gian này, UBND Thị xã đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn làm rõ nguồn gốc khu đất trên. Ngày 22.10.2004, UBND phường 3 họp lấy ý kiến các cô bác lớn tuổi để xác định nguồn gốc khu đất Giếng Mạch. Biên bản kết luận: “Đất khu Giếng Mạch có hình tam giác cánh buồm, một cạnh giáp quốc lộ 22, một cạnh giáp đất ông Cao Văn Sang, một cạnh giáp đất ông Chín Đá. Hiện nay là con đường xe xuống quán Nhà Tôi. Người Pháp đã xây dựng Giếng Mạch tại khu đất này rất lâu. Quá trình nhiều năm, người dân đến tự cất nhà ở và sang nhượng lại cho những người ở sau như hiện trạng hôm nay. Đây là khu đất công mang tên Giếng Mạch có từ hồi người Pháp chiếm đóng”.

Ngày 14.4.2005, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Thị xã là ông Lê Văn Linh có Văn bản số 35/P.TN&MT gửi ông Nở nêu rõ (nguyên văn): “Qua xác minh, thẩm tra hồ sơ khiếu nại xin cấp giấy CNQSDĐ của ông Nở, các ông bà lớn tuổi sống lâu năm tại khu vực khu phố 4, phường 3, Thị xã Tây Ninh cho biết vị trí đất của ông Nở có nguồn gốc là đất công, trước đây là Giếng Mạch, Phòng Tài nguyên & Môi trường đã báo cáo UBND Thị xã”.

Sau khi nhận được báo cáo của phòng chuyên môn, ngày 31.3.2005, ông Nguyễn Hồng Quang– Phó Chủ tịch UBND Thị xã ký công văn gửi UBND tỉnh, Sở VH-TT đề nghị khôi phục và bảo tồn địa danh Giếng Mạch. Trong văn bản này nêu rõ (nguyên văn): “Căn cứ vào kết quả xác minh và các tài liệu liên quan thu thập được tại hồ sơ thì được biết khu đất này có nguồn gốc là khu đất Giếng Mạch, có từ thời Pháp thuộc do Quân đội Pháp xây dựng để cung cấp nước phục vụ cho quân đội Pháp và nhân dân trong khu vực làng Hiệp Ninh. Khu vực này có một khoảnh đất trống. Năm 1960, bà Lê Thị Năm đến bao chiếm, cất nhà trên diện tích khoảng 285m2…”.

Tiếp theo, ngày 5.7.2005, trong Văn bản số 307/UBND do Chủ tịch UBND Thị xã ký gửi ông Nở cũng nêu rõ (nguyên văn): “…Hai thửa đất này nằm trong khu vực Giếng Mạch là đất công do làng Hiệp Ninh quản lý trước đây và các hộ tự bao chiếm cất nhà ở…”.

Trong thời gian TAND Thị xã đang xem xét tranh chấp đất giữa bà Cầm và ông Nở, ngày 6.3.2006, ông Nguyễn Hồng Quang– Phó Chủ tịch UBND Thị xã cũng đã ký Văn bản số 73/UBND gửi TAND Thị xã nêu rõ, Căn cứ vào Khoản 1, 3 Điều 48 Nghị định 181/2004/NĐ-CP và quy hoạch sử dụng đất của Thị xã, thì UBND Thị xã xác định khu vực đất bà Lê Thị Năm được quy hoạch làm khu dân cư. Tuy nhiên, UBND Thị xã cũng cho biết, do chưa có quy hoạch hoặc quyết định thu hồi thửa đất trên để khôi phục bảo tồn, gìn giữ địa danh Giếng Mạch, vì vậy vẫn để cho gia đình bà Lê Thị Năm tiếp tục sử dụng.

Những văn bản “tên đề, dấu đóng” của UBND Thị xã nêu trên đều xác định trước đây đất bà Năm bao chiếm sinh sống là đất công, thì căn cứ đâu để gia đình bà Cầm tranh chấp, nói là “cho mượn”? Rồi đến hôm nay, Phó Chủ tịch UBND TP.Tây Ninh lại cho là “không có căn cứ” là đất công để toà án tuyên ông Nở phải giao đất lại cho bà Cầm (?!)

Theo luật sư Võ Tùng Quân, đáng lẽ ra UBND Thành phố, TAND Thành phố cần làm rõ nguồn gốc đất của gia đình bà Cầm, gia đình bà Năm rồi mới đủ cơ sở quyết định chấp nhận việc gia đình bà Cầm kiện đòi đất ông Nở. Theo ông Quân, vụ án này chỉ có thể xem xét việc tranh chấp QSDĐ giữa gia đình bà Năm và ông Nở mới phù hợp quy định pháp luật.

Được biết, do công văn của UBND Thành phố ảnh hưởng quyền lợi của mình nên ngày 8.7.2014, ông Nở nộp đơn khởi kiện vụ án hành chính tại TAND Thành phố yêu cầu huỷ Công văn số 767 của UBND thành phố Tây Ninh. Tuy nhiên, TAND Thành phố cho rằng công văn đó chỉ là văn bản trả lời theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức bổ sung cung cấp hồ sơ… nên không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính, từ đó Toà án trả lại đơn kiện cho ông Nở.

“Toà cho rằng Công văn 767 chỉ là văn bản trả lời, không thể kiện, vậy mà Toà lại lấy làm căn cứ để xét xử, thật phi lý” – ông Nở bức xúc.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây