Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022

Thứ sáu - 23/09/2022 15:00 198 0
Chiều ngày 22/9, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 9 năm 2022 nhằm đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, thực hiện thu chi ngân sách nhà nước 9 tháng và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2022. Hội nghị được trực tuyến đến các điểm cầu huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.


Quang cảnh hội nghị


Các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội nghị

Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Đức Trong, Dương Văn Thắng và Trần Văn Chiến.

Tham dự có hội nghị đồng chí Nguyễn Thanh Phong - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.


Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Ngọc Phương thông qua kết quả tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội 9 tháng

Theo UBND tỉnh, trong 9 tháng, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã phát huy hiệu quả. Nông nghiệp của tỉnh phát triển ổn định. Công nghiệp và dịch vụ phát triển mạnh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 20,1%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng 30%, doanh thu du lịch tăng 137%. Vốn huy động của các tổ chức tín dụng tăng 21,4%; thu hút đầu tư trong nước tăng 53,9%.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 4,9 tỷ USD, đạt 92,4% so với kế hoạch, tăng 31,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 4,5 tỷ USD, đạt 92,2% so với kế hoạch, tăng 23,5% so với cùng kỳ.

Tổng doanh thu du lịch 1.235 tỷ đồng, đạt 95% so kế hoạch, tăng 137% so cùng kỳ; với hơn 4,1 triệu lượt khách tham quan tại các khu, điểm du lịch, tăng 179% so cùng kỳ, tăng 33,5% so kế hoạch.

Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 8.744 tỷ đồng, đạt 87,3% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa 7.470 tỷ đồng, đạt 85,7% so dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương là 7.929 tỷ đồng, đạt 76,3% dự toán.


Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh

Công tác giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt, tỉnh Tây Ninh đứng thứ 4 trong nhóm 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2022 là 4.165,829 tỷ đồng. Ước giải ngân đến 30/9/2022 được hơn 2.610 tỷ đồng, đạt 73,08% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 62,76% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Công tác phòng, chống dịch Covid-19, tiêm vắc xin được chú trọng. Tỉnh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao ý nghĩa, an toàn. Hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi với hình thức trải nghiệm đa dạng, phong phú, thu hút du khách. Chính sách hỗ trợ tín dụng đã góp phần giúp các hộ thoát nghèo và tăng thu nhập; thực hiện kịp thời các chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu tại hội nghị

Sau khi đề nghị bổ sung thêm một số nội dung để làm rõ hơn kết quả đạt được trong 9 tháng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến đề nghị, tới đây, ngành Tài nguyên và Môi trường phải triển khai sâu rộng hơn về Luật Bảo vệ môi trường nhằm tuyên tuyền đến các tầng lớp nhân dân, đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra về ô nhiễm môi trường. Các địa phương cũng cần tập trung làm công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng đề nghị các đơn vị, địa phương cần xác định giải ngân vốn xây dựng cơ bản là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng; bởi, giải ngân tốt sẽ có tăng trưởng tốt về kinh tế, giải ngân thấp sẽ ảnh hưởng đến việc phục hồi nói chung. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương giải ngân thấp cần kiểm tra rà soát lại từng dự án, tìm ra nguyên nhân đưa ra giải pháp chấn chỉnh khắc phục hiệu quả nhất, nâng cao tỷ lệ giải ngân theo mục tiêu đề ra.

Với tín hiệu khả quan, thu ngân sách 9 tháng đạt trên 87%, cao nhất nhiều năm nay, khả năng hoàn thành và vượt dự toán đề ra của năm nay là hoàn toàn có cơ sở, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương, sở, ngành phối hợp tính toán xây dựng kịch bản, phương án sử dụng nguồn vượt thu phục vụ cho công tác phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung hoàn thành đúng tiến độ quy hoạch tỉnh làm cơ sở xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh, Tây Ninh đang có những bước phục hồi kinh tế khả quan trên các lĩnh vực, nhất là du lịch, thu ngân sách với trên 50% địa phương, mới 9 tháng, đã thu vượt kế hoạch; thu hút đầu tư trong nước tăng trưởng cao, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 26%...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung sự phục hồi kinh tế còn chậm, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thu hút đầu tư nước ngoài giảm. Công trình trọng điểm triển khai chậm so yêu cầu đề ra; tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án chậm; việc thiếu thuốc còn diễn ra ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh, tiêm vắc xin đạt cao nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số chuyển biến chưa nhiều…

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương cần đánh giá nguyên nhân cả khách quan và chủ quan để đưa ra giải pháp khắc phục trong đó có nguyên nhân, một số cấp ủy chính quyền chưa thật sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nỗ lực, quyết tâm cao nhất phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra của năm 2022 góp phần đạt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra.

Bên cạnh đó, để bảo đảm việc phục hồi kinh tế, trước hết cần tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện tiêm vắc xin mũi tăng cường và các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết. Tập trung hoàn thành đúng tiến độ quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan mà tỉnh đang triển khai để năm 2023 làm cơ sở xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư. Tiếp tục thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, phấn đấu thu ngân sách đạt và vượt dự toán năm đề ra, tạo nguồn thu chi đầu tư phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần huy động cả hệ thống chính trị tháo gỡ khó khăn thúc đẩy công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thực hiện các dự án trọng điểm, như cảng Hưng Thuận, giai đoạn 3 KCN Phước Đông… Đồng thời, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, các địa phương, đơn vị cần quan tâm hơn nữa đến công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện các chỉ số hành chính của địa phương tạo tiền đề đến năm 2023 - năm chuyển đổi số, đạt được những kết quả cao hơn.

Quỳnh Như


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây