Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát Sở Tài nguyên và Môi trường về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thứ sáu - 25/03/2022 11:00 131 0
Chiều ngày 24/3, đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - Trưởng Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các thành viên của Đoàn có buổi làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.


Quang cảnh buổi giám sát

Tiếp và làm việc với Đoàn giám sát, có đồng chí Kiều Công Minh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), các Phó Giám đốc Sở và lãnh đạo các đơn vị liên quan.


Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Quang Sang báo cáo với Đoàn giám sát

Theo báo cáo của Sở TNMT, trong giai đoạn 2016-2020, đơn vị đã quan tâm thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Việc quản lý, sử dụng kinh phí và thực hiện các quy chế trong hoạt động cơ quan luôn gắn với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các quy định của Luật ngân sách nhà nước từ khâu lập dự toán đến chấp hành và quyết toán ngân sách đã thực hiện nghiêm túc.

Việc quản lý, sử dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị làm việc luôn tuân thủ đúng quy định. Việc mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị làm việc được thực hiện theo đúng quy định, tiêu chuẩn, định mức.

Giai đoạn 2016-2021, Sở TNMT được giao dự toán kinh phí chi thường xuyên 380.612 triệu đồng, thực hiện giải ngân 331.779 triệu đồng, ước đạt bình quân 87% dự toán giao. Kinh phí thừa chủ yếu là kinh phí sự nghiệp thực hiện công tác đo đạc, lập bản đồ, lập hồ sơ địa chính, kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường thực hiện các dự án, các hoạt động bảo vệ môi trường, mua sắm trang thiết bị các trạm quan trắc môi trường tự động.

Về cơ cấu tổ chức, trong giai đoạn 2016-2021, Sở TNMT có 03 đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước (gồm Khối Sở, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Chi cục Quản lý đất đai) và 04 đơn vị sự nghiệp (gồm Trung tâm Công nghệ thông tin TNMT, Văn phòng đăng ký đất đai, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Trung tâm quan trắc TNMT). Tất cả các đơn vị thuộc Sở đều được giao quyền tự chủ về tài chính theo quy định hiện hành. Việc giao quyền tự chủ kinh phí tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động trong sử dụng kinh phí, xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ theo quy định, tiết kiệm kinh phí trong mọi hoạt động để góp phần tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, người lao động thuộc quyền quản lý.

Đến nay, Sở TNMT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành hoặc trình HĐND tỉnh ban hành 47 văn bản quy định về lĩnh vực quản lý đất đai, thuộc thẩm quyền của địa phương. Nhìn chung, Sở đã thực hiện, tuân thủ các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai theo quy định của Trung ương, của tỉnh ban hành.


Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Thị Thanh Thúy góp ý kiến


Phó Chánh Thanh tra tỉnh Trương Văn Dễ góp ý kiến

Các thành viên Đoàn giám sát đặt ra một số vấn đề, như: khi xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai, sau thanh tra kiểm tra tiến độ xử lý như thế nào; sau khi sắp xếp bộ máy đã giảm được gì, tiết kiệm ra sao; đề nghị tăng cường bồi dưỡng kỹ năng về chuyên môn của ngành. Chấp hành pháp luật về khai thác khoáng sản có ảnh hưởng đến môi trường; hiệu quả của Quỹ phát triển đất…


Đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kết luận buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của Sở TNMT trong thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thật sự đã có những chuyển biến trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, có nhiều cố gắng trong tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, khoáng sản tạo hành lang pháp lý góp phần đảm bảo mục tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hằng năm, Sở đều có ban hành chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện nội dung này.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng chỉ ra những hạn chế, như việc tham mưu phê duyệt kế hoạch sử dụng đất chậm, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai để quản lý thống nhất giữa tỉnh, huyện chậm, chưa đưa vào khai thác gây lãng phí; việc sắp xếp đất của các công ty nông lâm trường chưa dứt điểm do chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa sở, ngành tỉnh với cấp huyện, dẫn đến lãng phí về nguồn lực đất đai. Một số tài sản của nhà nước, doanh nghiệp nhà nước gắn liền với đất, bỏ không lãng phí nhiều năm.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Sở cần rút kinh nghiệm khắc phục những hạn chế mà đoàn đã chỉ ra; cần chủ động, linh hoạt phối hợp với các cơ quan để tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất sớm nhất, tạo thuận lợi cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; khắc phục tình trạng cấp giấy chứng nhận đất trùng thửa, nhầm thửa; đồng thời thực hiện đẩy nhanh xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai với việc ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát đảm bảo thực hiện các quy trình thủ tục, cải cách hành chính… để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Nhã Khôi


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây