Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường làm việc tại Tây Ninh

Thứ năm - 02/03/2023 09:00 205 0
Sáng ngày 01/3, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường (KH-CN&MT) do Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh khảo sát thực tế, phục vụ công tác thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Quang cảnh buổi làm việc

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong tiếp và làm việc với Đoàn công tác. Cùng tham dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Phong.

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, hiện nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 7 doanh nghiệp viễn thông triển khai hạ tầng và truyền hình cáp bao gồm: VNPT, Viettel, MobiFone Vietnamobile, Gtel mobile, FPT và VTVcab.

Toàn tỉnh có 2.010 trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS); 17.172 km cáp viễn thông, trong đó có 2.018 km cáp ngầm. Tỷ lệ phủ rộng mạng băng rộng cố định và tỷ lệ phủ sóng di động 3G/4G đạt 100% toàn tỉnh. Tỉnh cũng đang triển khai thí điểm hệ thống wifi công cộng miễn phí phục vụ nhu cầu truy cập thông tin của người dân, phục vụ mục tiêu phát triển chính quyền số, chuyển đổi số, cũng như phát triển du lịch của tỉnh. Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung hạ tầng để giảm chi phí trong đầu tư. Tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh hiện đạt khoảng 32%.

Hiện nay, tỉnh đang gặp một số hạn chế, khó khăn ảnh hưởng đến việc phát triển hạ tầng viễn thông như đất xây dựng công trình viễn thông phải đảm bảo đúng mục đích sử dụng. Đa số hạ tầng kỹ thuật ngầm đầu tư đã lâu, không đáp ứng đủ khả năng dùng chung của nhiều đơn vị, trong khi đó, kinh phí ngầm hóa rất cao không mang lại hiệu quả về mặt kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trước đó, Đoàn công tác có buổi làm việc với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh và cơ bản thống nhất với nội dung của dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), trong đó có việc điều chỉnh bổ sung chính sách về kinh doanh trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây; chính sách về quản lý dịch vụ ứng dụng internet trong viễn thông; chủ trương đưa quy định về dịch vụ bán buôn để quản lý đối với các doanh nghiệp lớn, quy định về hệ thống cấp phép.

UBND tỉnh cũng thống nhất với những đề xuất, kiến nghị mà các doanh nghiệp nêu ra với đoàn tại buổi khảo sát và đặt thêm một số vấn đề, trong đó nhiều ý kiến đề cập đến quy định về quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động; sử dụng đất công trong lắp đặt trạm BTS; quản lý tài nguyên kho số kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư…

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Tấn Đức cho biết, việc chia sẻ hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh thực hiện rất thuận lợi. Quy hoạch của ngành thông tin truyền thông đã được tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh và đề xuất cần có một đơn vị độc lập thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm hóa hệ thống viễn thông theo hướng xã hội hóa.

Các đại biểu cũng thống nhất đề nghị giữ nguyên quy định về Quỹ viễn thông công ích nhưng thay đổi phương thức vận hành, sử dụng nhằm đem lại hiệu quả hơn, phục vụ tốt cho công cuộc chuyển đổi số hiện nay.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong nhấn mạnh, để dự án luật đi vào cuộc sống và đảm bảo thực thi một cách toàn diện, những vấn đề cơ bản nhất phải được điều chỉnh trong luật và đề nghị cân nhắc quy định việc đặt các điểm dịch vụ công cộng, mà cụ thể là khoản 1 điều 65 của dự thảo luật.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn  phát biểu tại buổi làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đánh giá cao sự phối hợp, chia sẻ hạ tầng kỹ thuật giữa các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh, đồng thời tiếp thu những góp ý của lãnh đạo tỉnh và sẽ cùng với cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại cách diễn đạt nội dung trong luật để tạo sự thống nhất trong cách hiểu.

Được biết, dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) có 11 chương 79 điều, dự kiến sẽ được trình tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5 tới đây.

TT

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây