Đẩy mạnh triển khai công tác phòng, chống dịch tả heo Châu Phi - Không quay lưng với thịt heo sạch.

Thứ sáu - 15/03/2019 09:00 137 0
Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành kịch bản ứng phó và thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại những cửa ngõ giáp với các tỉnh, thành phố giáp ranh với tỉnh Tây Ninh; đồng thời thành lập các đội kiểm tra để phòng, chống bệnh tả heo Châu Phi. Trong những ngày qua, các địa phương đã tích cực triển khai các công tác phòng, chống dịch.

Các lực lượng chức năng huyện Dương Minh Châu đặt bảng lập chốt kiểm dịch tạm thời Cầu Tàu tại ấp 1, xã Bến Củi.

Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 20.2.2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, khống chế bệnh tả lợn (heo) Châu Phi, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo chủ động ứng phó, ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này xâm nhiễm vào địa phương, bảo vệ ngành chăn nuôi của tỉnh.

Cụ thể, ngay sau cuộc họp trực tuyến với Chính phủ ngày 4.3.2019 về công tác phòng, chống dịch, UBND tỉnh ban hành Công văn số 378/UBND về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành kịch bản ứng phó và thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại những cửa ngõ giáp với các tỉnh, thành phố giáp ranh với tỉnh Tây Ninh; đồng thời thành lập các đội kiểm tra để phòng, chống bệnh tả heo châu Phi. Trong những ngày qua, các địa phương đã tích cực triển khai các công tác phòng, chống dịch.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mấy khẳng định: Người tiêu dùng yên tâm sử dụng thịt heo bán trên thị trường có sự kiểm soát, kiểm dịch của cơ quan Thú y. Thực tế thì bệnh tả heo Châu Phi không gây hại đến sức khoẻ con người.

Tại huyện Dương Minh Châu, ngay sau buổi làm việc với đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến làm trưởng đoàn về công tác phòng, chống bệnh tả heo Châu Phi trên địa bàn huyện ngày 11.3, UBND huyện đã xây dựng kịch bản phòng, chống dịch. Đồng thời, UBND huyện ban hành quyết định thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại cầu Tàu và cầu K33 với các lực lượng Thú y, Cảnh sát giao thông, Quản lý thị trường.

Theo ông Nguyễn Vũ Mạnh - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Dương Minh Châu, trên địa bàn huyện có 49.500 con heo, trong đó có trên 47.000 con tại 49 trang trại, chiếm trên 95% tổng đàn heo của huyện. Riêng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có số lượng heo không đáng kể. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong những ngày vừa qua, UBND huyện đã tổ chức triển khai đồng bộ đến 11 xã, thị trấn các giải pháp và phương án chủ động ứng phó với bệnh tả heo Châu Phi.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về nhận biết heo bệnh, hướng dẫn phương pháp xử lý khử trùng, tiêu độc; yêu cầu các chủ trang trại ký cam kết phòng, chống bệnh; người nuôi phải khai báo với cơ quan chức năng khi có bệnh tả heo Châu Phi xảy ra, tuyệt đối không được giấu bệnh. Cơ quan chuyên môn cũng thông tin cho người dân hiểu bệnh tả heo Châu Phi chỉ xảy ra trên loài heo, không lây lan và không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, để tránh trường hợp người tiêu dùng “tẩy chay” sản phẩm thịt heo “sạch” do thiếu hiểu biết và do tin đồn thất thiệt gây ra.

Các lực lượng chức năng huyện Dương Minh Châu đặt bảng lập chốt kiểm dịch tạm thời Cầu Tàu tại ấp 1, xã Bến Củi.

Theo ông Mạnh, tổng đàn heo của huyện Dương Minh Châu rất lớn, chiếm khoảng 50% tổng đàn cả tỉnh. Địa bàn huyện lại giáp ranh với tỉnh Bình Dương (một trong những tỉnh chăn nuôi heo nhiều nhất cả nước), do đó, nguy cơ lây nhiễm bệnh từ bên ngoài là rất lớn. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Dương Minh Châu thành lập hai chốt kiểm dịch tạm thời là chốt cầu K33 tại ấp B2, xã Phước Minh (tiếp giáp với huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) và chốt cầu Tàu tại ấp 1, xã Bến Củi để kiểm soát việc vận chuyển heo, sản phẩm heo từ tỉnh Bình Dương vào Tây Ninh.

Còn tại huyện Trảng Bàng, ông Nguyễn Tấn Đạt - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, qua công tác thống kê nắm tình hình, tính đến ngày 10.3.2019, tổng đàn heo trên địa bàn huyện khoảng 33.270 con và chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh tả lợn Châu Phi. Mới đây, UBND tỉnh đã cho thành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời Suối Sâu tại ấp Suối Sâu, xã An Tịnh để kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển heo và sản phẩm heo từ TP.Hồ Chí Minh vào Tây Ninh.

UBND huyện Trảng Bàng cũng đã ban hành quyết định thành lập Đội kiểm tra liên ngành và thành lập thêm 3 chốt kiểm soát liên ngành, gồm: Chốt kiểm soát liên ngành Cầu Sắt tại ấp Phước Hưng, xã Phước Chỉ; Chốt kiểm soát liên ngành Dốc Kênh Mộc Bài tại ấp An Quới, xã An Hoà; Chốt kiểm soát liên ngành Cầu Cát tại ấp Lộc Thuận, xã Hưng Thuận. Đội kiểm tra liên ngành và các chốt này có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết ngăn chặn heo và các sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc, heo nhập lậu, heo nghi nhiễm bệnh từ nơi khác vào địa bàn huyện.

Song song đó, công tác thông tin tuyên truyền về bệnh tả heo Châu Phi được UBND huyện chỉ đạo thực hiện ngay từ ngày 4.3. Đài truyền thanh huyện và các xã, thị trấn mỗi ngày phát sóng 3 lần, mỗi lần khoảng 10 phút tuyên truyền về dịch bệnh. Trong đó nhấn mạnh dịch tả heo Châu Phi không lây lan và không gây bệnh cho con người và các động vật khác; kêu gọi người dân không “quay lưng” với thịt heo “sạch”, được kiểm dịch bởi cơ quan thú y.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Tổ trưởng Tổ kiểm dịch động vật Suối Sâu (huyện Trảng Bàng) cho biết, đây là cửa ngõ của Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh nên số lượng người và phương tiện ra vào tỉnh rất đông. Để kiểm soát dịch tả heo Châu Phi hiệu quả cần có sự phối hợp của các ngành chức năng như Cảnh sát giao thông, Quản lý thị trường và lực lượng Thú y.

Còn tại huyện Bến Cầu, công tác phòng, chống dịch tả heo Châu Phi được UBND huyện nghiêm túc thực hiện bằng việc tổ chức triển khai xuống các xã, thị trấn. Cơ quan chức năng điều tra tổng đàn heo, tiêm phòng vắc-xin đối với các loại bệnh nguy hiểm, cấp phát 210 lít hoá chất khử trùng (do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cấp) và hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại phòng, chống dịch tả heo Châu Phi và các bệnh khác.

Theo ông Nguyễn Thành Lập - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, trên địa bàn huyện có khoảng 23.512 con heo. Trong đó, chăn nuôi trang trại chiếm phần lớn với 18.573 con, chăn nuôi gia trại và nông hộ nhỏ lẻ 4.939 con. Qua kiểm tra sơ bộ, 100% hộ chăn nuôi và các trang trại đều tiêm vắc-xin đối với các loại bệnh nguy hiểm, có khả năng gây thành dịch. Phòng NN&PTNT huyện đang tham mưu UBND huyện xem xét thành lập một số chốt kiểm dịch động vật tạm thời theo hướng dẫn của tỉnh.

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Châu trong buổi làm việc với đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến làm trưởng đoàn ngày 11.3, tổng đàn heo trên địa bàn huyện khoảng 8.700 con. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã ban hành nhiều văn bản triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, bệnh tả heo Châu Phi và thành lập chốt kiểm dịch cầu Sài Gòn trên tuyến đường 794, tại ấp Con Trăn, xã Tân Hoà.

Tổ kiểm dịch Suối Sâu (huyện Trảng Bàng) luôn sẵn sàng thực hiện lập chốt kiểm dịch, kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi từ TP. Hồ Chí Minh vào Tây Ninh.

Theo ông Nguyễn Văn Mấy - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để chủ động phòng, chống dịch tả heo Châu Phi, người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm quy trình về vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi; phương tiện và người ra vào trại phải được sát trùng. Thực hiện tốt nguyên tắc 5 không: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; đặc biệt không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Đồng thời, khi có heo bệnh chết, người nuôi phải cách ly và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc qua đường dây nóng số 02763827351.

Theo BTN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây