Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các chương tình mục tiêu quốc gia

Thứ bảy - 30/07/2022 10:00 177 0
Sáng ngày 29/7, đồng chí Phạm Bình Minh - Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), giai đoạn 2021-2025 chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình MTQG 6 tháng đầu năm, đề ra giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các chương trình.

Muctieuquocgia-1.jpg

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Chính phủ

Muctieuquocgia-2.jpg

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2021-2025 và các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh.

Hiện nay, cả nước đang triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG, bao gồm: Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025.

Muctieuquocgia-3.jpg

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã thực hiện trong 5 năm qua, trong giai đoạn hiện nay có tích hợp thêm một số nội dung mới. Về tiến độ giải ngân vốn, có 22/34 địa phương đã ban hành nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, có quyết định của UBND cấp tỉnh để có cơ sở phân bổ vốn. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, hiện tại, cấp Trung ương đã hoàn thành cơ bản, trách nhiệm dồn lên "vai" các địa phương, do đó, đề nghị Chính phủ có công điện gửi các địa phương đôn đốc việc giải ngân các nguồn vốn để kịp hoàn thành trong năm 2022.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tổng mức kinh phí bố trí Chương trình này cho năm 2022 là 8.620 tỷ đồng để thực hiện các dự án, trong đó, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo gần 790 tỷ đồng. Năm 2021, theo chuẩn tiếp cận đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 2,23% (giảm 0,52% so với năm 2020); tỷ lệ hộ cận nghèo là 3,11% (giảm 0,6% so với năm 2020). Dự kiến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 1,2%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,2%.

Đến nay, cả nước có 5.813 xã (chiếm 70,7% xã) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 198 xã tương đương 2,4% so với cuối năm 2021). Trong đó, có 803 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 300 xã so với cuối năm 2021) và 94 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 51 xã so với cuối năm 2021); bình quân cả nước đạt 17 tiêu chí/xã.

Có 253 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 40 đơn vị so với cuối năm 2021 và chiếm khoảng 39,2% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đã ban hành đầy đủ các văn bản theo trách nhiệm trong hướng dẫn triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, hiện còn vướng 11 văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan. Dự kiến, trong tuần sau, Bộ sẽ tổ chức triển khai hướng dẫn trên toàn quốc. Theo số liệu, Bộ đã phân vốn đạt hơn 75% kế hoạch; có 32/47 địa phương thuộc đối tượng của Chương trình đã thông qua HĐND cấp tỉnh về phân bổ nguồn vốn, có 22/47 địa phương đã phân bổ nguồn vốn. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị các địa phương quan tâm kiện toàn Ban điều hành xây dựng nông thôn mới, bởi mới có 17 địa phương thực hiện nội dung này.

Với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, đồng chí Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình được ban hành chậm, đến thời điểm hiện tại, văn bản hướng dẫn một số dự án, tiểu dự án thành phần còn đang trong quá trình hoàn thiện, do đó, địa phương gặp nhiều lúng túng trong triển khai thực hiện. Trong khi đó, thời hạn Trung ương yêu cầu phân bổ kế hoạch cả giai đoạn và kế hoạch năm 2022 quá gấp (trước ngày 01/7/2022) trong khi chưa đầy đủ các hệ thống văn bản của Trung ương, do vậy, việc thực hiện các dự án cũng như công tác lập, giao kế hoạch không thể thực hiện theo quy trình của Luật Đầu tư công và Nghị định số 27/2022/NĐ-CP về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG.

Hiện nay, các dự thảo thông tư và văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần còn lại thuộc chương trình đang tiếp tục được các bộ, ngành chủ trì quản lý khẩn trương nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện, ban hành, dự kiến trong tháng 8.

Muctieuquocgia-4.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu từ điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Phát biểu từ điểm cầu tỉnh Tây Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cho biết, Tây Ninh đang thực hiện cả 3 chương trình MTQG. Đối với chương trình MTQG nông thôn mới, tỉnh đã trình HĐND tỉnh phân khai vốn năm 2022, còn trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ trình vào kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh vào đầu tháng 9. Tây Ninh lần đầu triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nên có phần lúng túng trong triển khai thực hiện, do hướng dẫn của bộ, ngành chưa rõ. Tỉnh cũng đang xây dựng các đề án để trình HĐND tại kỳ họp thứ 9. Tây Ninh đã kiện toàn Ban chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng Ban. Văn phòng điều phối thực hiện các chương trình MTQG cũng đang được tỉnh kiện toàn lại theo quy định của pháp luật.

Muctieuquocgia-5.jpg

Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đánh giá, từ cuối năm 2021 đến 6 tháng đầu năm nay, Trung ương đã ban hành cơ chế, chính sách và khối lượng lớn văn bản hướng dẫn, làm cơ sở pháp lý triển khai các chương trình MTQG. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn một số thông tư, hướng dẫn thực hiện chưa được ban hành, đặc biệt là với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Quá trình triển khai ba chương trình MTQG, đến nay có gần 20 tỉnh, thành chưa thông qua HĐND tỉnh để phân bổ nguồn vốn thực hiện trong năm 2022. Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đề nghị các tỉnh, thành trên cần nhanh chóng hoàn thành nội dung này.

Về các đề xuất, kiến nghị mà các tỉnh, thành nêu tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành rà soát lại các kiến nghị, yêu cầu các bộ còn thiếu thông tư và hướng dẫn cụ thể cần nhanh chóng ban hành, chậm nhất là đến ngày 15/8/2022.

Trong triển khai thực hiện nguồn ngân sách đã được phân bổ (nguồn ngân sách Trung ương phân bổ trên 34.000 tỷ đồng cho ba chương trình), Phó Thủ tướng thường trực yêu cầu các tỉnh, thành đã phân bổ nguồn ngân sách cần bắt tay triển khai ngay các chương trình, đặt mục tiêu phải giải ngân hết nguồn vốn trong năm 2022; đồng thời, giao cho các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thúc đẩy việc giải ngân này, đây là việc làm rất cần thiết và quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Lãnh đạo các tỉnh, thành cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt vấn đề này.

Với thống kê có 59/63 tỉnh, thành đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG, Phó Thủ tướng thường trực nghiêm khắc phê bình những địa phương chưa thành lập Ban chỉ đạo.

Phó Thủ tướng thường trực cũng chỉ đạo, sau hội nghị hôm nay, các tỉnh, thành tích cực, quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình MTQG, đặt quyết tâm cao, từ nay đến cuối năm giải ngân hết nguồn vốn Trung ương, kết hợp với nguồn vốn địa phương để triển khai hiệu quả 3 chương trình MTQG này.

QN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây