Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có đồng chí Trần Văn Chiến-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Mấy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo các đơn vị, địa phương.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, có 59/63 tỉnh thành triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, giai đoạn 2015-2020 với tổng kinh phí là trên 800 tỷ đồng.
Trong đó, hỗ trợ gần 2.000 con trâu, bò đực giống (kinh phí hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng); 528 con heo đực giống (kinh phí hỗ trợ gần 2 tỷ đồng) và 146.000 con gà, vịt giống (kinh phí trên 3 tỷ đồng); hỗ trợ 5,062 triệu liều tinh heo, 2,714 triệu liều tinh trâu, bò giống chất lượng cao. Bên cạnh đó, các tỉnh hỗ trợ 54.947 công trình khí sinh học (biogas), tương đương 159 tỷ đồng để xử lý chất thải trong chăn nuôi và hỗ trợ 112.174 mô hình áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi với tổng kinh phí 17,5 tỷ đồng.
Tại Tây Ninh, toàn tỉnh có 11.000 con trâu, 100.000 con bò, 13.591 con bò sữa, 197.315 con heo, 7.150.000 con gia cầm. Cơ cấu chăn nuôi đang tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn sinh học, hiệu quả thấp sang chăn nuôi quy mô trang trại an toàn sinh học. Tỷ lệ chăn nuôi trang trại về heo, trâu, bò thịt, bò sữa đều đạt từ 80% trở lên, riêng gia cầm đạt 60,5%.
Toàn tỉnh hiện có 67 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP, 83 cơ sở chăn nuôi gà, vịt, heo, bò được chứng nhận an toàn dịch bệnh; Dương Minh Châu là huyện duy nhất được chứng nhận vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và newcastle trên gà và 83 cơ sở chăn nuôi gà, vịt, heo, bò được chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Thực hiện Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND, ngày 6.3.2017 về chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh, đến nay, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 9.370 liều tinh heo giống cho các hộ nuôi heo nái với kinh phí 468,5 triệu đồng; gieo tinh nhân tạo, lai tạo được 10.700 con bò lai với các giống bò thịt chất lượng cao như Brahman, Angus, Charolaise…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp, thông qua chương trình cải tạo và nâng cao năng suất đàn gia súc, gia cầm; bằng việc hỗ trợ liều tinh, vật tư phối giống, hỗ trợ heo, trâu, bò đực, gà, vịt giống góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đàn heo, trâu, bò và gia cầm của các địa phương; thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo; việc hỗ trợ xây dựng công trình xử lý chất thải chăn nuôi, áp dụng kỹ thuật đệm lót sinh học trong chăn nuôi góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, giảm thiểu tổn thương đối với ngành chăn nuôi khi Việt Nam tham gia hội nhập toàn diện với các nước trong khu vực và thế giới, góp phần triển khai Luật Chăn nuôi, thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045, rất cần có một chính sách của nhà nước tạo nguồn lực hỗ trợ chăn nuôi giai đoạn 2021-2025.
ML